Khó bẻ được gai… “hoa hồng”
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế về thuốc, mỹ phẩm và thiết bị y tế, do Bộ Y tế xây dựng và được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân.
Nhiều hành vi bị phạt nặng
Ảnh minh họa
Dự thảo Nghị định cũng chỉ rõ, việc buôn bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, thuốc nhập lậu, thuốc đã hết hạn sử dụng, bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Mức phạt cao nhất đến 40 triệu đồng dành cho hành vi sản xuất mỹ phẩm có chất cấm; mức 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng sẽ được áp dụng cho các hành vi: Kinh doanh mỹ phẩm nhưng chưa thực hiện công bố, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, quảng cáo thuốc kê đơn, vaccine, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với nội dung không rõ ràng dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc…
Biện pháp đã đủ mạnh?
Hầu hết những người được hỏi ý kiến về Dự thảo Nghị định trên cho rằng chế tài vẫn chưa đủ mạnh. Căn cứ để khẳng định quan điểm trên được đưa ra là, với lợi nhuận khổng lồ mà các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng kiếm được; với mức hoa hồng cao gấp nhiều lần mức lương Nhà nước các BS kiếm được từ việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân cùng với việc xử lý nửa vời của cơ quan chức năng thì họ sẵn sang nộp phạt để… tiếp tục vi phạm.
Điều tưởng như vô lý đó lại rất có lý vì hai lý do. Thứ nhất, việc phát hiện sai phạm trong lĩnh vực y tế được báo chí đánh giá là “đụng đâu sai đấy” nhưng các cơ quan chức năng cho rằng “khó phát hiện vì rất tinh vi”. Thứ hai, trên thực tế rất hiếm cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế nào bị phạt hai lần trong một năm về những hành vi đã đề cập trong Dự thảo Nghị định trên (các bác sĩ bị xử lý vì kê đơn biệt dược đắt quá mức cần thiết cho bệnh nhân còn hiếm hơn) nên dù bị phạt ở mức cao nhất thì cũng chẳng thấm gì so với lợi nhuận thu được từ các hành vi sai phạm.
Việc các đơn vị, cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng có sai phạm rất đáng bị lên án vì xét cho cùng họ đã trục lợi trên người bệnh. Tuy nhiên, bức xúc hơn cả là hành vi của một số BS buộc bệnh nhân phải mua những đơn thuốc toàn biệt dược, trên mức cần thiết để “ăn” hoa hồng. Vừa mới đây, vụ “ăn” hoa hồng cao đến mức một tháng mua được nửa căn hộ của một số bác sĩ tại TP Hồ Chí Minh khiến thiên hạ đứng tim, giật mình.
Tại bảng tổng kết bán hàng của nhân viên Cty Dược phẩm Shering – Plough thuộc một tập đoàn dược của Mỹ (văn phòng đại diện tại Việt Nam), cứ mỗi lọ thuốc trị viêm gan có tên P.50 (Peg-intron 50mcg) và P.80 (Peg-intron 80mcg) được kê cho bệnh nhân, các BS được chiết khấu từ 10% – 30% giá trị.
Bảng tổng kết bán hàng tháng 7-2009 của Cty này cho thấy, phòng mạch của BS Trương Bá Trung trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM kê được đến 300 lọ thuốc P.50 với giá 1,8 triệu đồng/lọ, và 525 lọ P.80 với giá 3 triệu đồng/lọ. Với 25% hoa hồng, vị bác sĩ này đã đút túi số tiền 528 triệu đồng.
Tương tự, tháng 8-2009, bác sĩ Trung đã sử dụng 612 lọ thuốc P.80 và hưởng chiết khấu… 459 triệu đồng(?!) BS Trung là một chuyên gia về gan mật, đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ngoài ra, còn nhiều BS khác cũng được “hưởng” tiền hoa hồng từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Đương nhiên, những người bệnh khốn khổ là nơi “lãnh đủ” của những BS nhẫn tâm này…
Đó chỉ là những vụ việc đã bị phanh phui. Với số tiền khổng lồ mà các BS trên kiếm được thì mức phạt 10 triệu đồng được qui định trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế về thuốc, mỹ phẩm và thiết bị y tế nào có đáng gì! Ông Lê Văn Hưng, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông cho rằng: “Việc các BS kê đơn thuốc cho bệnh nhân với những loại biệt dược quá mức cần thiết thực chất là hành vi “cưỡng đoạt tài sản” vì người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân lúc đó gần như không thể từ chối.
Theo tôi, Dự thảo nên qui định rõ, nếu BS “ăn” hoa hồng đến một số tiền nào đó phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu chỉ xử phạt 10 triệu đồng thì rất khó bẻ được gai… hoa hồng”.
Thủ tục pháp luật