Tin Tức

Khi người thân lãnh đạo được ưu ái

Rate this post

Hàng chục hecta đất của người dân khai mở đã bị thu hồi để cho người thân của lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh thuê làm ao nuôi cá với giá hết sức ưu ái. Chuyện trái khoáy này xảy ra tại tỉnh Đồng Tháp và gây bất bình trong dư luận một thời gian dài…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa có kết luận kiểm tra dấu hiệu vi phạm về quản lý đất bãi bồi và quỹ đầu tư phát triển, đồng thời đề nghị xử lý kỷ luật đối với hai lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp. Sai phạm cụ thể như thế nào?

Tuần qua, UBND tỉnh họp bàn giải quyết khiếu nại của dân về đất bãi bồi, họp hội đồng quản lý quỹ đầu tư phát triển. Trước đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm điểm và đề nghị mức xử lý đối với hai lãnh đạo tỉnh.

Gom đất nuôi cá

Đuôi dải cù lao An Hòa (xã An Nhơn, Châu Thành, Đồng Tháp) là vùng đất lan bồi vừa nhú lên khỏi mặt sông Tiền. Hơn 20 năm về trước, những hộ nghèo ra đó tấp lục bình thành từng ô khoảnh trồng ấu, đánh bắt thủy sản kiếm sống. Nhờ vậy phù sa lắng bồi nhanh hơn, qua từng năm đất dần nhô lên cao. Người dân bỏ công sức đắp bờ, cải tạo đất để nuôi thủy sản, trồng hoa màu, cây ăn trái, rồi được xã giao đất và đóng thuế đầy đủ.

Sơ đồ hiện trạng diện tích thu hồi đất bãi bồi xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp giao cho gia đình lãnh đạo, cán bộ tỉnh Đồng Tháp nuôi cá

Năm 1999, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định giao xã An Nhơn 31,5ha đất ở cù lao An Hòa sử dụng làm quỹ đất công ích.

Năm 2002, tại đồng bằng sông Cửu Long rộ lên phong trào đổ xô tìm mua đất ven sông đào ao nuôi cá. Giá đất loại này dần nhảy lên gần tỉ đồng/ha. Cù lao An Hòa nằm giữa sông có địa hình cực kỳ lý tưởng và thuận lợi cho việc nuôi cá.

Để có đất cho thuê nuôi cá, huyện Châu Thành quyết định thu hồi toàn bộ khu đất đuôi cù lao mà không bồi hoàn với lý do đây là đất người dân tự bao chiếm. Dân khiếu nại, không chịu giao đất. Sau đó huyện chỉ đồng ý cấp quyền sử dụng đất cho bảy hộ và giữa năm 2003 đã ký quyết định thu hồi phần diện tích giáp mặt sông Tiền tổng cộng hơn 16,5ha.

Sau khi kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất bãi bồi, quỹ đầu tư phát triển đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và một số cán bộ chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hai cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Nguồn: kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương trong phiên họp từ ngày 12-10 đến 3-11-2009

Với số đất thu hồi này, cuối năm 2004 UBND huyện Châu Thành đã lập thủ tục ký hợp đồng cho từng cá nhân thuê để nuôi thủy sản. Tiếp đến, năm 2005 UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định thu lại quyền sử dụng đất công ích 5% của xã An Nhơn chuyển sang quỹ đất nông nghiệp.

Kể từ khi diện tích ấy được chuyển sang đất nông nghiệp, huyện mới chính thức quyết định cho thuê. Tuy nhiên, khi thấy đất mình dày công khai mở nay bị thu hồi để giao cho gia đình cán bộ nuôi cá, nhiều người dân không chịu giao đất. Một số hộ gồm cả hộ nghèo đã bị cưỡng chế phải giao lại đất.

Đầu năm 2006, sau khi thu hồi đất UBND huyện Châu Thành lần lượt ký các quyết định cho thuê.

Danh sách người được thuê gồm khá nhiều người nhà các cán bộ đầu tỉnh. Trong đó bà Nguyễn Thị Xuân Vân (vợ Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Minh Đoàn) thuê 20.000m2, bà Trần Thị Mướt (vợ ông Nguyễn Trung Thành – nguyên thường vụ Tỉnh ủy và giám đốc Sở NN&PTNT): 52.800m2, hai ông Nguyễn Phước Thọ và Nguyễn Minh Tuấn (con ông Nguyễn Trung Thành): 48.000m2, bà Trần Ngọc Ánh (vợ Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Hân): 20.000m2. Riêng bà Lê Thị Út Em (vợ phó giám đốc Sở NN&PTNT Dương Nghĩa Quốc) tuy mới xác lập hồ sơ thuê nhưng đã đầu tư nuôi cá trên diện tích hơn 30.000m2 từ nhiều năm qua.

Cũng tại cù lao An Hòa, từ tháng 4-1999 UBND huyện Châu Thành cho lập thủ tục đấu thầu khai thác khu Vũng Tàu 2. Ngày 12-4-2000 UBND xã An Nhơn ký hợp đồng cho ông Hồ Ngọc Thới thuê khai thác sử dụng trong 15 năm với tiền trúng thầu hơn 2,5 tỉ đồng. Thế nhưng sau đó xã giao diện tích không đúng nên phát sinh tranh chấp, ông Thới khởi kiện yêu cầu UBND xã An Nhơn thực hiện đúng hợp đồng.

Mãi tới năm 2005 tòa án huyện Châu Thành mới thụ lý, buộc ông Thới trả lại toàn bộ đất cho xã. Sau đó bản án phúc thẩm của tòa án tỉnh Đồng Tháp hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu xử lại từ đầu vì cho rằng ở cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Vụ kiện chưa giải quyết xong thì đầu năm 2006 UBND huyện Châu Thành đã ký quyết định cho bảy cá nhân, hộ gia đình, phần lớn là cán bộ hoặc người thân lãnh đạo địa phương, được thuê đất tại đây từ 15-20 năm. Trong đó có Huỳnh Văn Khương (anh ruột ông Huỳnh Thanh Quang, chủ tịch UBND huyện) được giao 20.000m2, Võ Văn Tá (em Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Nghĩa): 25.000m2. Riêng ông Võ Trọng Nghĩa được huyện ký quyết định giao 42.000m2 ngày 10-9-2007. Còn với Công ty cổ phần thủy sản An Phú, ngày 31-12-2007 UBND tỉnh ban hành quyết định 779/QĐ-UBND cho thuê 6,4ha…

Xem Thêm  Quản chặt đầu số SMS để kiềm tỏa tin nhắn rác

Một số ban ngành ở tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận: “Đất đang tranh chấp chưa giải quyết xong mà lấy cho thuê là sai luật!”.

Ưu ái cho vay nuôi cá

Cưỡng chế, xử phạt,
thu hồi đất

Mẹ con bà Nguyễn Hồng Châu vốn là hai hộ nghèo bị thu hồi 6.073m2 đất. Họ không chịu giao đất nên bị xử phạt hành chính, đến ngày 4-11-2005 bị huyện tổ chức cưỡng chế. Thanh tra tỉnh Đồng Tháp cho biết đất bà Châu đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi thu hồi. UBND tỉnh có quy định trước khi cưỡng chế phải báo cáo với chánh thanh tra nắm rõ vụ việc nhằm tránh việc thực hiện sai luật. Thế nhưng UBND huyện không hề báo cáo, mãi sau này khi tiến hành thanh tra đơn vị này mới hay biết. Diện tích thu hồi của mẹ con bà Châu và một hộ khác sau đó giao cho bà Trần Ngọc Ánh nuôi cá và bà Ánh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo báo cáo ngày 9-10-2009 về tình hình quản lý sử dụng, thu hồi và cho thuê đất của UBND huyện Châu Thành, từ tháng 1-2006 huyện đã cho tổng cộng 81 hộ gia đình, cá nhân thuê đất. Báo cáo này nêu rõ các đối tượng được giao đất, đồng thời nhìn nhận việc cho thuê đất hoàn toàn không thông qua đấu giá.

Sau khi tiến hành thanh tra, Thanh tra Chính phủ kết luận việc UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Châu Thành cho Công ty cổ phần thủy sản An Phú và giải quyết cho các hộ gia đình cán bộ công chức thuê đất với tổng diện tích 48,86ha mà không thông qua đấu giá là vi phạm quy định của Thủ tướng Chính phủ ban hành về quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Đáng lưu ý, trong khi chưa giải quyết dứt điểm khiếu nại việc thu hồi đất của người dân mà cho 13 hộ gia đình cán bộ công chức thuê 43ha là chưa tuân thủ quy định pháp luật. Từ đó đã làm người dân bất bình dẫn tới tình trạng khiếu kiện gay gắt.

Thời điểm đó, về mức cho thuê đất bãi bồi mà UBND tỉnh Đồng Tháp căn cứ theo quyết định số 05/2005/QĐ-UB ngày 13-1-2005 quy định 2-6%/năm (khoảng 380 -1.000 đồng/m2). Thế nhưng, mức giá thuê thực tế áp dụng cho các đối tượng trên lại không thống nhất, lúc thì áp dụng theo quyết định của UBND tỉnh, lúc thì theo thông báo của văn phòng Huyện ủy hoặc của văn phòng UBND huyện Châu Thành.

Bà Trần Ngọc Ánh được huyện Châu Thành ký quyết định cho thuê đất ngày 18-9-2006 thì trước đó, ngày 18-8-2006 UBND tỉnh có quyết định số 40/2006/QĐ-UBND ban hành mức giá cho thuê đất bãi bồi chỉ 0,5-2%/năm. Nhờ vậy, bà Ánh được thuê với mức 2%/năm! Mức cho thuê đối với Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Nghĩa cũng 2%/năm, trong khi nhiều cá nhân khác là 4-6%/năm.

Đất đã được cho thuê ưu đãi, còn tiền đầu tư nuôi cá thì trông mong vào quỹ đầu tư phát triển do Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Trọng Nghĩa làm chủ tịch hội đồng quản lý. Quỹ này hình thành từ nguồn ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh, mục đích nhằm hỗ trợ đầu tư cho các dự án theo quy định tại Đồng Tháp cũng với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, đối tượng hộ cá nhân, gia đình được vay từ quỹ này chủ yếu hộ gia đình hoặc người thân của cán bộ lãnh đạo tỉnh.

Một con số thống kê chưa chính thức cho biết vợ của Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Minh Đoàn, vợ Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Hân, em của Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Nghĩa và người thân một số cán bộ tỉnh từng được vay hơn 21 tỉ đồng của quỹ để nuôi cá.

Chính trong kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ở phần kết quả kiểm tra một số nội dung trong công tác quản lý tại một số cơ quan, đơn vị thường để xảy ra tham nhũng, Thanh tra Chính phủ kết luận việc áp dụng mức giá cho thuê đất bãi bồi ở huyện Châu Thành là không thống nhất, có sự ưu ái cho một số đối tượng, cụ thể là đối với vợ Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Hân và Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Nghĩa. Việc vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển cũng thể hiện sự ưu ái đó.

Kết quả thanh tra cho thấy về đối tượng được vay là hộ gia đình, cá nhân thì chủ yếu là hộ gia đình cán bộ tỉnh hoặc người thân của lãnh đạo tỉnh. Mặt khác, thủ tục cho vay chưa thực hiện theo đúng quy định, chưa thực hiện đúng quy trình như không thẩm định, xác định tài sản của bên vay mà chủ yếu dựa vào các văn bản của tỉnh, đặc biệt là hình thức cho vay tín chấp. Tại thời điểm thanh tra đầu năm 2009, số dư nợ quá hạn của quỹ lên tới 74,9 tỉ đồng!

Vụ việc này đang gây thắc mắc trong dư luận ở Đồng Tháp.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn