Khi con mất mẹ, vắng cha
Hai phiên tòa, hai vụ người chồng sát hại vợ vì những lý do khác nhau nhưng đau xót hơn cả, đằng sau tội ác của người lớn là số phận của hai đứa trẻ, một trai, một gái bơ vơ…
Cùng nỗi đau mất mẹ nhưng T. (trái) thì biết buồn tủi ngoài phòng xử án, |
1. Trong phiên tòa hôm ấy, T. được bảo vệ cho vào khuôn viên TAND TP.HCM nhưng em không được vào phòng xử án vì chưa đủ 16 tuổi.
T. là con riêng của chị N. – nạn nhân trong vụ người chồng tưới xăng đốt vợ mà tòa đang xử phía trong. Cái đầu nhỏ thó cạo trọc, mặc chiếc áo tu hành, T. ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế ọc ạch cách cửa phòng xử án chỉ vài mét. Nước da xanh xao, T. luôn cúi mặt lặng thinh, ai hỏi thăm cũng chỉ nói vài lời rồi lại buồn rầu nhìn xuống.
Hồ sơ nêu rõ chị N. và bị cáo Lý Hòa cùng cảnh không nhà không cửa, gặp nhau rồi chung sống như vợ chồng từ giữa năm 2006. Tối một ngày tháng 1-2007, chở xong một cuốc xe ôm, Hòa chạy xe về chỗ vợ đặt tủ bán thuốc lá ở ngã tư Lý Chính Thắng – Bà Huyện Thanh Quan (quận 3). Ấm ức vì những mâu thuẫn tích tụ trong sinh hoạt từ trước, lại bị vợ chửi bới nặng lời, Hòa tức giận giật can xăng, tưới lên người vợ. Chị N. bật dậy túm cổ áo chồng. trong lúc hai bên giằng co, Hòa móc túi lấy hộp quẹt gí vào người vợ làm lửa bùng cháy rồi bỏ trốn. Chị N. được đưa đi cấp cứu nhưng đã mất sau đó tại bệnh viện.
Ngoài phòng xử án, hình như T. cũng nghe được loáng thoáng vụ việc khi công tố viên đọc cáo trạng. Gương mặt gầy gò của em chuyển sắc, lộ rõ vẻ sợ sệt. Có lẽ từ nhỏ, trong môi trường sống của mình, chưa bao giờ em tưởng tượng được những điều kinh khủng ấy dù chỉ trong ý nghĩ. Mới ba tuổi đầu em đã bị mẹ dắt đến gửi vào nhà chùa. Rồi mẹ em bỏ xứ vào TP.HCM sống cuộc đời lang bạt cho đến ngày xấu số. Từ ấy, T. nương nhờ cửa Phật. Nhìn em, người ta ái ngại khi biết rằng dù được học văn hóa, điều kiện sống được đảm bảo nhưng em hoàn toàn thiếu vắng tình thương máu mủ ruột rà ngay từ thủơ ấu thơ.
Không biết cha ruột mình là ai, mẹ đã mất, họ hàng chẳng ai nhận nuôi dưỡng, T. là một đứa trẻ mồ côi mãi mãi. Rời tòa, T. cúi mặt khóc nấc rồi lầm lũi bước theo chân người cậu để về lại Cam Ranh, về với thế giới riêng của mình nơi cổng chùa.
2. Ngày 10-3, TAND TP.HCM xử tiếp một vụ chồng giết vợ với một lý do chẳng giống ai. Tháng 4-2008, Phạm Văn Thanh bị vợ cằn nhằn về chuyện không giặt đồ và hay đánh con. Sau đó, Thanh đề cập đến chuyện “quan hệ” thì bị vợ từ chối vì Thanh đang mắc bệnh thủy đậu. Hai người cãi nhau. Thanh chạy xuống bếp lấy dao, sấn tới đâm vợ nhiều nhát làm nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu.
Trong phòng xử, tòa phạt Thanh 20 năm tù. Ngoài kia, đứa con gái ba tuổi của Thanh đang bám tay vào cánh cổng sắt của tòa mà chờ cha. Bé là kết quả của cuộc tình non nớt, khốn khó vì sau khi ra đời, cha mẹ bé mới đủ tuổi kết hôn theo quy định. Người ta không thể cho bé vào tòa, càng không thể cho bé chứng kiến cảnh cha mình bị cảnh sát áp giải vì còn quá nhỏ.
Từ sáng sớm bé đã được người nhà đưa đến tòa án nhưng phải ngồi chờ tới trưa dưới cái nắng như thiêu đốt. Xúng xính trong bộ quần áo mới màu đỏ, dường như B. chưa biết chuyện gì đang xảy ra với gia đình mình. Nhưng cảm nhận về số phận mồ côi thì đã hiển hiện rõ. Người cô bên nội kể lại, nhiều đêm tỉnh giấc, bé thường khóc thét đòi mẹ. Rồi những lần theo người lớn lên trại giam thăm cha, bé víu chặt tay áo đòi ở lại, phải dỗ dành mãi mới chịu về. Người cô nghẹn ngào: “Khổ tâm lắm chú ạ, ngày nào nó cũng hỏi cha con đâu, mẹ con đâu. Trong lúc chơi đùa, nó thường rủ bạn chơi trò gia đình rồi tự mình đóng vai người mẹ bồng ru con búp bê ngủ”…
Phiên xử không thể kết thúc sớm bởi phần giải quyết quyền nuôi bé thật căng thẳng. Bà ngoại kiên quyết xin bé B. về nuôi và yêu cầu bị cáo bồi thường hơn 10 triệu đồng thiệt hại tinh thần và tiền cấp dưỡng nuôi bà hàng tháng cho tới lúc chết.
Phía ông bà nội bé B. thì luôn miệng ngỏ lời xin tha thứ vì tội lỗi con trai mình đã gây ra và xin tòa tiếp tục được nuôi dạy bé B. mà không cần một khoản cấp dưỡng nào từ bên ngoại. Cuối cùng tòa đã quyết định cho bé tiếp tục ở bên nội, nơi bé đã sống quen, đã gần gũi từ nhỏ.
Dù đã có nơi có chốn nương thân nhưng mẹ mất, cha bị tù tội, cuộc sống của B. từ nay về sau sẽ luôn thiếu thốn tình cảm ruột thịt. Bé vẫn ngây thơ không biết gì, còn nhoẻn cười với tôi. Nhìn nụ cười hồn nhiên con trẻ ấy mà lòng người lớn dường như đang thắt lại.
Thủ tục pháp luật