Tin Tức

IPO ế ẩm vì “hét” giá quá cao

Rate this post

Trái ngược với sự sôi động của thị trường chứng khoán, hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lại lâm vào cảnh “chợ chiều”.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm đến nay, hai đơn vị này tiến hành IPO cho 27 doanh nghiệp, song lượng cổ phần  bán được cho nhà đầu tư (NĐT) không bao nhiêu.

Đấu giá bốn lần mới xong IPO

Với sự thờ ơ từ phía NĐT, nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc IPO dù số lượng Cổ phần chào bán không quá lớn. Điển hình là Công ty cổ phần  Bến bãi Sài Gòn chỉ bán được 22.000 Cổ phần  trong tổng số hơn 600.000 Cổ phần chào bán trong phiên đấu giá ngày 16/10, tại HoSE.

Các doanh nghiệp  tiến hành IPO với số lượng lớn cũng không khá hơn. Chẳng hạn, Công ty Dây và cáp điện Việt Nam (Cadivi) bán được hơn 50.000 cổ phần so với lượng chào bán là 2,4 triệu, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Sài Gòn bán được 45.000 cổ phần trên tổng số 1,6 triệu cố phần chào bán, Công ty Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ bán được 39.000 cổ phần trong 10,3 triệu cổ phần chào bán.

 

Lượng cổ phần IPO nhiều nhưng bán chẳng được bao nhiêu. (Ảnh: TNLinh)

Mới đây nhất, ngày 22/10, Công ty Cấp thoát nước Bình Thuận đấu giá 3,6 triệu cổ phần nhưng NĐT chỉ đăng ký mua hơn 540.000 đơn vị. Có doanh nghiệp  phải đấu giá tới bốn lần để hoàn tất IPO, như Công ty Du lịch Bình Thuận. Thậm chí, không ít doanh nghiệp  buộc phải hủy các phiên đấu giá cổ phần do không có NĐT tham gia, như Công ty Du lịch Tà Cú…

Giải thích về sự ảm đạm của hoạt đông IPO trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế IPO và bán cho nhà đầu tư chiến lược còn nhiều bất hợp lý, nên không thu hút sự quan tâm của NĐT tổ chức nước ngoài, thiếu hàng “khủng” của các doanh nghiệp  “đại gia”, đặc biệt là có phần bị vạ lây bởi sự ảm đạm của thị trường OTC.

Xem Thêm  Thầy Khoa sẽ yêu cầu thanh tra tiếp trường Vân Tảo

Nên chia nhỏ lượng cổ phần phát hành

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, cho rằng, cần sửa đổi cơ chế bán cho NĐT chiến lược và cả người lao động của doanh nghiệp phát hành. Với quy định người lao động được ưu đãi mua cổ phiếu bằng 60% so với giá đấu thành công làm không ít người lao động “dở khóc dở cười”, mà trường hợp IPO của Vietcombank là điển hình.

Mức giá trúng thầu bình quân khi IPO là 10,8 “chấm”, nhưng có thời điểm cổ phần của Vietcombank chỉ còn 3,5 “chấm” và hiện dao động khoảng 55.000 đồng một cổ phần. Như vậy với những người lao động được mua ưu đãi khoảng 7 “chấm” hay NĐT trúng thầu với giá 108.000 đồng một cổ phần, giờ “nằm mơ” mới thu hồi được vốn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đó chính là hệ quả của việc doanh nghiệp chưa xác định đúng giá trị của mình và nhận định thị trường chưa tốt nên “hét” giá bán quá cao.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), phương thức tính giá IPO phải làm lại cho hợp lý, không thể có một cách tính cào bằng cho tất cả doanh nghiệp . Mức giá chào bán phải căn cứ trên khả năng sinh lời của cổ phiếu trong tương lai cũng như tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital, ông Dominic Scriven, cho rằng, dù thị trường ế ẩm thì Nhà nước cũng nên tìm mọi cách đẩy nhanh tiến trình IPO, nhất là các doanh nghiệp lớn để tạo thanh khoản, tiềm năng, giá trị và sức hấp dẫn cho thị trường. Tuy nhiên, để không rơi vào cảnh bán không ai mua, các doanh nghiệp có thể chia nhỏ lượng cổ phần chào bán ra thành nhiều đợt với mức giá hợp lý. Cách làm này vừa đảm bảo nguồn cung thị trường không bội thực, vừa hoàn thành được mục tiêu chuyển đổi cổ phần  hóa, nhằm thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp.

Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, với NĐT chiến lược, nên chuyển sang phương thức thỏa thuận bán cổ phần cho họ trước khi chào bán ra công chúng, bởi những giá trị sinh lợi mà họ mang lại cho doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với NĐT cá nhân. Theo vị giám đốc này, hiện rất nhiều quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư lớn trong và ngoài nước đang trữ lượng tiền lớn để chờ đợi cơ hội IPO từ các “đại gia” như Mobifone, BIDV hay Vietnam Airlines.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn