Hướng đến cạnh tranh quốc tế
“Khi đứng trước những khó khăn, TP.HCM luôn phải tìm cách tháo gỡ và biến thử thách thành cơ hội. Đây chính là quyết tâm chính trị của một thành phố lớn bởi nếu TP.HCM bàn lùi sẽ ảnh hưởng chung đến cả nước” – đó là lời khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân với Tuổi Trẻ.
Đầu xuân Canh Dần, ông Lê Hoàng Quân – ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP.HCM – đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi về những vấn đề dân sinh và phát triển của TP.HCM.
|
Ông Lê Hoàng Quân – Ảnh: PHÚC HUY |
Ông nói tiếp:
– Vấn đề cần đặt ra đối với TP.HCM không còn là chuyện cạnh tranh trong nước mà là cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực. Cạnh tranh ở đây chính là sức hút đầu tư để khẳng định vai trò, vị thế của TP.HCM Hàng hóa TP.HCM xuất khẩu phần nhiều đều xuất phát từ nông thôn. Khi đến TP.HCM sẽ chế biến, nâng thêm giá trị hàng hóa. Đó là sự phối hợp, liên kết vùng, làm sao để hàng hóa, sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh có hiệu quả trên thương trường quốc tế. Tính chuyện của TP.HCM là tính đến xu hướng giao lưu quốc tế, vai trò này rất lớn.
* Nhưng thưa ông, chỉ số cạnh tranh do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều tra hằng năm cho thấy các năm gần đây TP.HCM đều tụt hạng?
Mỗi ngày phải thu
Năm 2009, tổng thu ngân sách của TP.HCM là 135.362 tỉ đồng (so với dự toán được giao là 122.327 tỉ đồng). Trong năm 2010, kế hoạch trung ương giao TP.HCM là 144.200 tỉ, nếu so với năm 2006 thì nguồn thu này tăng khoảng 2,5 lần. Và như vậy bình quân mỗi ngày (làm việc) TP.HCM phải thu 546 tỉ đồng.
Hiện TP.HCM đã có bảy quận gia nhập “Câu lạc bộ 1.000 tỉ đồng”, chín quận huyện gia nhập “Câu lạc bộ 500 tỉ”. |
– Kết quả này cũng là một phần để TP.HCM tham khảo và khắc phục những điều chưa làm tốt. Nhưng cũng phải nhận thấy rằng quy mô, công việc của TP.HCM rất lớn. Năm 2009 vừa qua, ở TP.HCM có hơn 24.000 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 114.763 tỉ đồng, bình quân mỗi ngày làm việc TP.HCM phải giải quyết cho 90 doanh nghiệp.
Trong khi đó các tỉnh, thành khác mỗi năm cấp phép từ vài trăm đến vài ngàn doanh nghiệp… Trước đây có những loại giấy phép TP.HCM cấp hơn 30 ngày nhưng nay còn 12 ngày, thậm chí còn năm ngày. Lúc còn làm ở tỉnh Đồng Nai, tôi chỉ đạo các sở ngành cấp phép đầu tư chỉ trong tám giờ nhưng khi về đây thấy rất khó áp dụng. Điều kiện TP.HCM có rất nhiều sự khác biệt của một đô thị lớn.
* Nhiều người dân than phiền họ cảm thấy cuộc sống thêm căng thẳng bởi ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn, rào chắn các công trình xây dựng… mỗi khi ra đường?
– TP.HCM đã quy hoạch sáu tuyến metro, các tuyến đường vành đai, đường cao tốc và hoàn chỉnh khung hạ tầng kỹ thuật cơ bản với các tuyến đường như đại lộ Đông – Tây, cầu Phú Mỹ, hệ thống đường vành đai 2, đường Rừng Sác nối Cần Giờ, rồi các dự án cải thiện môi trường, xử lý nước thải… Nhìn chung hạ tầng khung hiện nay đã khá hoàn chỉnh và hướng đến sự phát triển bền vững. Với việc đầu tư này cho thấy TP.HCM đã phát triển đúng hướng, tạo ra hành lang phát triển mới bằng nhiều hình thức huy động vốn, nhiều hình thức đầu tư.
|
TP.HCM sẽ có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại |
* Ở thành phố sôi động như TP.HCM, nhu cầu về thông tin của xã hội rất lớn nhưng thực tế còn nhiều cơ quan chức năng ngại tiếp xúc, thậm chí “đóng cửa” với báo chí?
– Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các cơ quan, đơn vị khi có vấn đề, chủ trương lớn nên tổ chức họp báo để thông tin. Phải chủ động thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Trong tình hình hiện nay đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện các chủ trương, chính sách mới liên quan đến nhiều vấn đề xã hội càng phải trao đổi thông tin rõ hơn với báo chí, với dư luận. Nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến quốc kế dân sinh, làm sao để người dân nắm thông tin một cách kịp thời, trung thực và chính xác. Việc thông tin lúc này phải trên tinh thần vì lợi ích chung, của quốc gia, thông tin không phải để tô hồng.
Cán bộ, sở ngành vô trách nhiệm, né tránh báo chí là không đúng. Mỗi cơ quan, sở ngành phải chịu trách nhiệm thông tin liên quan đến cơ quan mình!
P.HUY – V.H.QUỲNH thực hiện
Đầu năm, các bộ trưởng nói gì về những lĩnh vực đang phụ trách? Tuổi Trẻ trích ý kiến của các vị bộ trưởng từ website Chính phủ.
* Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng:
Giải quyết giao thông phải dùng kỹ thuật hơn là hành chính Đặc điểm giao thông của chúng ta là giao thông hỗn hợp, nhiều loại phương tiện khác nhau cùng tham gia lưu thông, đây là điều dở nhất trong tổ chức giao thông của các thành phố. Bên cạnh đó, phương tiện cá nhân lại quá nhiều cùng với thói quen đi lại của nhiều người còn tùy tiện nên rất dễ đi tới hỗn loạn, kẹt xe…
Để giải quyết vấn đề này, việc cần làm trước mắt và lâu dài là khi xây dựng các tuyến mới phải tách được các phương tiện giao thông, không phải bằng giải pháp hành chính mà bằng giải pháp kỹ thuật. Ở TP.HCM, những tuyến đường mới đã và đang thực hiện được như đường Điện Biên Phủ đã được tách ra bằng giải pháp kỹ thuật.
Ở Hà Nội cũng đã thí điểm một số tuyến nhưng chưa được vì chỉ mới tách bằng giải pháp dải phân cách mềm. Như vậy với thói quen của người dân như bây giờ sẽ không tổ chức nổi. Đơn cử như tuyến vành đai 3 khu vực Mỹ Đình chẳng hạn, về mặt kết cấu có thể tách được làn nhưng chỉ thực hiện bằng dải phân cách mềm sơn vạch nên hiệu quả chưa cao.
Đối với các tuyến cũ có cái khó trong việc kết hợp giải pháp kỹ thuật và ý thức của người tham gia giao thông. Tôi cho rằng với cách làm như hiện nay của Hà Nội còn chậm, cần phải nỗ lực hơn bằng giải pháp kỹ thuật thay vì giải pháp hành chính.
* Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Phạm Khôi Nguyên:
Vấn đề môi trường đang được sự đồng thuận Lần đầu tiên trong kế hoạch năm năm, Việt Nam đã đưa hệ thống chỉ tiêu môi trường vào hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh. Trước đây, mới chỉ có nhóm chỉ tiêu về môi trường. Thủ tướng và các phó thủ tướng đã vào cuộc rất mạnh trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và môi trường. 15 năm làm lãnh đạo ngành môi trường, chưa bao giờ tôi nhận được sự đồng thuận như hiện nay.
Điều quan trọng nữa là phải có tầm nhìn để hướng tới sự phát triển bền vững. Bởi lẽ nếu chỉ nhìn vào hiệu quả kinh tế lớn ngày hôm nay mà không tính đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường sẽ để lại hậu quả rất lớn cho thế hệ mai sau.
* Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:
Doanh nghiệp Việt phải “chuyển biến về chất” Trong gia đình tôi không cần phải vận động nhau dùng hàng gì. Gia đình tôi cũng là gia đình công chức, viên chức có nhu cầu tiêu dùng vừa phải, vì vậy quan điểm là nếu giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo thì mua.
Hiện tại một điều đáng mừng là nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất đã đáp ứng được yêu cầu: giá cả vừa phải, chất lượng không kém hàng ngoại, mẫu mã tốt. Do đó tôi nói không cần phải vận động là vì trong trường hợp này, sử dụng hàng Việt Nam là lẽ đương nhiên.
Tất nhiên, sau khi việc ưu tiên dùng hàng trong nước sản xuất trở thành cuộc vận động toàn xã hội thì các thành viên trong gia đình cũng nhận thức rõ hơn về ủng hộ chủ trương này. Nhưng mong muốn lớn hơn của tôi là các doanh nghiệp Việt Nam phải thật sự “chuyển biến về chất” trong cuộc vận động lớn này. Bởi rất nhiều người nghĩ như tôi, thị trường trong nước “thật sự là điểm tựa vững chắc của doanh nghiệp”.
|
Thủ tục pháp luật