Hành trình mỡ bẩn trong thùng đựng hóa chất
Chủ nhà tay thoăn thoắt phân loại những miếng mỡ, bì vụn được đóng trong túi nilon lớn thành từng đống riêng trên nền sân gạch ướt sũng nước. Cạnh đó là chảo mỡ lớn đang sôi sùng sục và một số can xanh cáu bẩn…
Thôn Bình Lương, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên từ lâu vốn nổi tiếng với nghề làm bóng bì. Mỡ nước và tóp ở đây là hai sản phẩm phụ. Mỡ nước được bán cho những nhà làm hành khô, bánh rán, quẩy, ngô chiên. Các quán cơm bình dân thường sử dụng để chế biến thức ăn. Mỡ nước được chứa trong những can, thùng còn tóp được cất trong bao tải đặt cạnh nơi chế biến hoặc lưu trữ trong bể.
Dọc đường vào làng, những phên bì phơi khô đặt la liệt. Nhà nào hầu như cũng tận dụng những khoảng đất trống để phơi bì, có gia đình phơi cả trên nóc nhà. Khu sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Giỏi nằm ngay lối vào. Vợ anh đang phân loại những miếng “đầu thừa đuôi thẹo” được gom từ các chợ ở Hà Nội và các nơi khác về. Miếng nào còn bì lớn thì được chế biến thành bì khô, miếng vụn dành để rán. Tất cả số mỡ này đều được để trên nền gạch lồi lõm, cạnh đó là cống nước, thùng, xô, chậu cáu đen nằm ngổn ngang.
Mỡ sau khi chế biến sẽ được đựng trong những can xanh này. (Ảnh: Hồng Vân) |
Đôi tay thoăn thoắt và không hề nhầm lẫn, vợ anh Giỏi cho biết, giá thu gom mớ mỡ thừa này là từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng một kg. Bì dùng để làm bóng có giá cao hơn, 8.000 đồng một kg và có yêu cầu cao hơn. Hàng sẽ được phân thành từng loại khác nhau và không bị bỏ đi dù chỉ một miếng. Mỡ sau khi rán được đựng trong những chiếc thùng lớn chất trong bếp đợi lái buôn đến thu gom. Tóp bán lại với giá từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng một kg cho cá ăn hoặc các nhà máy làm keo.
Vừa trò chuyện, anh Giỏi vừa đảo chảo mỡ đang sôi sùng sục và nhanh tay vớt đống bì ngâm trong hộp xốp bẩn xuống đất để chờ nguội cạo lông. Hàng sống, hàng chín đều được đặt cạnh nhau trên cùng một khoảng sân gạch. K
hi phóng viên đến nhà, vợ chồng anh đang bận rộn đóng hàng bì khô cho lái buôn. E ngại trước đống can bẩn đặt cạnh bếp, anh Giỏi thanh minh: “Can này không dùng để đựng mỡ đâu. Mỡ sẽ được đựng trong những chiếc can xanh sạch sẽ kia cơ”. “Can sạch” chỉ có vài chiếc nằm lẻ loi, còn nguyên nhãn mác của thùng đựng hóa chất. Thấy phóng viên thắc mắc rằng nhãn mác ghi Corrosive (chất gặm mòn) trên can, chủ nhà nói: “Chất đó trước kia cũng là nước thôi mà, có gì đâu mà độc hại”. Nói xong anh bỏ đi với vẻ không hài lòng.
Trước sân ngôi biệt thự, phơi đầy những phên bì lợn khô. (Ảnh: Hồng Vân) |
Nghe tin có phóng viên, người trong làng đổ ra đường mỗi lúc một đông. Vừa nghến ngó, vừa bức xúc, nhiều người nói to như thanh minh: “Mỡ đó có gì mà bẩn, chúng tôi ăn thường xuyên có sao đâu. Người ta cũng mua về để rán hành, rán bánh và chế biến cả. Lâu lâu họ tới gom hàng với số lượng lớn rồi mang về bán lẻ tại các chợ”.
Đi sâu vào làng, những rãnh nước thải lộ thiên chảy ra từ các hộ làm hàng bốc lên mùi khó chịu. Nhà bà Ni, nơi cán bộ xã giới thiệu là hộ sản xuất hợp vệ sinh, cũng không khác gì các gia đình sản xuất nhỏ lẻ khác. Đồ nghề gồm dao và một viên đá hoa làm thớt vứt chỏng trơ trong bể và trên sàn nhà. Mọi thứ trong gian bếp chế biến có vẻ dọn vội vàng và chống chế vì hai hôm trước đã có đoàn kiểm tra liên ngành xuống.
Gần đó là hai chiếc thùng lớn màu xanh bám đầy bụi bẩn. Bà Ni bảo, thùng đó chẳng đựng gì. Tuy nhiên, khi mở ra, bên trong chứa đầy mỡ nước màu vàng, bên dưới là những cục mỡ đã đông lại. Chủ nhà không nói gì và tỏ vẻ lúng túng. Trong bếp, những chậu đựng tóp mỡ không lấy gì làm sạch sẽ hơn cũng được che đậy qua loa.
Theo bà Ni, bì khô được xuất sang Trung Quốc. Hàng ngày luôn có container đỗ đầu làng để gom hàng từ các gia đình. “Mỡ nước và tóp cũng có người đến tận nhà mua. Tôi cũng không rõ họ bán đi đâu”, bà Ni nói. Ánh mắt chủ nhà liên tục hướng về phía cán bộ xã để đợi “gật hay lắc”, nếu có trót nói chệch ý cũng sẽ được chữa khớp lại.
Mỡ được chứa trong các thùng lớn màu xanh bẩn thỉu, bụi bặm đã đóng váng. (Ảnh: MP) |
Theo Phó chủ tịch xã Tân Quang, ông Đào Xuân Thao, thôn Bình Lương chỉ có vài nhà làm bóng, sản phẩm bì, mỡ, tóp mỡ chỉ là phụ và làm lúc nông nhàn, nghề chính vẫn là làm nông nghiệp. Nghề này mới chỉ nổi lên mấy năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều người dân lại cho rằng, thôn Bình Lương có truyền thống làm bóng, bì, mỡ và tóp mỡ. Không ít hộ khởi nghiệp bằng nghề đó đã 30 đến 40 năm nay, cha truyền con nối. “Không có nghề này thì dân chết đói. Cứ 10 nhà thì có tới 8 nhà làm. Ruộng, đất đã bị thu hồi cho các nhà máy. Không còn gì trong tay, chúng tôi sống chủ yếu bằng việc xuất khẩu bì sang Trung Quốc còn mỡ nước, bóng, bán trong nước. Nhiều nhà giàu lên nhờ làm bóng, bì”, chị Điệp, người dân trong làng nói.
Thẳng thắn, trưởng thôn Bình Lương, ông Lê Duy Viết, cho biết, những chiếc thùng xanh đựng mỡ được mua ở các xí nghiệp sản xuất mì tôm gần đó. Ông thừa nhận: “Có khoảng gần 200 hộ trong thôn làm bóng, bì, mỡ nước. Người dân sống được với nghề. Cũng không biết các lái buôn tới mua mỡ, tóp mỡ về làm gì và tiêu thụ ở đâu”. Theo ông Viết, bì khô chỉ mới làm mấy năm gần đây. Vì bóng là sản phẩm khó làm, cầu kỳ trong khâu lựa chọn và đầu tư nhiều nên rất ít nhà làm. Hầu hết, các hộ gia đình chỉ làm bì, mỡ nước và tóp mỡ. Những mặt hàng này vốn đầu tư thấp và dễ làm. Chỉ với một con dao, một viên gạch đá hoa lớn làm thớt đã có thể “hành nghề”.
Nói về những thùng mỡ mất vệ sinh trong làng, ông Viết thành thật: “Một số gia đình chưa thực sự vệ sinh, sản phẩm chưa đạt yêu cầu về an toàn chất lượng và không nên đưa ra thị trường. Sau sự việc này, chúng tôi sẽ mở lớp tập huấn cho các hộ gia đình để giáo dục ý thức người dân về môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Dinh Dưỡng , bà Lê Thị Hồng Hảo, mỡ nước (mỡ động vật rán) hay dầu ăn nếu để lâu ngày dù chứa đựng trong dụng cụ nào cũng phải đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng nếu không sẽ làm cho mỡ bị ôi khét dẫn đến hàm lượng peroxit cao. Đây là chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe như lão hóa, ung thư…
Dụng cụ chứa đựng thực phẩm phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn. Đặc biệt, đồ dùng để sử dụng vào mục đích gì chỉ được sử dụng đúng mục đích đó. Sử dụng dụng cụ kém chất lượng đựng thực phẩm sẽ thôi nhiễm nhiều chất độc hại đến sức khỏe người tiêu dùng đặc biệt có những chất gây ung thư như PCB, biphenol A…
Thủ tục pháp luật