Tin Tức

Hàng rong lách luật sau lệnh cấm

Rate this post

Đang chan nước vào bát bún móng giò, thấy xe công an, chị Hằng, chủ quán ăn tại ngã tư Đê La Thành – Giảng Võ (Hà Nội) hô người nhà ra khênh bàn vào. Vài phút sau, chiếc bàn cùng bếp lò và 2 nồi to lại được mang ra đặt vào vị trí cũ.

Ba tuần sau thời điểm Hà Nội cấm hàng rong, buôn bán kinh doanh ở một số tuyến phố, người dân bắt đầu tìm cách “lách luật” để tiếp tục “bám trụ” trên vỉa hè.

Đầu giờ sáng, phố Tôn Đức Thắng đoạn gần Văn Miếu Quốc Tử Giám hơn chục tủ kính với bảng hiệu sửa chữa đồng hồ tiếp tục kinh doanh nơi hè phố. Loay hoay cắt bớt 2 mắt dây cho khách, bác Trung nói: “Tôi ngồi cửa nhà mình ai dám đuổi. Với lại đồ đạc cũng không có gì chỉ có mỗi tủ nhỏ nếu công an làm căng bê vào trong nhà là xong”.

Bán hàng rong trên phố Đê La Thành sáng nay. Ảnh: Xuân Tùng

Cùng hành nghề sửa chữa đồng hồ nhưng anh Hải lại phải thuê “mặt bằng” khá đắt. Chỉ đặt vừa một chiếc tủ kính nhỏ và 2 chiếc ghế nhựa nhưng mỗi tháng anh phải trả cho gia chủ 2 triệu đồng. Anh Hải cho biết, trước đây trong tủ rất nhiều đồng hồ, dây, đồ nghề… nhưng bây giờ anh phải tinh giảm đến mức tối thiểu. “Trông nhỏ gọn thế cũng tiền triệu đấy, không may bị công an thu thì làm nửa năm cũng không đủ vốn. Do đó bây giờ vừa làm vừa cảnh giác”.

Phố Vạn Bảo, một số quán nước vỉa hè sau mấy ngày nghỉ lại xuất hiện trở lại. Bị tịch thu hết ghế, chị Thủy bán nước chè chén đầu ngã tư lấy mo cau cắt thành những mảnh nhỏ kê lên hòn gạch cho khách ngồi tạm. Để cho thích ứng với tình hình mới, thứ duy nhất chị mang theo khi “hành nghề” là một chiếc làn, hai cái phích, một ấm trà và vài ba cái cốc.

Xem Thêm  Nước mắt mừng vui của nữ sinh Bùi Kiều Nhi

9h sáng, tại một ngõ nhỏ không tên gần ngã tư Đê La Thành – Giảng Võ, 5-6 gánh hàng rong ngồi kín. Chị Dương Thị Mai, Phúc Thọ (Hà Tây) mặc dù đang cân hàng cho khách nhưng không quên luôn miệng mời người đi đường. Đã 2 tuần nay Hà Nội thực hiện cấm buôn bán kinh doanh tại một số tuyến phố, chị chán nản bỏ về quê nhưng loay hoay mãi cũng không biết chọn nghề gì thế là đành gồng gánh ra Hà Nội bán “chui”.

“Đầu giờ sáng các phường thường đi tuần, chúng tôi tụ tập ở đây, lát nữa sẽ tỏa đi các tuyến phố”, chị Mai nói.

Từ ngày cấm gánh rong, chị Huyền chuyển sang xách dạo. Ảnh: Xuân Tùng

Một tay bê thúng bún, tay kia xách chiếc làn to cùng 5-6 túi nylon đựng nước mắm, rau sống, mắm tôm… chị Huyền tiếp tục hành nghề trên hè phố Hàng Bông. “Chú ăn cho chị ít bún nhé. Từ ngày cấm bán rong chị phải chuyển sang xách dạo. Yên tâm vẫn đủ gia vị chỉ hơi ký cách một tí thôi”.

Loay hoay tháo chiếc túi đựng mắm tôm ra pha chế nước chấm cho khách, chợt có tiếng còi vang lên, chị cuống cuồng vơ tất cả ấn vào chiếc làn rồi đứng phắt dậy chạy vào một ngõ nhỏ cạnh đó.

Giống như chị Huyền, từ ngày thành phố cấm bán rong chị Linh cũng tìm đến “buôn thúng bán bưng” để tiếp tục theo nghề. Hàng ngày với chiếc làn to đeo một bên vai, tay kia bê chiếc mẹt đựng đủ thứ lỉnh kỉnh chị vô tư bán hàng trên các tuyến phố cấm.

Ngồi nghỉ trước cửa hàng bán quần áo trên phố Hàng Đào, chị Linh cho biết, so với trước kia đi rong mang được ít hàng và vất vả hơn nhiều nhưng do không biết làm gì khác nên đành chấp nhận.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ những người buôn bán hàng rong (hộ khẩu Hà Nội, thuộc hộ nghèo) được vay vốn, học nghề mới. Những hộ nằm trong khu vực quản lý, cấm sử dụng hè phố tại 56 tuyến phố cấm để xe, nếu thuộc diện nghèo cũng có thể liên hệ với các quận, huyện để được trợ giúp, hướng dẫn.

Trước đó, phát biểu tại chiến dịch cấm bán hàng rong, buôn bán trên vỉa hè, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Thành phố không chủ trương loại người bán hàng rong ra khỏi địa bàn mà muốn tập trung quản lý để đảm bảo văn minh, thanh lịch cho thủ đô”.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn