Tin Tức

Hàng ngàn tỷ đồng xóa ngập ở 26 phường

Rate this post

Hạn chế tối đa giải tỏa nhà dân.

Sáng qua (22-5), Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến phản biện của các cơ quan quản lý, nhà khoa học về dự án xóa ngập cho 26 phường thuộc bảy quận (4, 8, 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức và Bình Tân).

Dự án này sẽ xóa ngập cho những khu dân cư nghèo nổi tiếng hoặc các khu đang đô thị hóa thường xuyên bị ngập. Đó là khu vực Tôn Đản (quận 4), đường Nguyễn Văn Quá, Tân Thới Nhất (quận 12), trung tâm quận Thủ Đức, các khu vực quanh đường Ba Đình, Nguyễn Duy, Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương (quận 8), Lê Đức Thọ, Dương Quảng Hàm (Gò Vấp)… Các cụm, tuyến đường này sẽ được nâng cao trình để xóa ngập, làm cống tại khu dân cư chưa có cống thoát nước.

 Nếu có cống nhưng năng lực thoát nước kém sẽ được xây thêm đường xả, xây thêm tuyến cống mới. Nếu cần sẽ đặt thêm máy bơm để bơm nước trong mùa mưa hoặc khi có triều cường.

Hơn nửa triệu dân hưởng lợi

Một điểm ngập thường xuyên tại khu vực phường 15, quận 8, TP.HCM. Ảnh: HTD

Dự án trên có tổng kinh phí hơn 1.250 tỷ đồng, nằm trong tổng dự án cải tạo hệ thống thoát nước cấp 2, 3 ngoài khu vực Tân Hóa-Lò Gốm do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ.

Theo đó, có 61 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 38 km thuộc 26 phường sẽ được đặt mới cống tròn các loại đường kính trên 800 mm hoặc các loại cống hộp 2 x 2,2 m; 2,2 x 2,5 m… Sau khi đặt cống mới hoặc cải tạo cống kín và mương hở cũ, có khoảng 130.000 hộ với hơn nửa triệu người dân được hưởng lợi từ dự án.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, kiêm Giám đốc ban quản lý dự án, 26 phường trên có nhiều khu dân cư thu nhập thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng nói chung đều thiếu và không đồng bộ. Điều kiện môi trường xuống cấp, nhiều nơi chưa có hệ thống thoát nước hoặc có nhưng không đủ năng lực tiêu thoát nước, dân phải sống trong cảnh luôn bị úng ngập.

 Dự án sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu vực này để cải thiện cuộc sống người dân, xóa bỏ khoảng cách về điều kiện sống giữa các khu vực của thành phố.

Nhà ở thuộc khu dân cư quận Bình Tân xây trên vùng đất nông nghiệp không có cống thoát nước.

 

Chỉ giải tỏa nhà đất của 170 hộ dân

Theo ông Nhân, sẽ có khoảng 16.000 ha nằm trong vùng của dự án. Dự án sẽ hạn chế tối đa việc giải tỏa nhà đất, vật kiến trúc của người dân. Chỉ có khoảng 170 hộ dân với hơn 2.700 m2 đất phải thu hồi để phục vụ cho dự án.

Ngoài các chính sách hiện hành của thành phố, ban quản lý dự án sẽ có những chính sách bồi thường, hỗ trợ phù hợp. Ví dụ: Khi nâng cao mặt đường chống ngập, nền nhà các hộ bị thấp hơn mặt đường sẽ được tư vấn, cho vay ưu đãi để nâng nền. Các hộ bị thu hồi một phần đất để mở rộng đường, đặt cống… sẽ được vay vốn ưu đãi để nâng tầng nhà.

Sẽ có các chương trình hướng dẫn người dân xây dựng công trình vệ sinh tự hoại trong nhà và đặt cống nối nước thải từ trong nhà đấu ra hệ thống cống chung.

Ông Hoàng Thế Anh, Trưởng phòng Môi trường của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Thăng Long (đơn vị tham gia tư vấn cho dự án) và ban quản lý dự án sẽ kiến nghị thành phố cho kiểm tra chất lượng bùn thải, nước thải ở các khu vực trong dự án có dấu hiệu ô nhiễm để có biện pháp cải thiện.

 Tại các khu vực, tuyến đường nhạy cảm với môi trường sẽ tham vấn ý kiến cộng đồng, cơ quan bị ảnh hưởng để có biện pháp, kế hoạch giảm thiểu các tác động tiêu cực. Trong quá trình thi công hệ thống cống, cửa xả, ban quản lý dự án sẽ có các biện pháp kỹ thuật như van ngăn, tránh tình trạng nước, bùn từ kênh trào ngược trở lại cống, khu dân cư… có cao độ thấp, trũng.

 Dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 7-2009 và hoàn thành vào cuối năm 2009.

Những người dân này đã quen sống với nước ngập từ nhiều năm qua. Ảnh chụp tại quận 8, TP.HCM. Ảnh: HTD

Chưa kết nối với các dự án thoát nước khác

Ông Hồ Long Phi, Ban điều phối chống ngập TP.HCM cho rằng dự án còn mang tính cục bộ ở từng khu vực, chưa có sự nối kết trên từng lưu vực thoát nước. Theo thiết kế dự án, nó chỉ phục vụ cho dân cư hai bên một số tuyến đường chứ không phục vụ cho các cụm dân cư sâu ở phía trong, nước từ nơi này sẽ đổ sang nơi khác.

 Phương pháp tính toán đỉnh ngập ở từng quận riêng biệt là chưa hợp lý. cần tính đến đỉnh ngập chung toàn thành phố và thủy triều. Tiến sĩ Ngô Hoàng Văn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP.HCM, nhận định chống ngập đang là vấn đề “nóng” của toàn thành phố.

Ban quản lý dự án cần tham khảo thêm các dự án chống ngập đang thi công như dự án thoát nước lưu vực Lò Gốm, Tàu Hũ, Nhiêu Lộc-Thị Nghè.

Thủ tục pháp luật

Xem Thêm  Làm sạt lở mồ mả, phải bồi thường

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn