Tin Tức

Hà Tĩnh:Quy hoạch bùng nhùng, dân “nghẹt thở” vì… lò mổ

Rate this post

Hàng ngàn hộ dân sống dọc theo con sông Cụt và 200 hộ dân thuộc khối phố 10 (phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh) đang hàng ngày hàng giờ phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ lò giết mổ gia súc tập trung nằm ngay trong lòng thành phố này.

“Thối quá! Chúng tôi không chịu nổi”

Lò giết mổ gia súc tập trung được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép hoạt động vào năm 2002 nằm trên cánh đồng thuộc phường Tân Giang (TP. Hà Tĩnh) do ông Trương Hữu Hà quản lý. Khi vào hoạt động thì lò mổ này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường và có khoảng cách đạt yêu cầu với khu dân cư.

Hệ thống lắng lọc chất thải phải có 3 hồ xử lý, toàn bộ nước thải sau quá trình giết mổ sẽ đi theo hệ thống mương ống dẫn vào hố xử lý lần 1, nước thải ở đây được lắng lần thứ nhất rồi dẫn qua bể điều hoà, từ bể điều hoà nước thải được lắng lần thứ hai và theo hệ thống mương dài 2m, được chuyển sang hồ vi sinh.

Những đống phân lộ thiên trong lò mổ này chính là tác nhân gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng đối với hàng ngàn người dân sống quanh đó. Ảnh: Duy Tuấn

Thế nhưng, lò mổ mới đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì hệ thống lọc này đã xuống cấp. Toàn bộ nước thải đủ các thành phần từ máu, mỡ, lông, phân gia súc, chất tẩy rửa gia súc được tống thẳng ra dòng sông Cụt nằm cách lò mổ 200m. Từ khi có lò mổ, nước sông Cụt đã ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một hộ dân ở phường Tân Giang than vãn: “Từ khi xuất hiện lò giết mổ, gia đình tôi không có bữa cơm nào ăn ngon. Mùa hè thì gió Nam thổi mùi hôi vào, mùa mưa thì ruồi muỗi đầy nhà. Nhiều hôm, đang trong bữa ăn mùi hôi thối xộc vào không chịu nổi khiến tôi nôn oẹ. Kinh hoàng hơn, khi đến mùa nước lũ, phân nổi lềnh bềnh kéo dài cả hàng trăm mét, có khi tràn cả vào nhà. Mùi hôi thối làm gia đình tôi lúc nào cũng phải treo mành, đóng cửa. Không chỉ vậy, nước ô nhiễm thải ra làm cả dòng sông đen kịt… kinh hoàng lắm!”.

Lò mổ nằm sát ngay khu dân cư. Ảnh: Hà Vy

Cũng chung tình cảnh như 200 hộ dân khối phố 10 là các hộ dân sống bên cạnh con sông Cụt mà nguồn nước thải từ lò mổ thải ra. Chị Hằng – một người dân lắc đầu ngao ngán: “Khổ lắm các chú à, mùi nước thải khó chịu lắm. Chúng tôi đã phải sống chung với ô nhiễm 5 năm rồi. Bao nhiêu ý kiến đưa lên mà chưa thấy họ giải quyết được gì”.

Bên trong lò mổ là dãy hành lang lụp xụp, là nơi nhốt gia súc kiêm luôn làm sàn mổ và phía cuối lò là nơi tập trung, xử lý phân rác thải. 

Xem Thêm  "Ăn" theo USD, hàng nhập khẩu rục rịch tăng giá

Nhưng trên thực tế, khu xử lý này chỉ làm nhiệm vụ duy nhất nhằm đối phó với cơ quan chức năng, bởi nó đã xuống cấp từ lâu. Lượng phân và rác thải được chuyển hẳn ra ngoài phạm vi lò mổ chất thành từng đống rồi chảy theo mương đổ trực tiếp ra sông Cụt mà không qua một quy trình xử lý nào.   

“Quy hoạch còn nhiều bất cập”!

Anh Trương Hữu Hà – chủ lò mổ cho biết: “Ban đầu khi xây dựng lò mổ, tôi đã đầu tư xây dựng các bể lọc phân, làm đường ống ngầm dẫn nước thải xuống lòng sông, trồng cây để ngăn mùi hôi của phân. Khi đó không ô nhiễm như bây giờ”.

“Sau một thời gian khi hệ thống xử lý phân và nước thải không đáp ứng được yêu cầu, tôi đã định đầu tư xây dựng thêm các bể lọc thì đùng một cái năm 2006 UBND TP. Hà Tĩnh mượn xin mất gần 1.000m2 đất để làm chợ tạm giết mổ gia cầm. Hạn mượn trong 6 tháng, nhưng nay đã 2 năm rồi vẫn chưa trả cho tôi” – anh Hà nói.

Chất thải từ chợ giết mổ gia cầm càng làm cho tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng. Ảnh: Duy Tuấn

Không có đất để xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm cộng thêm phân và các chất thải của chợ giết mổ gia cầm đổ vào hệ thống xử lý phân và nước thải nên đã làm cho tình trạng ô nhiễm nhiều hơn. Tuy nhiên, lò mổ của anh Hà được quy hoạch khi xung quanh đây chưa có dân cư. “Sau này, thị xã Hà Tĩnh (cũ) di dân tái định cư về đây nên mới xảy ra tình trạng này. Do vậy, trong chuyện này lỗi không hoàn toàn thuộc về tôi” – ông Hà cho hay.

Ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch UBND phường Tân Giang. Ảnh: Hà Vy

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch phường Tân Giang cho biết: “Việc rất nhiều hộ dân bị ảnh hưởng từ môi trường ô nhiễm của lò mổ đã xảy ra từ lâu. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lên UBND Thành phố và Sở TNMT, yêu cầu họ kiểm tra mức độ ô nhiễm của lò mổ này. Trong biên bản kiểm tra đó thì lò mổ này không đạt được các yêu cầu về môi trường. Còn việc quy hoạch dân cư về bên cạnh lò mổ là của UBND Thành phố”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tâm – Trưởng phòng môi trường (Sở TN – MT Hà Tĩnh) khẳng định: “Trong đợt kiểm tra vừa rồi, lò mổ của anh Hà đã bị ô nhiễm khá nghiêm trọng. Theo Luật Môi trường, nếu không giải quyết được vấn đề ô nhiễm này thì buộc phải di dời lò mổ ra chỗ khác, cách xa khu dân cư”.

Còn ông Trần Thế Dũng – Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2005, khi dịch cúm gia cầm bùng phát, UBND Thành phố phải mượn 1.000m2 đất của anh Hà trong vòng 6 tháng để thành lập tạm chợ giết mổ gia cầm, nhưng đến nay công trình chưa hoàn thành nên vẫn chưa trả lại được đất. Việc quy hoạch lò mổ và khu dân cư ở phường Tân Giang là chưa hợp lý, nhưng đây là tình trạng chung của toàn tỉnh”.

Đáng lưu ý, trong khi các hộ dân bị ảnh hưởng nặng như thế, nhưng ông Dũng lại cho rằng, lò mổ của anh Hà có ô nhiễm, nhưng nó không… trầm trọng như người dân phản ánh.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn