Giám đốc bỏ trốn, công nhân điêu đứng
Nhiều công nhân đã bật khóc, coi như thời gian qua đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm không công cho chủ
“Suốt một tháng rưỡi qua, chúng tôi nai lưng làm việc cật lực, nhưng đến kỳ lương thì giám đốc công ty cứ thất hẹn. Công ty cũng không ký hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT cho chúng tôi. Nay, giám đốc công ty bỏ trốn khỏi VN, ai sẽ chi trả tiền lương và các chế độ khác cho chúng tôi?”. Nhiều công nhân (CN) Công ty TNHH Quang Sung Vina (100% vốn Hàn Quốc, chuyên may gia công; quận Gò Vấp-TPHCM) đã kêu cứu đến các ngành chức năng quận Gò Vấp và TPHCM như vậy, sau khi ông Kwon Ogyoon, giám đốc công ty, bỏ trốn để lại khoản nợ lương CN hơn nửa tỉ đồng.
Công nhân hai không!
Tiếp xúc với CN Công ty Quang Sung Vina tại thời điểm xảy ra tranh chấp, các thành viên đoàn công tác liên ngành quận
Gò Vấp-TPHCM hoàn toàn bất ngờ khi biết toàn bộ hơn 200 CN tại đây chưa hề được ký hợp đồng, trích nộp BHXH, BHYT theo quy định. Hậu quả là CN ốm đau phải tự bỏ tiền điều trị. Khi bị truy trách nhiệm, ông Kang Yong Suk, phó giám đốc công ty, đổ hết cho giám đốc Kwon Ogyoon. Lo ngại công ty “xù” quyền lợi CN, các cơ quan chức năng buộc đại diện công ty phải ký cam kết không được di chuyển tài sản. Cũng do mất niềm tin vào công ty, hơn một tuần lễ qua, CN phải cắt cử người canh chừng trước cổng công ty để ngừa trường hợp xấu nhất.
Đó cũng là tình cảnh của hơn 130 CN Công ty Vinh Hoa (100% vốn Hàn Quốc, phường Tân Thới Hiệp, quận 12-TPHCM), khi bà Park Young Hwa, giám đốc công ty, cùng chồng cao chạy xa bay. Không chỉ bị “xù” tiền lương, suốt 3 năm làm việc cho công ty, toàn bộ CN ở đây đều không được tham gia BHXH, BHYT. Hay tin giám đốc bỏ trốn, nhiều CN đã bật khóc: “Coi như tụi em đổ mồ hôi, nước mắt làm không công cho DN suốt thời gian qua”.
CN khốn khổ vì DN làm ăn chụp giật
Tại TPHCM, hiện tượng giám đốc DN làm ăn thua lỗ, bỏ trốn để “xù” quyền lợi CN không phải cá biệt. Sự việc tương tự cũng đã xảy ra tại các công ty Hojin (quận Bình Tân), Stylis (huyện Củ Chi), Hangvietco (quận Tân Bình). Đáng lưu ý là hiện tượng trên tập trung vào các DN có vốn Hàn Quốc; sử dụng vài trăm lao động, hầu hết đều làm ăn manh mún, chụp giật.
Điển hình trong số này là Công ty Hojin (100% vốn Hàn Quốc; chuyên gia công đế giày; quận Bình Tân- TPHCM). Hoạt động tại VN được 2 năm, tháng 9-2006, thấy không có ăn, ông Kim Chang Ho, giám đốc công ty, đã nhượng lại DN cho ông Seo Tea Cheol, mà không hề thông báo cho tập thể CN. Mãi về sau này, phát hiện những dấu hiệu bất thường tại DN, thêm vào đó là việc làm không bảo đảm, bị nợ lương kéo dài, CN gởi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Khi cơ quan chức năng quận can thiệp, công ty cam kết sẽ trả đủ lương cho CN. Tuy nhiên, đến hẹn, giám đốc đã mất dạng. Qua làm việc, các cơ quan chức năng phát hiện ngoài 234 triệu đồng tiền nợ lương CN, công ty cũng là con nợ của nhiều khách hàng khác với tổng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.
Còn tại Công ty HaiMin VN (100% vốn Hàn Quốc; huyện Hóc Môn-TPHCM), khi ông Yang Soo Min, giám đốc công ty, biệt tăm, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng TP phát hiện: Ngoài nợ BHXH hơn 1 tỉ đồng, công ty còn nợ thuế hơn 2,4 tỉ đồng. Bức xúc vì quyền lợi bị xâm phạm, CN đã bao vây trụ sở công ty đòi thanh lý tài sản để cấn trừ nợ. Đến đây, các cơ quan chức năng thêm một lần… té ngửa, bởi toàn bộ máy móc công ty đều thuộc quyền quản lý của Công ty Cho thuê tài chính Kexim. Từ đó đến nay đã hơn 2 năm, dù CN đã kiện ra tòa, song gần như chẳng đòi lại được gì.
“Trói tay trói chân” quận, huyện
Theo ghi nhận của chúng tôi, khi vụ việc vỡ lở, các cơ quan chức năng, cụ thể là phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện đều lúng túng, bởi thẩm quyền quản lý DN có vốn đầu tư nước ngoài thuộc Sở LĐ-TB-XH TP. “Khi tranh chấp xảy ra tại các DN này, chúng tôi phải mất nhiều thời gian, bởi không nắm được chính xác số lượng lao động. Do vậy, ngoài việc ghi nhận ý kiến CN và kiến nghị lên cấp trên, chúng tôi không thể làm gì hơn”- cán bộ phòng LĐ-TB-XH một quận ven TP bức xúc.
Ông Phạm Ngọc Đoàn, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, cho rằng: “Chính sự bất cập trong phân cấp quản lý lao động nói trên đã dẫn đến tình trạng nhiều DN phớt lờ việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động. Các cơ quan chức năng quận, huyện dù có biết cũng không thể can thiệp vì không đủ thẩm quyền. Do đó, khi xảy ra hiện tượng DN bỏ trốn, các cơ quan chức năng quận, huyện bị đặt vào thế đã rồi. Người gánh chịu thiệt thòi không ai khác là CN. Chính bất cập này đã “cột chân, trói tay” quận, huyện nếu muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CN.
Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công, Sở LĐ-TB-XH TPHCM:
Phân cấp quản lý cho quận, huyện
Theo quy định, sau khi DN được Sở Kế hoạch-Đầu tư cấp phép, DN phải chủ động khai trình danh sách lao động với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều DN sau khi được cấp phép, đi vào hoạt động nhưng lại không khai trình với sở, gây khó khăn trong công tác quản lý lao động. Trong khi đó, việc kiểm tra DN mỗi năm chỉ được thực hiện một lần. Sở đang hướng tới phân cấp quản lý DN có vốn đầu tư nước ngoài cho phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện. Có như vậy mới có thể theo sát tình hình quản lý, sử dụng lao động và thực hiện các chế độ chính sách cho CN. |
Thủ tục pháp luật