Tin Tức

Giá điện mới sẽ không gây sốc?

Rate this post

Với những thông tin đã có, dường như, giá điện mới sẽ áp dụng từ 1/3/2010 chỉ còn chờ thông qua thủ tục pháp lý cuối cùng. Hiếm có, nếu như nhớ lại phản ứng sôi nổi trong dư luận của những lần tăng giá trước đây ngay từ giai đọan “rục rịch” từ luồng thông tin rò rỉ, hệ quả của quyết định lần này dường như được xã hội đón nhận với thái độ duy lý hơn, ít bức xúc và điều quan trọng là người tiêu dùng không có cảm giác bị bất ngờ.

Để có môi trường thuận lợi cho một chủ trương của Nhà nước đi vào cuộc sống thường nhật của từng người dân, tác động trực tiếp vào mức chi tiêu của từng hộ gia đình…yêu cầu minh bạch và công khai từ khâu chuẩn bị ra quyết định từ phía các cơ quan họach định chính sách, tổ chức kinh doanh đóng vai trò quyết định. Lần tăng giá điện lần này đã được chuẩn bị và thông báo công khai từ cơ sở pháp lý và chuẩn bị tâm lý từ gần 1 năm nay.

Bắt đầu từ Quyết định 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tại các điều 1 và 3 đã công khai rằng ” Từ 1/1/2010 giá bán điện được thực hiện trên cơ sở giá thị trường” và “Hàng năm, Bộ công thương căn cứ tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành điện và mặt bằng giá chung, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh (tăng, giảm) giá điện theo cơ chế thị trường.

Cáp điện tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Hà

Báo cáo kết quả kinh doanh của Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) năm 2009 cho thấy: Tổng điện năng thương phẩm ước đạt 74,76 tỷ kWh, vượt 2,44 tỷ kWh so với kế họach đầu năm; số khách hàng ký hợp đồng mua điện trực tiếp tăng 30,29% so với năm 2008. Đặc biệt, có thêm 3,91 triệu dân nông thôn được hưởng đúng giá bán điện của Chính phủ quy định, mang lại lợi ích cho hàng triệu hộ dân nông thôn với số tiền khoảng 465 tỷ đồng…

Ảnh: Ngọc Hà

Trong báo cáo trên, EVN cũng dự báo: Năm 2010, để đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Tập đoàn dự kiến phải mua cao từ các nguồn ngoài EVN, giá nhiên liệu tăng, trong khi giá bán điện chưa được điều chỉnh, đây là sức ép rất lớn cho hoạt động tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Mặc dù đã thu hút một lượng vốn khá lớn của các doanh nghiệp Nhà nước ngòai EVN và xã hội đầu tư cho nguồn là các nhà máy điện, EVN vẫn phải đảm trách đầu tư tới 38% tổng sản lượng điện tăng thêm theo yêu cầu của nền kinh tế.

Thêm vào đó, để thu hút thêm nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngòai nước tham gia đầu tư nguồn phát điện, mức giá bán không thể duy trì cố định mà cần phải điều chỉnh bảo đảm lợi ích cho các chủ đầu tư và các định chế tài chính tài trợ cho dự án. Thực ra, vấn đề sức ép tăng giá điện thương phẩm đã đè lên EVN ngay khi đàm phán với các nhà đầu tư nước ngòai và định chế tài chính đa phương từ những ngày đầu vận động nguồn ODA hàng chục năm trước đây. Hiện nay, hàng năm EVN đang phải trả hàng chục tỷ đồng cho các khỏan vay ODA đầu tư nguồn và lưới phân phối điện thời kỳ trước đây.

Xem Thêm  Quy định về thanh toán tiền thi hành án với thực tiễn thực hiện

Những trục trặc vừa qua giữa EVN và một số chủ đầu tư trong nước về giá mua điện cũng đã làm một số công trình nguồn mặc dù đã hòan thành những không thể phát lên lưới điện quốc gia, có lúc cả một công trình trị giá hàng chục trệu USD phải tạm dừng họat động để bên bán điện (Tập đòan dầu khí) và bên mua điện (EVN) tiếp tục tranh luận về giá… trong khi giờ cao điểm và thời điểm cần bơm nước tưới tiêu cho nông nghiệp vẫn buộc phải cắt điện luân phiên. Năm 2010, EVN dự kiến tổng sản lượng điện cung ứng cho nền kinh tế là 97 tỷ kWh, tăng 14,47%, trong đó điện mua ngoài là 33 tỷ kWh.

Chính sách tăng giá điện theo cơ chế thị trường cũng là một tác động thiết thực đến ý thức và hành vi sử dụng điện tiết kiện của các hộ tiêu dùng. Năm 2009, GDP của nền kinh tế tăng 5,2% nhưng mức tiêu thụ điện năng tăng 13,39%. Trong khi đó, ở các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ tăng trưởng mức tiêu dùng điện thường tương đương hoặc thấp hơn mức tăng GDP hàng năm. Có thể thấy tình trạng sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong cả hai khu vực sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn đang bị thất thóat và lãng phí rẩt lớn, cần có mức giá thương phẩm bảo đảm cơ chế thị trường và gây thiệt hại vật chất đáng kể cho các hộ sử dụng lãng phí hoặc hiệu quả sử dụng thấp từ nguồn địên năng.

Chính sách tăng giá điện sẽ tập trung hạn chế mức tiêu dùng điện hợp lý đối với điện dùng cho mục đích sinh họat và dịch vụ mà không ảnh hưởng đến sản xuất công – nông nghiệp bằng chủ trương: tỷ lệ tăng giá điện cho sản xuất giữ ở mức thấp hơn tỷ lệ tăng giá điện bình quân; tỷ lệ tăng giá điện sinh họat giữ ở mức cao hơn tỷ lệ tăng giá điện bình quân để từng bước xóa bỏ “bù chéo” từ điện sản xuất cho điện sinh họat.

Ảnh: Ngọc Hà

Dường như, sau việc thực hiện chủ trương điều hành giá xăng; dầu theo cơ chế thị trường, việc đưa giá điện sát hơn với cơ chế thị trường lần này là bước tiếp theo một cách hợp lý xét trên cả ý nghĩa kinh tế và tâm lý xã hội. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn đòi hỏi sự giám sát và kiểm tra gắt gao hơn từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước về định mức đầu tư/1 kWh điện, tỷ suất lợi nhuận hợp lý trên vốn đầu tư, tiết giảm tối đa sản lượng điện năng phải sử dụng để truyền tải và phân phối điện – lâu nay vẫn được gọi tắt là “tỷ lệ thất thóat kỹ thuật và quản lý” – để minh bạch hơn và hợp lý hơn về giá thành mỗi kWh điện đến tay người tiêu dùng.

Xét cho cùng về bản chất, điện năng vẫn là hàng hóa công, có tác động dây chuyền đến họat động sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh của tòan xã hội. Trong lúc phong trào đầu tư thủy điện ở Tây Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đang phát sinh rầm rộ cùng với viễn cảnh có thêm nguồn phát điện mới bằng khí đốt ngòai khơi, hoặc thông qua phản ứng nguyên tử, người tiêu dùng vẫn có quyền hy vọng tỷ trọng chi trả tiền điện sẽ giảm dần so với mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng trong những năm tiếp theo.

Thật khó lý giải cho người tiêu dùng nếu như trong tương lai lại để xảy ra hiện trạng càng có thêm nhà máy phát điện thì tỷ trọng chi tiêu mua điện lại càng tăng trong tổng giá trị tiêu dùng của mỗi hộ dân trong cuộc sống hàng ngày.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn