Giá đất “đua” với giá vàng
Giá vàng luôn là tâm điểm để “đẩy” giá đất. |
Giá vàng, thị trường chứng khoán (TTCK), bất động sản (BĐS) hiện đang là sự quan tâm, thu hút dư luận trong thời gian gần đây. Cũng là những kênh đầu tư tài chính được đánh giá sôi động và khả năng sinh lời cao, thế nhưng, BĐS vẫn được xem là “món ngon” đối với những đại gia vì rủi ro lỗ vốn hoặc mất giá là khá thấp.
Bất động sản “nóng” khi giá vàng tăng
Một trong những căn cứ để giới đầu tư BĐS thường đưa ra để bán nhà, đất thường lấy giá vàng tại thời điểm hiện hành, vì trong giao dịch nhà đất thường lấy giá vàng để làm thước đo cho những thương vụ mua bán.
Theo khảo sát của chúng tôi, trong năm 2001 giá đất ở khu vực Trung tâm quận 2 chỉ với 5 triệu đồng/m2, trước đó năm 2000 ở vào khoảng dưới 1 triệu đồng/m2. Từ khi có dự án cầu Thủ Thiêm và khu Đại Lộ Đông – Tây, giá đất tăng gấp 5 lần sau 1 năm, đến giữa năm 2007 là 40 triệu và hiện nay nhiều nơi trên 80 triệu đồng/m2 mà những người đầu cơ giá đất đưa ra.
Đồng thời, việc khung giá đất mới vừa được UBND TP ban hành để đuổi kịp với giá thị trường trong vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa như một làn gió thổi vào thị trường nhà đất vốn vẫn luôn âm ỉ cháy.
Đối chiếu với giá vàng trong từng thời điểm, vào cuối tháng 12/2002 giá vàng SJC được niêm yết trên thị trường là 6,8 triệu đồng/lượng, tháng 1/2007 xấp xỉ 12 triệu đồng/lượng thì đến sáng 9/1 đã đạt đến ngưỡng 17 triệu đồng/lượng. So sánh chu kỳ và thời điểm tăng giá vàng luôn khớp với những cơn “sốt” của TT BĐS.
Trong mọi giao dịch mua bán, không chỉ trong nước mà trên thế giới, giá vàng luôn được xem làm “nền” cho mọi giao dịch vào thời điểm hiện tại. Vì vậy, mỗi khi giá vàng giảm nhiệt cũng là lúc TT BĐS sẽ “ngủ quên” như giá vàng và nhiều nhà đầu tư trong nước lại “dòm ngó” sang TTCK. Giới đầu tư TT BĐS tiên đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh sau dịp Tết Nguyên đán này và nắm bắt cơ hội sớm.
Huy động vốn vào thị trường bất động sản từ đâu?
Trong khi đó, đầu tư vào TTCK trong thời gian qua vẫn được đánh giá rủi ro cao hơn so với thị trường BĐS. Trong dài hạn, một cá nhân cầm cố nhà đất vay ngân hàng đầu tư vào TT BĐS trước cơn sốt đất như hiện nay vẫn đem lại lợi nhuận khá cao.
Đơn cử, theo anh Trần Minh Tâm, chuyên mua bán địa ốc tại TP phân tích cụ thể: “Giá đất tại quận 2 vào năm 2002 – 2003 chỉ vỏn vẹn trên 5 triệu đồng/m2, nhưng đến tháng 12/2007 đã xấp xỉ gần 40 triệu/m2. Nếu vay vốn ngân hàng mua một mét vuông đất, lãi suất dưới 1%/tháng, sau 5 năm đáo hạn trả nợ ngân hàng chỉ khoảng 2,5 triệu, trong khi giá BĐS đã lên tới 40 triệu”.
Cầm cố tài sản vay ngân hàng để tiếp tục đầu tư vào TT BĐS thật sự nóng lên trong hơn 10 năm trở lại đây mà trong đó, tiêu điểm là vụ án Tăng Minh Phụng đến bây giờ vẫn là một minh chứng cho giới đầu tư địa ốc “noi theo”.
Không thể phủ định việc vay vốn ngân hàng của giới đầu cơ TT BĐS như hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá đất bị đẩy lên nhanh chóng. TTCK trong nước và TT BĐS có khá nhiều điểm tương đồng nhau, “mua cùng mua, bán cùng bán” đã tạo nên những cơn sốt và đem về lợi nhuận khá lớn cho giới đầu tư.
Nếu như trong thời điểm quý III – 2007, TTCK kém sôi động, giá vàng tăng “chót vót” thì cũng là lúc TT BĐS lên ngôi. Thời điểm này, TTCK đang trên đà xuống dốc, giá vàng lại tiếp tục tăng mạnh trở lại cũng là lúc TT BĐS đang “phất”.
Thủ tục pháp luật