Giả danh cán bộ cao cấp, lừa đảo gần 800 triệu đồng
Thủ đoạn của Trần Ngọc Tín là giả danh cán bộ cấp cao để xin việc hoặc xin chuyển công tác cho nhiều người hòng chiếm đoạt tài sản. Chiêu bài làm quen với những cán bộ trong ngành Công an, hoặc các văn phòng nhà nước, sau đó tạo ra những cuộc gặp gỡ để những vị cán bộ này gặp các nạn nhân trong các bữa ăn, những buổi chơi thể thao khiến người bị hại rất tin tưởng.
Trần Ngọc Tín. |
Ngày 7/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài tội danh lừa đảo cùng với Nguyễn Bá Mạnh, Trần Ngọc Tín, kẻ chủ mưu, còn bị khởi tố thêm về hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.
Quá trình đấu tranh, cơ quan Công an đã xác định được 21 nạn nhân của Tín và đồng bọn trong các phi vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh cán bộ cấp cao với tổng số tiền là 10 nghìn USD và 614 triệu đồng.
Trả nợ nhỏ giọt, tránh sự tố cáo của người bị hại
Rời quê lúa Thái Bình, Trần Ngọc Tín, 36 tuổi dắt vợ con về Hà Nội thuê nhà sinh sống. Ở những nơi Tín đến, anh ta đều tìm cách gây dựng mối quan hệ thân mật với những người hàng xóm xung quanh, thể hiện lối sống phóng khoáng và mối quan hệ quen biết với nhiều vị lãnh đạo cấp cao.
Bộ mặt thật của Tín chỉ bị lật tẩy khi CQĐT, Công an quận Hoàng Mai bắt tay vào cuộc cùng lá đơn trình báo của chị Nguyễn Ngọc Anh, trú tại Hà Nội. Trong phi vụ này, Tín đã giới thiệu tên là Tuấn, đồng thời mạo danh là cán bộ cấp cao và lấy của chị này 2.000 USD…
Khi thấy người bị hại xúc tiến làm mạnh, Tín khôn ngoan tìm cách tránh mặt và cho đồng bọn là Nguyễn Bá Mạnh, trú tại tổ 16, phường Định Công – một đối tượng không nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với người bị hại để khất lần, để họ không thể tố cáo được.
Bằng thủ đoạn này, Tín hy vọng có thể đánh lừa được người bị hại, nào ngờ…
Trường hợp của chị Đặng Thị Hoàn, ở xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội cũng tương tự. Tín và Mạnh đã giả mạo là cán bộ Văn phòng Bộ để lo giúp cho con gái chị Hoàn đi lao động xuất khẩu, sau đó chiếm đoạt của người bị hại 35 triệu đồng… Để chị Hoàn không tố giác, Tín đã yêu cầu Mạnh trực tiếp mang tiền đến trả, đồng thời gửi qua dịch vụ chuyển tiền trả cho chị Hoàn.
Trong các mối quan hệ, bất cứ cái gì có thể lợi dụng được Tín đều tận dụng để chiếm đoạt tiền của người bị hại. Điển hình như trường hợp của anh Nguyễn Khắc Hợp, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hơn 1 năm sau ngày quen biết, giữa lúc anh Hợp có nhu cầu mua bất động sản thì Tín tìm tới. Tín bàn bạc sẽ chung tiền với anh Hợp để mua một mảnh đất tại phố Nguyễn Hoàng Tôn, Hà Nội.
Tín giả vờ đưa anh Hợp đi qua mảnh đất trống, thực chất không phải của anh ta và hứa hẹn sẽ hoàn tất thủ tục. Nhìn miếng đất vuông vắn, anh Hợp đã tin tưởng và đưa cho Tín số tiền là 2.800 USD cùng với 24 triệu đồng để góp vốn làm ăn.
Giả danh cán bộ cấp cao để xin việc và chiếm tiền….
Ngoài thủ đoạn trên, Tín còn giả danh là cán bộ cấp cao để xin việc hoặc xin chuyển công tác cho rất nhiều người hòng chiếm đoạt tài sản. Chiêu bài làm quen với những cán bộ trong các cơ quan chức năng như Công an, hoặc các văn phòng… Sau đó, Tín tạo ra những cuộc gặp gỡ để những vị cán bộ này gặp các nạn nhân trong các bữa ăn, những buổi chơi thể thao một cách tình cờ khiến người bị hại rất tin tưởng.
Trong 21 vụ lừa đảo đã được CQĐT Công an quận Hoàng Mai làm rõ, có 9 vụ được Mạnh tích cực tham gia. Những thủ đoạn lừa của Tín khiến hầu hết những người bị hại đều dễ dàng rơi vào “cái bẫy” của anh ta.
Một trong những chiêu bài đó là việc Tín giả danh là Đại tá Quân đội và cán bộ Trung ương Đảng để lừa đảo những người nhẹ dạ. Một trong những nạn nhân đó là bà Ngô Thị Luân ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với số tiền bị chiếm đoạt là 100 triệu đồng.
Vụ việc xảy ra vào tháng 1/2006, Tín trong vai là Đại tá Quân đội đã gợi ý xin cho con bà Luân là anh Thắng vào công tác trong Quân đội với chi phí 100 triệu đồng.
Để tạo niềm tin cho người bị hại, Tín kể tên, tuổi của những vị lãnh đạo đương thời như rất thân thiết. Sau khi chiếm đoạt số tiền trên, Tín tránh mặt không gặp các nạn nhân. Cho đến khi biết Tín bị bắt, gia đình bà Luân đã gặp vợ Tín yêu cầu viết giấy nợ tiền… khi biết không có khả năng đòi được nợ đã đến Công an quận Hoàng Mai trình báo.
Theo lời khai của Tín tại CQĐT thì để tạo niềm tin, Tín đều tìm cách nắm bắt hoàn cảnh riêng tư của mỗi nạn nhân để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó có lần, hắn đã giả danh là cán bộ Công an công tác tại 40 Hàng Bài, Hà Nội để lừa chiếm đoạt của chị Vũ Thị Mai Long, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bằng việc hứa hẹn cho con trai chị này đi nghĩa vụ trong Công an. Song rất may, chị Long mới đưa được cho hắn một ít tiền…
Cá biệt, có trường hợp nhiều chị em trong một gia đình đều trở thành nạn nhân của Tín và đồng bọn. Điển hình trong số đó là trường hợp của chị Bùi Thị Lộc và Bùi Thị Tuyết đều trú tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Tín làm quen với chị Bùi Thị Lộc và giới thiệu tên là Tiến, cán bộ cấp cao. Sau đó, Tín và Mạnh dùng tên giả và giả danh cán bộ để chị Nhung đóng tiền cho con trai đi học Trường Thiếu sinh quân… Trên thực tế tất cả các trường hợp này, Tín đều không lo được.
Ngoài ra, Tín còn sử dụng “đầu gấu” để uy hiếp người bị hại như trường hợp của anh Vương Anh Tuấn, một người làm nghề lắp đặt, sửa chữa nội thất ôtô tại phố Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Sau khi mua chiếc xe ôtô Altis, với ý định lừa đảo, Tín đã chở Nguyễn Bá Mạnh đến cửa hàng của anh Tuấn, yêu cầu thay đổi, lắp đặt một số đồ nội thất với chi phí hơn 13 triệu đồng.
Trong phi vụ này, Tín tự tạo vỏ bọc là người giàu có… khiến anh Tuân tin tưởng lắp đặt. Sau đó, Tín không lấy hóa đơn rồi cho xe phóng đi luôn. Khi anh Tuấn gặp tên Tín và Mạnh yêu cầu trả tiền đã bị bọn chúng dùng đầu gấu đe dọa, khống chế, làm người bị hại không dám đòi tiền
Thủ tục pháp luật