Được trao quyền nhưng không có năng lực thành tai họa
“Nếu đơn giản chỉ trao quyền mà không giúp tạo năng lực thực sự tốt, nhiều khi quyền đó gây tai họa hơn là mang lại lợi ích cho địa phương trong phát triển” – bà Phạm Chi Lan, chuyên gia nghiên cứu cao cấp phản biện quanh chủ đề “Thể chế hiện đại” trong buổi họp sáng 21/1 ở trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
>> ’Việt Nam mới phân cấp mà không giao quyền’
“Thể chế hiện đại”, nội dung chính của Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010 do WB thực hiện, được bà Phạm Chi Lan coi là “nút thắt” trung tâm trong 3 nút thắt của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay (cùng với cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực).
Dự án thuộc quyền xã nhưng tỉnh quyết
Phân cấp trao quyền cho chính quyền địa phương là một phần quan trọng trong chương trình cải cách thể chế của Việt Nam hai thập kỷ qua. Một cơ chế hay được nhắc đến – chính quyền cấp huyện và xã được trao quyền trong một chương trình đầu tư công cụ thể là chương trình 135.
|
Ảnh: HG |
Năm 1998, khi bắt đầu triển khai chương trình, chính quyền huyện nhận được kinh phí từ trung ương để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn. Năm 2006, khi chương trình 135 đi vào giai đoạn 2, chính quyền cấp xã đã được trao toàn bộ quyền quản lý các dự án đầu tư thuộc chương trình 135.
Tuy nhiên, việc triển khai vẫn không đáp ứng được những mục tiêu tham vọng hơn, như 100% số xã làm “chủ đầu tư” các dự án và lựa chọn dự án. Một nghiên cứu cho biết có đến 15 trong số 20 dự án cơ sở hạ tầng do huyện làm chủ đầu tư chứ không phải xã.
Thông thường, cấp huyện đưa ra một danh sách các dự án có thể cấp vốn, và cấp xã tổ chức việc thông qua danh sách. Nhưng báo cáo nghiên cứu cho thấy trong trường hợp tốt nhất, các xã có thể đóng góp vào việc thiết kế dự án, ví dụ như có tiếng nói về địa điểm đặt dự án, tuy nhiên họ lại ít có ảnh hưởng đến việc này.
Không chỉ trường hợp cấp xã – huyện, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng thậm chí thực tế nhiều khi thẩm quyền quyết định không hẳn thuộc về cấp tỉnh, mà tỉnh vẫn ít nhiều lệ thuộc vào các bộ, ngành trung ương trong các quyết định, đặc biệt về các quyết định đầu tư.
“Tôi đã chứng kiến nhiều việc như khi hỏi địa phương tại sao quyết định dự án đầu tư này, đầu tư khác mà có lẽ không phải thực sự mang lại lợi ích nhiều lắm cho địa phương thì lại được các địa phương trả lời đây là những quyết định từ trên xuống, từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đưa về, chứ không hoàn toàn là quyết định do địa phương đưa ra”, bà nói.
Khi tiếng nói, khả năng quyết định của địa phương ít, kể cả trong những việc xảy ra ở địa phương mình, bà Chi Lan cho rằng việc thực hiện trách nhiệm giải trình của địa phương sẽ “trở nên khó khăn“.
Bất ổn phân cấp
Dẫn một vụ việc điển hình khác xảy ra thời gian qua, vụ xả chất thải làm ô nhiễm môi trường của Vedan, bà Phạm Chi Lan nói, sở dĩ không quy rõ được trách nhiệm của Bộ Tài Nguyên và Môi trường hay chính quyền địa phương là do “khi phân cấp, phân quyền, chưa làm rõ phạm vi quyền hạn được quyết định của các cấp đến đâu”.
Do không làm rõ đầy đủ phạm vi, trách nhiệm cũng như quyền hạn của các địa phương trong khi phân cấp, nên khi xảy ra sự việc, địa phương chờ đợi coi là trách nhiệm của trung ương, trong khi trung ương coi việc này đã phân cấp về địa phương và địa phương phải chịu trách nhiệm.
Coi đây là nguyên nhân “gây bất ổn” trong phân cấp, phân quyền, bà Phạm Chi Lan nói cần xác định cơ chế phối hợp bởi phân cấp và trao quyền không có nghĩa “trao đứt hẳn” cho các địa phương toàn quyền quyết định. Nhưng hiện nay, cơ chế phối hợp giữa cơ quan trung ương với địa phương, giữa các ngành, các vùng với nhau cũng chưa được xác định rõ ràng.
“Khi phân cấp, thường phân thẳng cho các địa phương, hoặc phân thẳng cho các ngành này, ngành khác nhưng lại thiếu cơ chế, đề xuất phối hợp rõ ràng. Trong khi từng địa phương không thể tách khỏi những công việc cần phối hợp với các địa phương liên quan hoặc với các bộ, ngành trung ương trong cùng một việc”, bà Lan lý giải.
Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh việc cần giúp cho các địa phương có năng lực tốt để thực hiện quyền hành được giao. “Nếu đơn giản chỉ trao quyền mà không tạo cho người ta năng lực thực sự tốt thì nhiều khi quyền đó gây tai họa nhiều hơn là mang lại lợi ích cho địa phương trong phát triển”, bà Lan nói.
Thủ tục pháp luật