Tin Tức

Đừng đổ lỗi cho karaoke

Rate this post

Hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội luôn là vấn đề nóng, nhạy cảm, nhất là hoạt động của các quán karaoke… Nhưng xin đừng đổi lỗi cho karaoke, mà hãy xem lại kẽ hở trong các quy định, việc cấp phép và quản lý hoạt động của loại hình dịch vụ này…

Muôn mặt karaoke

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 17 về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, karaoke, vũ trường. Trong đó, tạm ngừng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường để các cấp, các ngành rà soát, đánh giá hoạt động của cơ sở hiện có, từ đó xây dựng quy hoạch và tăng cường biện pháp quản lý.

Sau đó, tại Nghị định 11/2006,  Chính phủ cũng đã ban hành một số quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, trong đó có những quy chế cụ thể đối với hoạt động của quán karaoke, vũ trường… Từ thời điểm đó trở đi, giấy phép kinh doanh karaoke cũ trở thành một trong những món hàng được nhiều người săn lùng.

Từ giấy phép kinh doanh karaoke cũ này, người ta đã hoán cải để kéo dài thời gian hoạt động của giấy phép. Nhiều giấy phép vốn được cấp hoạt động tại địa bàn này, nay chuyển sang địa bàn khác. Rồi một thời gian sau, cũng giấy phép đó lại chuyển đến mở quán hoạt động karaoke tại địa bàn tiếp theo… Hoặc có giấy phép kinh doanh karaoke đã được mang đến văn phòng công chứng để ủy quyền cho một số người sử dụng. Điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Lực lượng công an làm việc với các tiếp viên một quán karaoke

Đối phó với việc tạm ngừng cấp phép kinh doanh, hoạt động karaoke, nhiều quán cà phê đèn mờ và cả các quán ăn đã hoạt động karaoke biến tướng. Đơn cử như quán Hương Cảng ở phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình. Quán này vốn là quán ăn, nhưng lại có phòng được trang bị loa, mic, màn hình, dàn âm thanh để khách hát. Khi tổ kiểm tra liên ngành của quận kiểm tra, khách vẫn đang hát trong phòng, nhưng chủ các quán này đã lý sự là chỉ cho khách hát nhờ, không tính tiền và nhất quyết không ký biên bản vi phạm.

Tại địa bàn quận Cầu Giấy, một số quán karaoke không được cấp giấy đủ điều kiện về ANTT vì lý do giấy phép đăng ký kinh doanh karaoke đã bị hoán cải, sang tên đổi chủ nhiều lần. Nhưng, nhiều chủ quán đã phớt lờ việc xin cấp chứng nhận đủ điều kiện về ANTT và vẫn hoạt động bình thường… cho đến khi CAQ phát hiện và ra quyết định đình chỉ.

Một biến tướng nữa trong hoạt động của karaoke là các khách sạn được xếp sao được phép hoạt động karaoke mà không phải cấp phép, chỉ phục vụ khách trong khách sạn và không thu tiền. Một số khách sạn đã lợi dụng quy định này cho người khác thuê lại để hoạt động.

Xem Thêm  Cổng điện tử của Tổng cục Thuế Thông tin và hướng dẫn sử dụng

Cũng theo quy định, trong phố cổ không được kinh doanh karaoke, nhưng khách sạn lại được phép hoạt động, họ cũng biến tướng cho tư nhân thuê, nên phố cổ vẫn có karaoke. Hoặc cũng có quán với nhiều phòng hát đầy đủ các thiết bị giống như phòng karaoke, nhưng chủ quán lại đặt thêm đầu thu âm, ghi đĩa, và trong hóa đơn họ đều ghi là dịch vụ thu âm cho khách nên tổ kiểm tra đành… bó tay.

Tắc trách trong cấp phép và quản lý

Vụ trọng án xảy ra rạng sáng 23-8-2009 tại địa bàn phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ để đưa các đối tượng ra truy tố trước pháp luật. Nguyên nhân gây ra vụ án mạng đó bắt nguồn từ hoạt động quá giờ quy định của quán karaoke 17 Nguyễn Khuyến (số 2 Ngô Sĩ Liên) và quán karaoke 11 ngõ Hàng Bột, phường Cát Linh.

Khoảng 0h35 ngày 23-8, trong khi làm nhiệm vụ, CAP Văn Miếu phát hiện quán karaoke 17 Nguyễn Khuyến (số 2 Ngô Sĩ Liên) vẫn đông khách, nên đã lập biên bản yêu cầu chủ quán đóng cửa và giải tán khách để bảo đảm trật tự  khu vực. Nhưng, mấy tiếng sau, khi có  tàu về ga, chủ quán karaoke này tiếp tục mở cửa đón khách. Lúc đó có 2 tốp thanh niên vào hát, quán chỉ có một phòng nên dẫn đến lời qua tiếng lại. Một trong 2 tốp khách đó đã gọi điện thoại cho đồng bọn cũng đang hát tại quán karaoke 11 ngõ Hàng Bột, Hà Nội đến để dằn mặt và đã xảy ra án mạng tại đây.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao quán karaoke 17 Nguyễn Khuyến còn có địa chỉ là số 2 Ngô Sĩ Liên? Theo Nghị định 11/CP, địa điểm của các quán karaoke phải cách trường học, bệnh viện, di tích lịch sử – văn hóa và cơ quan hành chính… từ 200m trở lên mới được hoạt động.

Quán karaoke này (chủ là bà Võ Thị Thanh Cảnh) lấy địa chỉ là 17 Nguyễn Khuyến, nhưng mặt tiền quán lại quay ra số 2 Ngô Sĩ Liên. Trong khi, quán chỉ cách trụ sở cơ quan công an có 100m. Từ khi quán karaoke này đi vào hoạt động cho đến tháng 8-2009, CAQ Đống Đa và CAP Văn Miếu đã 7 lần lập biên bản xử phạt. Biên bản xử phạt đầu tiên vào tháng 9-2004, về việc không có giấy cam kết về ANTT, hoạt động quá giờ quy định. Lần lập biên bản cuối cùng vào 0h35  ngày 23-8 vừa qua. Đầu tháng 8-2009, quán này cũng đã bị tổ kiểm tra liên ngành của TP lập biên bản xử phạt.

Theo Nghị định 11/CP thì quán karaoke 17 Nguyễn Khuyến (số 2 Ngô Sĩ Liên) phải bị rút giấy phép hoạt động, nhưng cũng chính trong năm 2006, quán này lại được hoán cải giấy phép. Và ngày 30-7-2009, Phòng Văn hóa quận Đống Đa tiếp tục gia hạn thời gian hoạt động của quán đến tháng 7-2010, mặc dù đầu tháng 7-2009, CAQ Đống Đa đã có đề nghị đình chỉ hoạt động của quán…

Những tắc trách trong việc cấp phép, quản lý hoạt động của các quán karaoke không chỉ diễn ra trên địa bàn quận Đống Đa, mà đây còn là tình hình chung của các quận, huyện trong thành phố. Một thực tế là các cơ quan chức năng của các quận, huyện chỉ biết cấp đăng ký kinh doanh, cấp phép cho các quán karaoke hoạt động, họ hầu như không phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra xem các quán karaoke sau khi được cấp phép hoạt động ra sao. Và hoạt động của các quán đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không…

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn