Tin Tức

Định hướng quan trọng cho hợp tác ASEAN trong năm 2010

Rate this post

Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên trong năm 2010 đã thông qua hai văn kiện “Tuyên bố ASEAN về phục hồi và phát triển bền vững” và “Tuyên bố ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu”, đề ra được định hướng quan trọng cho hợp tác ASEAN trong năm nay.

Phiên họp kín của Trưởng đoàn các nước ASEAN sáng nay – Ảnh Chinhphu.vn

Trong các phiên họp toàn thể chiều 8/4 và phiên họp kín sáng nay, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tập trung trao đổi nhiều vấn đề quan trọng: Triển khai Hiến chương ASEAN và xây dựng cộng đồng ASEAN;  hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu; quan hệ đối ngoại của ASEAN và vai trò của khối ở khu vực.

Các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định lại quyết tâm đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua các biện pháp cụ thể, nhất là tăng cường công tác giám sát việc thực thi và huy động nguồn lực.

Bên cạnh đó, sẽ khẩn trương đưa Hiến chương ASEAN thực sự đi vào cuộc sống, trong đó tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức, cải tiến phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác; hoàn tất các văn bản bổ trợ để tạo khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động của ASEAN.

Lãnh đạo ASEAN đã trao đổi ý kiến sâu rộng về phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; nhất trí thông qua Tuyên bố ASEAN về vấn đề này, trong đó đề ra phương hướng và biện pháp hợp tác ASEAN, nhất là đẩy nhanh liên kết kinh tế ASEAN thông qua thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã có, coi trọng gắn kết phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội cũng như đẩy mạnh giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế-tài chính Đông Á, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu cho phục hồi và phát triển bền vững.

Các nước ASEAN cam kết đẩy mạnh triển khai Sáng kiến kết nối ASEAN để tạo nền tảng kết nối về hạ tầng phần cứng và cả phần mềm, hỗ trợ tăng cường liên kết kinh tế và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã trao đổi các biện pháp đẩy mạnh hợp tác ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức toàn cầu khác, nhất là biến đổi khí hậu. Hội nghị lần này đã thông qua Tuyên bố ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, ASEAN sẽ gia tăng hợp tác, thông qua kế hoạch và biện pháp cụ thể, gắn kết với các chương trình hành động quốc gia; đồng thời cam kết đóng góp tích cực cho nỗ lực chung toàn cầu hướng tới đạt một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý về ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp kín sáng nay – Ảnh Chinhphu.vn

ASEAN ủng hộ Việt Nam dự Hội nghị G20 năm 2010

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang nổi lên. Theo đó, lãnh đạo ASEAN nhất trí rằng, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường liên kết ASEAN, cần đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của Hiệp hội với các đối tác thông qua các khuôn khổ hợp tác ASEAN+1, tăng cường hoạt động của các diễn đàn khu vực hiện có trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo, như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

ASEAN sẽ nghiên cứu cách thức cụ thể để Nga và Mỹ có thể tham gia vào cấu trúc khu vực, kể cả gắn kết với EAS.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đồng ý việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng theo công thức ASEAN+8 để giúp tăng cường quan hệ hợp tác về quốc phòng và an ninh giữa Hiệp hội và các đối tác; giao cho các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN bàn việc triển khai sớm.

Các sáng kiến và đề xuất về hợp tác khu vực luôn được ASEAN hoan nghênh nhưng việc lập bất kỳ cơ chế mới nào cũng cần phải bổ trợ và dựa trên các khuôn khổ hiện có, đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, các nhà lãnh đạo khẳng định.

Nhất trí tăng cường phối hợp lập trường trong ASEAN về các vấn đề khu vực và toàn cầu cũng như tại các diễn đàn quốc tế, lãnh đạo các nước ASEAN ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong năm 2010.

Thông qua nhiều văn kiện, cơ chế quan trọng

Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 được ghi dấu bằng nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa.

Xem Thêm  Mức phạt với hành vi phân biệt đối xử trong lao động

Lần đầu tiên, theo sáng kiến của Việt Nam, lãnh đạo các nước ASEAN đã có cuộc gặp với đại diện của Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA) để trao đổi ý kiến về phương hướng và biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa kênh hành pháp và lập pháp của khu vực; nhất trí giao Ban Thư ký ASEAN và AIPA bàn và đề xuất các biện pháp và cách thức triển khai cụ thể.

Các hội nghị liên quan cấp Bộ trưởng về ngoại giao, kinh tế, văn hóa-xã hội cũng đã diễn ra cùng thời điểm này để bàn và đi tới thống nhất nhiều vấn đề quan trọng.

Các Bộ trưởng Ngoại giao đã ký Nghị định thư về giải quyết tranh chấp, tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý theo quy định của Hiến chương ASEAN.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 14, nhóm họp tại thành phố Nha Trang ngày 8/4, đã thống nhất về nguyên tắc việc thành lập Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN và cam kết thành lập Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) vào tháng 5 năm nay.

Các Bộ trưởng phụ trách trụ cột Văn hóa- Xã hội đã thống nhất xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác; tổ chức lễ ra mắt Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC), để góp phần tăng cường hợp tác ASEAN trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, hướng tới một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì họp báo quốc tế – Ảnh Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì họp báo quốc tế

Ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 16 kết thúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách Chủ tịch ASEAN, đã chủ trì một cuộc họp báo quốc tế.

Tại đây, sau khi thông báo về các kết quả của Hội nghị, Thủ tướng đã dành thời gian trả lời các câu hỏi của báo chí về nhiều vấn đề liên quan.

Về vấn đề thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng sông Mekong và quan điểm của ASEAN về kết quả Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong (MRC) lần thứ nhất mới đây tại Hua Hin, Thái Lan, Thủ tướng Việt Nam cho biết hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mekong luôn là ưu tiên của ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này đã bàn nhiều nội dung liên quan đến phát triển vùng sông Mekong, trong đó có tăng cường kết nối hạ tầng, thúc đẩy phát triển bền vững, cùng với việc lồng ghép các vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên ở lưu vực Mekong với chống biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đại diện của Trung Quốc và Myanmar tham dự Hội nghị MRC đều bày tỏ ủng hộ cao đối với Tuyên bố chung của Hội nghị.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Đài BBC về chủ đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên Biển Đông là lợi ích chung cũng như mối quan tâm lớn của các nước ASEAN và các nước trong khu vực”.

Thủ tướng cho biết, các nước liên quan đã xây dựng nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và cùng hợp tác trong khu vực, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là văn bản quan trọng ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và hợp tác. Các bên liên quan khẳng định cam kết tuân thủ và thực hiện DOC, và hiện đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết này.

“Tôi tin tưởng với thiện chí của các bên và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ và thực hiện tốt DOC cũng như Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 để góp phần tích cực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, và an toàn trên Biển Đông,” Thủ tướng nói.

Liên quan đến tình hình kế hoạch tổng tuyển cử sắp tới tại Myanmar mà phóng viên Reuters đề cập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan điểm, cùng là thành viên của ASEAN và là láng giềng, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng luôn quan tâm theo dõi tình hình xây dựng, phát triển của Myanmar.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16, Thủ tướng Myanmar Thein Sein cũng chia sẻ những diễn biến gần đây ở Myanmar, thông báo công tác chuẩn bị tổng tuyển cử dự kiến trong năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.

“Trong chuyến thăm vừa qua của tôi tới Myanmar, ngoài việc trao đổi về hợp tác song phương, với cương vị Chủ tịch ASEAN, tôi đã chuyển tới Chính phủ và nhân dân Myanmar thông điệp của ASEAN là mong muốn Myanmar triển khai có hiệu quả lộ trình dân chủ vì hòa bình và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của các đảng phái, qua đó sớm ổn định và tập trung phát triển đất nước”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 16, các nước trong khối khẳng định ủng hộ Myanmar tiếp tục hội nhập khu vực, sẵn sàng hỗ trợ Myanmar khi Myanmar có yêu cầu và trên tinh thần Hiến chương ASEAN.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn