Điên đảo vì kiếm con
Họ mòn mỏi kiếm con dưới nhiều sức ép. Có người gần như điên dại khi hy vọng có một đứa con ngày một vơi dần.
Đứa con, đó là khát khao của bất kỳ đôi vợ chồng nào. Tuy nhiên, có những người vì lý do này khác, hạnh phúc được làm cha, làm mẹ là một hành trình đầy nhọc nhằn, thấp thỏm hy vọng, đầy nước mắt. Họ làm tất cả để có một đứa con. Nhưng cuối hành trình ấy không phải ai cũng có được điều mình mong mỏi.
Cưới nhau đã ba năm mà vợ chồng chị Thanh (*) (quận 4, TP.HCM) vẫn chưa có tin vui. Chị bị đa nang buồng trứng. Bốn lần thụ tinh ống nghiệm mà không có kết quả gì. Càng điều trị chị càng sốt ruột, lo lắng vì anh là con một trong gia đình.
“Được làm mẹ, chết cũng cam lòng”
Trong mỗi bữa cơm, mẹ chồng cứ nói xa nói gần: “Tao già rồi, sống chết lúc nào không hay. Bay tính sao thì tính, không thấy cháu tao chết không nhắm mắt”. Những khi nhà có tiệc tùng, giỗ quảy, bạn bè đến dẫn theo con cháu, bà lại nói kháy: “Kỳ cục, nhà tui nuôi con gì cũng đẻ, riêng có người là không biết đẻ”. Mỗi lần như vậy, tim chị lại nhói lên. Chị chỉ biết gục mặt vào gối khóc, thầm trách mình vô dụng.
Mỗi ngày Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận hàng trăm trường hợp đến khám và điều trị hiếm muộn. (Ảnh: Yên Thảo) |
Sau mỗi lần thất bại, chị thấy chồng lạnh lùng hẳn đi. Một lần đi làm về, chị nghe mẹ chồng nói: “Một là ly dị lấy vợ khác, hai là cưới vợ bé chứ không có trẻ con cứ như cái nhà ma, rồi sớm muộn cũng chia tay thôi”. Tim chị như nghẹt thở chờ đợi một lời phản đối từ phía anh nhưng chỉ có sự im lặng bao trùm. Đêm đó, chị lẳng lặng thu dọn đồ đạc, ra đi trong nước mắt.
Hoàn cảnh chị Hồng (quận 5, TP.HCM) lại khác. Chị đã một lần mang thai nhưng bị sẩy, năm năm mà không có con lại. Bác sĩ cho biết chị bị lạnh tử cung, lui tới bệnh viện hơn ba năm trời, tốn biết bao nhiêu tiền của mà vẫn không kết quả. Hàng xóm lời ra tiếng vào, còn mẹ chồng cứ đưa người yêu cũ của anh về chơi, rồi bóng gió rằng nếu ngày xưa ông bà quyết ngăn cản thì giờ đã có cháu ẵm bồng rồi. “Trời ơi, chỉ cần được làm mẹ, tôi chết cũng cam lòng mà” – chị ôm mặt khóc. Nhìn chồng nâng niu mấy đứa cháu, chị càng thấy mình có lỗi nên đề nghị ly hôn nhưng anh không đồng ý.
Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định bán hết đồ đạc trong nhà, mượn thêm tiền ba mẹ chồng đi thụ tinh ống nghiệm. Bà nói dứt khoát: “Tôi cho luôn, không phải trả, miễn đem về cho tôi thằng cu là được”. 60 triệu đồng vụt bay mà chẳng thấy con đâu. Trắng tay, anh đâm chán nản, rượu chè, còn chị bần thần như người mất hồn.
Vô sinh nam: Nỗi đau câm nín
Tuy âm thầm, nỗi đau trong những ông chồng không may bị vô sinh cũng dữ dội không kém. Cưới nhau từ năm 1990, đến năm thứ ba không thấy có động tĩnh gì, chị Yến (Đà Lạt) sốt ruột hối chồng đi khám nhưng anh Hưng nhất định không chịu. Lần lữa mãi hết năm này sang năm nọ, rốt cục chị phải lén đi khám một mình. Bác sĩ nói sức khỏe chị rất tốt, khuyên nên đưa chồng đến khám. Lần nào anh cũng làm lơ.
Một đêm trở giấc, thấy vợ ngậm gối khóc không thành tiếng, anh nghẹn ngào thú thật là anh không thể có con vì ngày nhỏ anh bị đau quai bị, teo cả hai bên tinh hoàn. Anh muốn nói với chị nhiều lần rồi mà không thể mở miệng được. Chị thiết tha van xin: “Vì con, vì em, anh đi khám một lần nhé!”. Anh buồn bã nói: “Đám bạn cùng đau quai bị như anh ở cái làng này chục thằng có thằng nào có con đâu. Đi cũng vô ích thôi!”.
Muốn có con, anh chị phải xin tinh trùng của người khác nhưng gia đình anh kịch liệt phản đối vì “Không dưng lại đi nuôi con thằng khác”. Ở tuổi 40, khát khao một lần làm mẹ trong chị lại trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chị khóc lóc mãi, cuối cùng anh cũng chấp nhận lén gia đình đi đăng ký xin tinh trùng trong ngân hàng tinh trùng. Nhưng nỗi lo “con người ta” cứ ám ảnh và bám riết anh trong cơn ác mộng hằng đêm.
Tuy âm thầm, nỗi đau trong những người đàn ông vô sinh cũng dữ dội không kém phụ nữ. (Ảnh: Yên Thảo) |
“Đi khám để người ta nghĩ tôi bất lực à?” – anh Quân, giám đốc một công ty địa ốc ở TP.HCM, gắt gỏng khi vợ đề nghị đi khám vì hai vợ chồng cưới nhau đã bốn năm rồi mà chưa có con. Một hôm thấy vợ vừa rửa chén vừa khóc, anh miễn cưỡng đồng ý.
Từ đầu cổng bệnh viện, mắt anh cứ lấm lét nhìn quanh như sợ gặp phải đối tác hay cấp dưới. Anh hồi hộp tới mức tay run lẩy bẩy, không thể lấy được tinh dịch. Cố đi cố lại mấy lần mà vẫn không lấy được, bực tức, xấu hổ anh bước ra khỏi phòng khám, toan bỏ về. Chị chạy theo van xin anh quay lại, anh quát: “Nhỡ người ta nhầm mấy cái lọ với nhau rồi kết án tôi vô sinh thì sao?”. Sau ba tháng nát óc cân nhắc, anh chịu quay lại bệnh viện với một ít tinh dịch hiếm hoi. Cầm kết quả không có tinh trùng trên tay, anh cười khan rồi bật khóc.
Đảo điên vì con
Anh không thể tưởng tượng có ngày một thằng bản lĩnh như anh cũng phải khóc. Sự thật như một bản án đẩy anh xuống vực sâu. Chuỗi ngày tiếp theo của anh chìm vào trong rượu chè, bài bạc. Vợ hỏi sao về khuya thì anh nói: “Tui đi chứng tỏ bản lĩnh đàn ông cho cô thấy!”. Rồi cái gì đến cũng phải đến, liên tiếp những cuộc cãi vã, dồn dập những lời lăng mạ nhau và cuối cùng là đi đến sự giải thoát cho nhau, cũng là giải thoát cho mỗi người. Lúc ký đơn ly hôn, chị khóc lóc, gào thét: “Con ơi là con!”. Còn anh đứng chết lặng từ xa nhìn chị, quay mặt giấu giọt nước mắt lăn dài. Mãi sau này chị mới biết ngày ấy anh không đi quan hệ với ai khác, mọi thứ anh làm chỉ để giải thoát chị, để chị cưới một người có thể đem đến niềm hạnh phúc đơn giản mà anh không làm được.
Gặp lại chị Thanh, nhìn cách ba mẹ già chăm con gái, không thể không ngậm ngùi xót xa. Bị gia đình chồng ruồng bỏ và người chồng không đứng về phía mình, chị Thanh đã phải bỏ nhà chồng trở về nhà ba mẹ. Kể từ đó, chị bị lãnh cảm, không cười không nói, rồi đến một ngày chị gào thét, đập phá. Mỗi lần lên cơn chị đều nói: “Trả con lại cho tôi!”. Người ta thấy chị hay ngồi bên khung cửa sổ ngó ra ngoài rồi làm động tác ru ầu ơ rồi cười một mình.
“Đau khổ nhất vẫn là những người vô sinh. Thử hỏi ai mà không muốn có con. Nếu không thể giúp gì thì hãy để họ yên chứ đừng chì chiết, dè bỉu và đẩy họ vô bước đường cùng” – mẹ chị Thanh nghẹn ngào. Còn ba chị thì thở dài: “Ông trời đã không công bằng với họ thì người đời đừng gieo rắc vào họ khổ đau nữa!”.
Hoàn cảnh chị Hồng còn đau đớn hơn, không chịu được sự chì chiết cay độc của mẹ chồng, chị đã uống cả chai thuốc sâu và ra đi. Người chồng sau cái chết đau lòng của vợ cũng ân hận đến mức hóa ngu ngơ.
(*): Tất cả tên nhân vật trong bài đã được thay
Thủ tục pháp luật