Đẩy lãi suất tăng cao vô lối nghĩa là tự sát
Sự cạnh tranh huy động vốn giữa các tổ chức tín dụng đang sôi động, nhưng việc đẩy lãi suất huy động tăng cao vô lối sẽ khiến cho cả người cho vay và người vay gặp nhiều rủi ro. Trả lời phỏng vấn VietNamNet, Tiến sỹ Phạm Huy Hùng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã cho biết.
Tăng cao quá thì không khác gì uống thuốc độc
– Ông có nhận xét gì về mặt bằng lãi suất huy động vốn của các tổ chức tín dụng sau khi Cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng Đồng Việt Nam theo Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN có hiệu lực?
![]() |
T.S Phạm Huy Hùng. |
Kể từ khi Cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng Đồng Việt Nam theo Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN có hiệu lực (ngày 19/5/2008) thì ngay lập tức mức lãi suất trần huy động trước đây là12%/năm đã bị phá bỏ và các tổ chức tín dụng đã rầm rập tăng lãi suất.
Mấy ngày qua lãi suất huy động ở trong mức khoảng 14,5% -15%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao bởi ngoài lãi suất này thì còn phải cộng thêm khoảng 2% các chi phí khác như dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi… chưa kể các chi phí hoạt động ngân hàng.
Với mức huy động này trong khi chỉ được cho vay tối đa là 18% (Theo Quyết định16 thì lãi suất cơ bản là 12%, mức trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 150%, tức là 18%/năm) như vậy các ngân hàng đã có lãi rất thấp rồi.
– Vậy theo ông, mức lãi suất huy động 15%/năm có phải đã là cao nhất?
Tôi không thể khẳng định được, nhưng như đã nói huy động đến 15%/năm trong khi cho vay ra 18%/năm thì đã rất gần với điểm hoà vốn vì vậy tăng nữa thì không biết như thế nào.
Tăng cao quá thì không khác gì uống thuốc độc. Nếu tổ chức tín dụng nào tăng lãi suất lên từ 16% -18% thì chắc chắn có vấn đề. Có thể tính thanh khoản của các tổ chức đó kém, phải đẩy lãi suất lên để hút vốn, đảm bảo thanh khoản. Khách hàng không nên vì ham lợi thấy trả lãi cao đổ tiền vào đó, rất nguy hiểm. Tổ chức tín dụng nào đẩy lãi suất huy động lên cao vô lối cần phải xem lại, Ngân hàng Nhà nước cần phải thanh tra ngay lập tức theo quy định.
– Có chuyện các tổ chức tín dụng ngoài việc tính lãi suất cho vay 18%/năm còn yêu cầu khách hàng vay phải chịu thêm một số khoản phí, mục đích là lách luật để tăng lãi suất vay vượt quá trần quy định?
Tôi không rõ ở các tổ chức tín dụng khác như thế nào, còn tại VietinBank thì ngoài lãi suất cho vay khách hàng không phải chịu thêm khoản phí nào cả.
Lãi suất cao thì rủi ro cao. Ảnh minh họa |
– Với lãi suất cho vay như hiện nay theo ông độ rủi ro có cao?
Rất cao. Lãi suất cao thì rủi ro cao. Bây giờ cứ tính như thế này, các DN vay vốn ngân hàng với lãi suất 18%/năm trong khi đó chi phí đầu vào tăng, lương công nhân tăng… như vậy DN đó phải có mức tăng trưởng từ 30%-40% thì mới đảm bảo an toàn điều này là rất khó khăn. Khi các DN gặp rủi ro thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo.
Khách hàng tốt: không thiếu vốn cho vay
– VietinBank đã tăng lãi suất huy động? Việc thay đổi thương hiệu lúc này có ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn?
Việc thay đổi tên thương hiệu quốc tế từ Incombank sang Vietinbank không có ảnh hưởng gì bởi tên pháp lý từ trước đến nay không có gì thay đổi, vẫn là Ngân hàng Công thương Việt Nam. Hiện nay VietinBank đã được đăng ký bản quyền quốc tế.
Còn về lãi suất huy động, chắc chắn cũng phải tăng theo thị trường, không như vậy sẽ không huy động được vốn. Chắc cũng phải đưa lên mức 14,5%/năm.
– Nhưng nếu các tổ chức tín dụng khác tiếp tục tăng lãi suất huy động thì sẽ thế nào?
Chắc chắn việc tăng cũng chỉ đến mức độ bởi đầu ra đã bị hạn chế. Để thu hút khách hàng, VietinBank sẽ nâng cao chất lượng các dịch vụ nhằm cạnh tranh tốt hơn, không chạy theo tăng lãi suất đến mức nguy hiểm.
Bắt đầu từ 1/7 tới, VietinBank sẽ mở cửa các phòng giao dịch tới 19 giờ hàng này và cả buổi sáng thứ 7 hàng tuần để phục vụ khách hàng. Trong 5 tháng đầu năm 2008 nguồn vốn huy động của Vietinbank vẫn tăng trưởng tốt, đầu tư cho vay tăng 16% so với cuối năm 2007.
– Có ý kiến cho rằng việc tiếp cận vốn vay hiện nay rất khó khăn, mặc dù lãi suất cao, có phải ngân hàng thiếu vốn?
Với VietinBank không phải như vậy. Ngân hàng hoàn toàn đủ vốn để đáp ứng nhu cầu các DN, cá nhân. Chúng tôi còn hỗ trợ cả vốn cho các Ngân hàng thương mại nhỏ. Vấn đề là nếu khách hàng nào tốt, sản xuất kinh doanh thực sự có hiệu quả thì đều được đáp ứng ngay, còn vay đầu cơ, kinh doanh rủi ro thì không. Cho vay đầu cơ, kinh doanh bất động sản và chứng khoán là không làm.
Thủ tục pháp luật