Đại kế hoạch giải cứu thị trường Mỹ: đã vượt vũ môn!
Cuộc bỏ phiếu lần hai của Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật 700 tỷ USD giải cứu Phố Wall với số phiếu thuận áp đảo 263-171. Thị trường tài chính toàn thế giới nín thở đợi chờ và cuối cùng đã có thể thở phào.
Vào lúc cuộc bỏ phiếu chưa kết thúc, còn gần 30 đại biểu chưa kịp bỏ phiếu, thì thị trường đã biết kết quả trên màn hình TV: các phiếu thuận vượt quá con số 218 cần thiết.
Kết thúc cuộc bỏ phiếu, đảng Dân chủ đóng góp 172 phiếu thuận và 63 phiếu chống, đảng Cộng hòa góp 91 phiếu thuận và 108 phiếu chống. So với lần bỏ phiếu trước, phe Dân chủ đã tăng được 32 phiếu thuận, phe Cộng hòa tăng được 26 phiếu thuận, trong khi số phiếu chống vẫn cao hơn.
Phố tài chính của London trong một ngày chờ đợi (ảnh: Reuters) |
Thị trường tài chính châu Á và châu Âu ngày thứ Sáu 3/10 đã kết thúc một tuần đầy căng thẳng. Còn cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ chỉ diễn ra vài giờ sau khi hai thị trường này đã đóng cửa phiên cuối cùng của tuần.
Tại thị trường châu Á, mặc dù các chuyên gia đều nhận định khả năng cao Hạ viện sẽ thông qua dự luật giải cứu, nhưng trên thị trường tâm lý hồi hộp vẫn thắng tâm lý lạc quan. Chỉ số Nikkei của Nhật giảm 1,9% để xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đóng cửa với mức giảm 2,9%. Chỉ số STI của Singapore giảm 2,8%… Hầu hết các thị trường còn lại không có biến động lớn và đóng cửa trong thế hồi hộp đợi chờ.
Trên thị trường châu Âu, hầu hết các chỉ số đứng yên suốt buổi sáng để chờ đợi. Đến giữa phiên châu Âu cũng là lúc thị trường New York mở cửa. Một thông tin mới công bố: trong tháng 9 nước Mỹ đã cắt giảm 159.000 việc làm, mức cao nhất trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, thông tin xấu đó dường như lại giúp thị trường hiểu là Hạ viện Mỹ đang chịu sức ép mạnh hơn để thông qua dự luật giải cứu. Kết quả là vào giữa trưa, gần như hầu hết các chỉ số chứng khoán của châu Âu đồng loạt tăng trong khoảng trên dưới 2%.
Tại thị trường Mỹ, mới ngày trước đó sự ảm đạm vẫn bao trùm tất cả trong mối lo Hạ viện sẽ “giết” dự luật một lần nữa. Điều này tuy có xác suất nhỏ, nhưng nếu thành sự thật thì tai họa sẽ rất lớn. Chỉ số Dow Jones giảm 3,2%, S&P500 giảm 4%, và Nasdaq giảm 4,5%.
Nghị sĩ John Boener, thủ lĩnh phe Cộng hòa trong Hạ viện tuyên bố trước báo chí: dự luật chưa phải là hoàn hảo, nhưng đã tốt hơn nhiều so với ngày thứ Hai trước đó (ảnh: NYT) |
Tuy nhiên, vào lúc mở cửa thị trường ngày thứ Sáu thì sự hưng phấn đã trở lại. Kênh truyền hình Bloomberg thông báo 13 Hạ nghị sĩ tuyên bố trong lần bỏ phiếu này sẽ đổi ý từ “không” sang “có” với dự luật giải cứu. Chưa thấy đại biểu nào lên tiếng sẽ đổi từ “có” sang “không”. Thêm vào đó là tin xấu về thất nghiệp tăng đã chuyển thành tin tốt cho chứng khoán. Chỉ số Dow Jones tăng 1,2%, S&P500 tăng 1,9%, và Nasdaq tăng 2%.
Bắt đầu phiên họp, không khí trong Hạ viện vẫn rất căng thẳng. Chỉ riêng việc có thảo luận thêm hay không cũng đã phải biểu quyết. Kết quả 223-205 nghiêng về phe muốn thảo luận thêm trước khi bỏ phiếu.
Tuy gọi là “thảo luận”, nhưng không có điều khoản nào được bổ sung hay sửa đổi. Các đại biểu lần lượt đăng ký lên phát biểu, vừa thể hiện quan điểm của mình, vừa cố gắng thuyết phục thêm phiếu về một trong hai phía: “thuận” hoặc “chống”.
Ngày thứ Hai 29/9, Hạ viện bác bỏ dự luật với tỷ lệ phiếu 228-205. Tuy nhiên, ngày thứ Tư 1/10, Thượng viện lại thông qua với số phiếu 74-25, sau khi đã bổ sung thêm một vài điều khoản, được coi là có ý nghĩa chính trị để tạo đồng thuận, hơn là ý nghĩa hoàn thiện thêm đại kế hoạch giải cứu.
Mới ngày hôm trước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ tuyên bố bà sẽ không tiến hành bỏ phiếu chừng nào còn chưa chắc chắn sẽ có đủ phiếu thuận để thông qua dự luật. Tuy nhiên, ngay trước cuộc bỏ phiếu lần này thì bà đã phát biểu khác hẳn so với hôm thứ Hai, ngắn gọn hơn và mềm mỏng hơn.
Bài phát biểu của bà hôm thứ Hai trước đã bị dư luận bình luận là “dại dột”. Trong tâm lý quá tự tin dự luật sẽ được thông qua, ngay trước khi bỏ phiếu bà đã tranh thủ nhận công cho đảng Dân chủ của bà và công kích Chính phủ thuộc đảng Cộng hòa. Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa nổi giận và đến phút chót đã bỏ phiếu chống lại dự luật.
Tuy nhiên, ngay lần này vẫn có một câu được bà Nancy Pelosi nhắc đi nhắc lại: Buổi tiệc đã kết thúc! Đây là một thông điệp gửi đến các nhà quản lý trên thị trường tài chính Mỹ: thời làm mưa làm gió của các vị đã qua. Chính sách quản lý sẽ được siết chặt. Các vị sẽ không còn được hưởng cách “hạ cánh vàng” như trước đây.
“Hạ cánh vàng” là thuật ngữ còn hơn cả “hạ cánh an toàn”. Có những tập đoàn thua lỗ hàng chục tỷ USD, nhưng các vị lãnh đạo vẫn được hưởng hàng chục triệu USD như khoản “đền bù” khi phải ra đi trước khi hết hợp đồng làm việc. Chính điều này khiến dân Mỹ tức giận, và khiến các đại biểu Quốc hội tốn không ít thời gian tranh cãi suốt hai tuần qua.
Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, Tổng thống Bush đã lập tức xuất hiện trên truyền hình với một bài phát biểu đầy hân hoan, ông biểu dương kết quả bỏ phiếu của hai viện và cam kết sẽ nhanh chóng ký vào bản dự luật để chuyển thành luật.
Thủ tục pháp luật