Cuộc chiến giữa cá và đập trên sông Dương Tử
Cá tầm Trung Quốc không phổ biến tới mức trở thành biểu tượng như gấu trúc, nhưng Trung Quốc vẫn coi trọng nó, thậm chí đưa lên những bộ tem giá trị.
![]() |
Cá tầm Trung Quốc. (Ảnh: environmentalgraffiti) |
“Nhà” của cá tầm là sông Kim Sa (đoạn thượng nguồn Dương Tử). Cũng giống như cá hồi ở Mỹ, loài cá này cung cấp giá trị rất lớn cho kinh tế địa phương và góp phần vào sự đa dạng hệ sinh thái dưới nước. Và cũng giống như Mỹ, loài cá đặc biệt ở Kim Sa và Dương Tử đang bị đe dọa bởi hàng loạt vấn đề mà đầu tiên đó là sự xuất hiện của nhiều con đập thủy điện mới.
Lợi ích kinh tế phá huỷ môi trường
Họ cho rằng, các đập này (gồm cả đập Tiểu Nam Hải đoạn thượng nguồn Dương Tử cách Thành phố Trùng Khánh 30km), sẽ phá hủy khu dự trữ cá hiếm duy nhất trên sông Dương Tử, và vì thế cũng ngăn chặn các loài cá di trú quý hiếm như cá tầm Trung Quốc. Khu dự trữ này là nơi tụ cư của hơn 180 giống cá khác nhau, trải rộng gần 400km trên các nhánh thượng du của sông Dương Tử – nơi mức độ tập trung về đa dạng sinh học cao hơn vùng trung và hạ du.
Trong khi các đập thủy điện đã tác động tới nghề cá của Trung Quốc nhiều thập niên nay, thì đập Tiểu Nam Hải hiện lại trở thành nơi tập trung sự chỉ trích và phê bình của giới phân tích với chương trình xây dựng đập của đại lục. Theo Tổ chức Nông lương LHQ, lượng đánh bắt cá năm 2005 của Trung Quốc đạt 17,1 triệu tấn, gấp hơn bốn lần so với nước đứng thứ hai là Mỹ.
![]() |
Bản đồ gốc quy định ranh giới khu bảo tồn cá. (Ảnh: internationalrivers) |
Vai trò quan trọng về kinh tế, sinh thái và văn hóa với công nghiệp đánh bắt cá kết hợp cùng chính sách Quản lý Lưu vực sông của Bộ Bảo vệ môi trường (MEP), đã giúp các nhà hoạt động môi trường thêm nỗ lực kêu gọi chính phủ xem xét lại những dự án xây đập thủy điện trong khu vực.
Chính quyền Trùng Khánh – một đại đô thị đang mở rộng rất nhanh ở miền tây nam Trung Quốc – hy vọng nguồn điện mà đập Tiểu Nam Hải sinh ra sẽ giúp giải quyết nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh của thành phố. Đây cũng là dự án riêng lẻ lớn nhất trong kế hoạch năm năm lần thứ 11 của Trung Quốc, với tổng trị giá 24 tỉ nhân dân tệ (3,5 tỉ USD). Với hồ chứa đề xuất cao 195 mét, đập thủy điện Tiểu Nam Hải có công suất thiết kế là 1.750 MW (lớn hơn kích cỡ đập Hoover ở Mỹ 75%).
Chính phủ có cần môi trường?
Dự án thủy điện Tiểu Nam Hải là một phần “Kế hoạch phát triển toàn diện Tài nguyên nước cho lưu vực sông Dương Tử”, được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thông qua năm 1990. Tiếp theo Tiểu Nam Hải, kế hoạch còn đưa ra hai đập khác là Zhuyangxi và Shipeng. Năm 1987, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc chỉ định một khu vực 500km ở thượng nguồn Dương Tử trở thành Khu bảo tồn Cá quý hiếm Dương Tử của Quốc gia.
Nhiều năm sau đó, Tập đoàn Tam Hiệp, nhà xây dựng dự án đập Tam Hiệp đã bắt đầu xây dựng hàng loạt con đập trên sông Kim Sa trong khu vực dành riêng cho việc bảo tồn. Hai trong số các đập này là Xiangjiaba và Xiluodu gần hoàn thành. Giờ đây, ba đập thủy điện mới gồm Tiểu Nam Hải, Ludila, và Longkaikou, một lần nữa lại đe dọa khu bảo tồn quốc gia này.
![]() |
Bản đồ đã sửa đổi. Màu đỏ thể hiện vùng trung tâm, màu tím là vùng đệm và màu vàng là vùng thực nghiệm. (Ảnh: internationalrivers) |
Trước khi các dự án thủy điện được xây dựng, nhiều nhóm bảo vệ môi trường Trung Quốc đã kêu gọi cần tôn trọng Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ tháng 12/1989. Luật này quy định không một doanh nghiệp công nghiệp hoặc dự án cơ sở hạ tầng nào gây tổn hại môi trường có thể được xây dựng tại những điểm thắng cảnh, khu bảo tồn tự nhiên và các các khu vực đặc biệt khác mà trung ương hoặc chính quyền tỉnh chỉ định và công nhận.
Để đáp ứng các hàng rào luật pháp, Tập đoàn Tam Hiệp đã đề xuất Hội đồng Nhà nước Trung Quốc “kéo lại” ranh giới khu bảo tồn cá nhằm không ảnh hưởng tới các khu vực đập Xiluodu và Xiangjiaba. Hội đồng Nhà nước đã chấp thuận yêu cầu này vào tháng 4/2005, với chỉ định thiết lập khu bảo tồn cá ở vùng hạ nguồn của Xiangjiaba.
Các nhà khoa học và nghiên cứu môi trường Trung Quốc đã công bố một lá thư ngỏ, thúc giục chính phủ hủy bỏ kế hoạch xây dựng đập Tiểu Nam Hải. Mặc dù đập mới Tiểu Nam Hải thuộc vùng thực nghiệm hơn là vùng trung tâm (trong bản đồ quy định ranh giới khu bảo tồn cá), nhưng chuyên gia Cao Văn Xuyên, thành viên Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, nhà nghiên cứu cấp cao Viện Sinh vật học Thủy sinh ở Vũ Hán đã chỉ ra rằng, việc xây đập sẽ ngăn cản những con đường di cư của loài cá, biến những đoạn sông nước chảy xiết thành những cái ao tù kéo dài tới vùng đệm và vùng trung tâm, gây nguy hiểm cho các khu vực cá đẻ và ấp trứng.
Những nghiên cứu về tính khả thi cho việc xây dựng đập Tiểu Nam Hải đã được thực hiện, nhưng theo một chuyên gia trong các nhà bảo vệ môi trường trên thì, báo cáo khả thi rất sơ sài và không giải thích rõ công trình xây dựng sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường và các loài cá quý hiếm đặc biệt. Họ e ngại loài cá tầm Trung Quốc đang gặp nguy hiểm, rồi sẽ nhanh chóng giống số phận của cá heo baiji (loài cá heo trắng sống ở vùng nước ngọt chỉ tìm thấy tại Trung Quốc được tuyên bố “có khả năng đã tuyệt chủng” năm 2006).
Tổn thất không thể bù đắp
Ngày 11/6/2009, MEP tuyên bố ngừng tạm thời việc xây dựng hai đập thủy điện Ludila và Longkaikou. Quyết định đưa ra khi MEP phát hiện thấy việc xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho Ludila và Longkaikou đã sẵn sàng bắt đầu, dòng chảy sông Kim Sa bị chặn lại mà không có sự phê chuẩn từ bộ này. Chính quyền Trùng Khánh cam kết sẽ đệ trình lên MEP báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) về việc xây đập, tuy nhiên không rõ khi nào đánh giá mới hoàn thành.
Trong khi quyết định ngừng xây đập được giới khoa học và những người bảo vệ môi trường hoan nghênh thì rất nhiều nhà phê bình tự hỏi, hành động của MEP sẽ kéo dài bao lâu. Trước đó, MEP đã từng giải quyết các tranh cãi chỉ đơn giản bằng cách thu lại các ranh giới khu bảo tồn.
Người dân và các nhóm bảo vệ môi trường vẫn thận trọng và kêu gọi chính quyền dừng toàn bộ dự án xây dựng trên sông Kim Sa, đồng thời cải thiện tiến trình phê chuẩn dự án, trong đó đảm bảo rằng, mọi công ty cần công khai những báo cáo EIA trước khi phê chuẩn.
Nếu việc này không xảy ra, thì môi trường sống của rất nhiều loài cá quý hiếm, đặc trưng khu vực sẽ bị phá hủy, những cảnh quan, hẻm núi nên thơ kỳ vĩ sẽ biết mất và đất trồng cũng như các khu trang trại của dân địa phương sẽ tràn ngập trong nước.
Không số tiền nào có thể bù đắp các tổn thất ấy.
Thủ tục pháp luật