Tin Tức

Công chức ngành tòa án rủ nhau rời nhiệm sở

Rate this post

“Lương thấp, sinh viên luật ra trường không muốn vào tòa án, đã vào rồi thì rủ nhau ra đi. Tình trạng chảy máu chất xám đang rất báo động”, Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình phát biểu chiều 28/3, tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chánh án Bình được Thường vụ Quốc hội phân công trả lời chất vấn của đại biểu và cử tri về tình trạng đội ngũ cán bộ ngành tòa án cũng như những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Ông Bình cho biết, đội ngũ thẩm phán tòa án hiện nay vừa yếu, vừa thiếu. Trong hơn 4.000 thẩm phán các cấp có khoảng 10% yếu kém về trình độ, năng lực, từng bị hủy hoặc sửa án. Nếu tính trung bình mỗi thẩm phán một năm phải xét xử khoảng 60 vụ án thì ngành đang thiếu 2.300 người. Cộng thêm cả các chức danh như thư ký, thẩm tra viên thì toàn ngành thiếu khoảng 5.000.

Nhân lực thiếu, nhưng để tuyển và giữ người thì ngành đang bế tắc. “Sinh viên tốt nghiệp ĐH Luật loại khá giỏi, người có năng lực, kinh nghiệm như luật gia, luật sư không muốn làm ở ngành tòa án vì lương thấp. Một số thẩm phán có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đã xin ra ngoài làm luật sư hoặc làm cho các doanh nghiệp lương tháng đến 7-10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với lương nhà nước”, ông Bình nói.

Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: PV.

Chia sẻ với khó khăn của ngành tòa án, đại biểu Phạm Quý Tỵ hỏi: “Thực ra tình trạng thiếu thẩm phán xảy ra hàng chục năm nay, vậy xin hỏi Chánh án có giải pháp nào để chủ động khắc phục?”.

Ông Bình trả lời trước mắt Tòa án sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp đào tạo một số thẩm tra viên, thư ký để bổ nhiệm thẩm phán; đề nghị các địa phương giới thiệu hội thẩm nhân dân có năng lực đề đào tạo. “Về lâu dài, ngoài việc xin mở ĐH chuyên ngành tòa án, ngành sẽ quan tâm xây dựng hình ảnh đẹp, thậm chí phải tiểu thuyết hóa hình tượng của luật sự, công tố viên, nhằm thu hút sinh viên”, ông nói.

Đại biểu Đặng Thuần Phong nhấn mạnh một trong những nguyên nhân khó tuyển, khó điều động thẩm phán từ cấp tỉnh xuống huyện là lương. “Thẩm phán huyện phấn đấu bằng lương thẩm phán cấp tỉnh phải 21 năm, mặc dù trình độ như nhau. Bao giờ ta mới khắc phục bất hợp lý này?”, ông Phong đặt câu hỏi.

Xem Thêm  Nhiều sự cố xảy ra ở đô thị Trung Hòa

“Anh Phong nói rất đúng, chính sách lương hiện nay rất bất hợp lý và chúng tôi sẽ đề nghị Quốc hội quan tâm để sửa ngay trong nhiệm kỳ khóa 12 này”, ông Bình hứa. Người đứng đầu ngành tòa án từ chối trả lời câu hỏi mức lương bao nhiêu thì mới thu hút được nhân lực, mà chỉ ngắn gọn: “Lương phải đủ sống và có tích lũy”.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Đúng là ngành này rất khó thu hút người vì ơn thì ít mà oán thì nhiều, công việc vừa khó, vừa khổ”. Tuy nhiên, ông Trọng đề nghị Chánh án phải chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc giải quyết bài toán nhân lực, tránh để tình trạng như hiện nay oan sai, khiếu kiện không phải là ít.

Chốt lại một ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, phiên chất vấn Thường vụ Quốc hội đầu tiên trong lịch sử đã khá thành công. Cả người hỏi và trả lời đều đề cập sát vấn đề, trên tinh thần đôi bên hiểu biết, thông cảm chia sẻ. “Tuy nhiên, người hỏi chưa thật sắc sảo, còn dài dòng, người trả lời cũng chưa sắc nét. Chúng ta cần rút kinh nghiệm cho phiên chất vấn sau”, ông Trọng nói.

Sẽ chuyển dần từ đầu tư nhà nước sang tư nhân

Để làm rõ thêm một số vấn đề, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đăng đàn. Ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, nhu cầu về vốn để phát triển rất lớn. Hiện giá cả leo thang khiến nhiều công trình trọng điểm gặp khó khăn. Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng chính sách về giá, trong đó có việc phân cấp cho một số bộ ngành quyết định giá một số mặt hàng thiết yếu.

“Theo cơ chế hiện nay, giá tăng là tất cả công trình có vốn đầu tư nhà nước đều đình lại, ngồi chờ Thủ tướng điều chỉnh tăng giá, rất bất hợp lý”, ông nói. Phó thủ tướng cũng chỉ ra một giải pháp quan trọng khác là chuyển đầu tư từ nhà nước sang doanh nghiệp. Hiện đầu tư nhà nước vẫn chiếm 45% tổng đầu tư toàn xã hội.

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn về việc thi công và công tác quản lý giao thông, thủy lợi dự án Ô Môn – Xà No ở đồng bằng sông Cửu Long và tình hình giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao cũng như các giải pháp khắc phục. Ngoài ra, ông cũng trình bày thêm những thiệt hại của đợt giá rét lịch sử kéo dài 37 ngày vừa qua.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn