Công an quận Bình Thạnh quá tắc trách!
Báo NLĐ số ra các ngày 17, 18, 19-1 đã liên tục thông tin vụ một gia đình nhiều lần bị tạt axít. Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, chúng tôi đã tìm hiểu ở công an địa phương và phát hiện nhiều điều kỳ quặc
Ngày 21-1, gần 3 tháng sau khi vụ việc bà Huỳnh Thị Kiều Nga (SN 1955, ngụ đường Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh – TPHCM) bị tạt axít lần thứ hai khiến hỏng một mắt, hủy hoại khuôn mặt và liên tục bị đe dọa, nhưng những bằng chứng do gia đình bà Nga cung cấp cho phía công an thì chưa hề được xem xét.
Trách nhiệm ở đâu?
Báo NLĐ số ra các ngày 17, 18, 19-1 đã liên tục thông tin vụ gia đình bà Nga nhiều
lần bị tạt axít và sự thờ ơ của cơ quan chức năng trước nỗi đau của gia đình bà. Tuy nhiên, mãi đến ngày 21-1, chúng tôi rất bất ngờ về những gì cơ quan chức năng địa phương này hành động để bảo vệ người dân trong địa bàn họ phụ trách.
Thượng tá Phan Hồng Khanh, Phó trưởng Công an quận Bình Thạnh, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, người phụ trách vụ việc này, cho biết: Ngày gia đình bà Nga bắt quả tang T.A.T đang điện thoại đe dọa gia đình và các bạn của con gái bà, giao công an quận xử lý thì đối tượng này có thừa nhận toàn bộ hành vi đe dọa của mình.
Thượng tá Khanh nhắc lại lời khai của T.: Do biết gia đình N.T bị tạt axít nên mới gọi điện đe dọa để các bạn trong lớp của cô đừng trêu chọc cậu ta nữa.
Chúng tôi hỏi ông Khanh, T. đe dọa gia đình bà Nga và các bạn của con gái bà rõ ràng như vậy, có bằng chứng đầy đủ, bắt quả tang như vậy, tại sao công an không có biện pháp gì xử lý? Thượng tá Khanh giải thích: “Trong đoạn băng ghi âm, đối tượng chỉ đe dọa 3 người bạn của N.T là B., H.Y, và H.L, chứ không hề đe dọa gia đình bà Nga. Nếu có, công an đã xử lý rồi”.
Chúng tôi mở băng ghi âm cuộc điện thoại đe dọa của T. mà gia đình bà Nga ghi lại, thì thượng tá Khanh thừa nhận ông chưa hề nghe nội dung cuộc ghi âm này, chỉ nghe N.T, con gái bà Nga, trình bày (!?).
Trong thời gian tới, Công an quận Bình Thạnh sẽ gửi đĩa ghi âm này ra Hà Nội để giám định giọng nói có phải của T. hay không. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây chỉ là thủ tục, bởi T. đã thừa nhận hoàn toàn hành vi đe dọa tại công an quận.
Một điều lạ là khi T. bị gia đình bà Nga bắt giao công an quận, gia đình của T. có đưa ra bộ hồ sơ điều trị bệnh tâm thần của T., và đó là một phần lý do khiến công an không tạm giữ đối tượng này.
“Tại sao khi đó công an quận không giám định tâm thần đối với T.?”, chúng tôi thắc mắc. Thượng tá Khanh nói: “Chúng tôi… đang chuẩn bị cho đi giám định!”.
Những chuyện khó hiểu
Gia đình bà Nga vẫn hết sức bức xúc về cách hành xử của công an địa phương. N.T cho biết khi gia đình cô mang đĩa ghi âm cuộc điện thoại đe dọa của T. đưa cho người công an phụ trách vụ án, người này nói cô về sang băng cassette chứ không nghe đĩa. Khi nào mang băng lên, phải mang cả máy lên, chứ ở công an không có gì để nghe được.
Nếu đúng như lời kể của N.T, chả lẽ công an một quận lớn ở TPHCM như Bình Thạnh lại không thể có được một dụng cụ đọc bằng chứng quan trọng? Hay người công an kia không muốn nhận chiếc đĩa vật chứng?
Cho tới sáng 21-1, một người công an khác (không phải người phụ trách vụ án trước khi báo chí lên tiếng) gọi điện cho gia đình bà Nga hỏi về cuộn băng ghi âm, gia đình bà nói chưa sang được băng cassette, chỉ có CD và lưu trên USB thôi. Người công an này đã đồng ý nhận.
Theo lời gia đình bà Nga thì thêm một điều lạ lùng nữa, vì người công an tiếp nhận hồ sơ mới này nói với gia đình bà rằng chưa thấy hồ sơ vụ tạt axít lần thứ nhất (tháng 1-2007).
Ngoài ra, còn một chi tiết mà không hiểu Công an quận Bình Thạnh có kiểm tra hay không. Đó là chiếc cốc tang vật trong cả hai lần hung thủ tạt axít đều được vứt lại hiện trường. Hai chiếc cốc này đều được công an thu giữ khi lập hồ sơ khám nghiệm hiện trường.
Nếu đúng như lời kể của gia đình bà Nga, việc trong hồ sơ vụ tạt lần đầu không có tang vật này thì nó đi đâu, tại sao lại biến mất một cách kỳ lạ như vậy?
Thủ tục pháp luật