Con GĐ Trung tâm XKLĐ dùng súng hơi cay bắn lao động
Sự việc bắt đầu từ việc Trung tâm Đào tạo và Xuất khẩu lao động (TTĐT&XKLĐ) Nghệ An (địa chỉ 88 Trần Hưng Đạo – TP Vinh) không giải quyết XKLĐ như trong hợp đồng với người lao động. Bị người lao động đến đòi lại tiền, nhân viên Trung tâm đã đuổi đánh rồi bất ngờ dùng súng nhắm thẳng người lao động bóp cò.
Dùng “hàng nóng” giải quyết công việc
Đầu năm 2008, TTĐT&XKLĐ có nhận đưa một số đối tượng đi lao động tại Cộng hòa Séc. Sau những hứa hẹn của Giám đốc Trung tâm Trần Thư Thắng, người lao động đã phải nộp một khoản tiền lớn, gọi là lệ phí để làm hồ sơ. Sau khi nhận tiền, phía trung tâm đã cử người đưa người lao động ra Hà Nội để “phỏng vấn”. Tuy nhiên, phải dài cổ chờ đợi cả tuần, ăn chực nằm chờ ở Hà Nội nhưng người lao động đành phải trở về.
Trong hàng chục nạn nhân của trung tâm có chị Hoan, Yến (Hương Sơn – Hà Tĩnh), chị Diên (Tân Kỳ – Nghệ An) và chị Định (Cửa Lò – Nghệ An).
Suốt từ đó đến nay, lần nào ông Thắng cũng lần lữa, hứa hẹn với những người này. Chờ mãi không thấy trung tâm có động thái tích cực nào, vợ chồng chị Hoan, chị Yến cùng một số người lao động đã nhiều lần tìm đến trung tâm nhưng ông Thắng tránh mặt không gặp.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xuất khẩu lao động Nghệ An Trần Thư Thắng. |
Nghĩ mình bị lừa nên một số người lao động đã đến trung tâm, yêu cầu lấy lại tiền đặt cọc ban đầu. Tuy nhiên, phía trung tâm khăng khăng đòi giữ lại 500 USD với lý do trừ tiền hồ sơ và phạt phá hợp đồng.
Sau nhiều lần thương thảo không thành công, tối ngày 7/7/2008, chị Hoan gọi điện thoại cho ông Thắng hẹn sáng 8/7 ra công ty giải quyết dứt điểm mọi chuyện. Khi gặp nhau, ông Thắng vẫn khăng khăng đòi giữ lại 500 USD/người nên xảy ra cãi cọ. Ông Thắng đã đuổi chị Hoan cùng chồng và chị Yến ra khỏi phòng.
Đến 15 giờ 45 phút, cả 3 trở lại công ty gặp bà Hường (vợ ông Thắng). Lúc này còn có sự có mặt của Trần Thư Đắc, nhân viên lái xe của trung tâm, là con ruột của ông Thắng.
Khi chị Hoan và chị Yến quay lại đòi tiền, Đắc nói: “Các bà cứ nộp đủ 3.000 USD xem trung tâm có trả không”. Anh Đức đáp lại: “Nộp 1.000 USD mà còn chưa xong việc, nếu nộp 3.000 USD thì không biết thế nào, tôi sẽ theo vụ này đến cùng”.
Vừa dứt lời, anh Đức đã bị Đắc cùng một thanh niên ngồi gần đó xông vào đánh túi bụi. Anh Đức dính trọn một cú đá vào ngực làm ngã ngửa người ra sau. Anh bật dậy, xuống dưới nhà rồi bỏ chạy ra đường.
Không để cho anh Đức chạy thoát, 2 thanh niên kia từ trong công ty lao ra. Nhân viên tên Đắc chạy tới chiếc xe ô tô Inova màu đen BKS 37N – 4806 đậu trước cổng công ty, mở cửa xe lấy ra một khẩu súng ngắn đuổi theo anh Đức hô: “Tau giết mi”. Nói rồi, Đắc bóp cò.
Trụ sở Trung tâm Đào tạo và Xuất khẩu lao động Nghệ An |
Sau tiếng nổ lớn, anh Đức thấy đầu óc choáng váng, khói mù mịt, mắt cay xè, ngồi gục xuống vỉa hè. Thấy anh Đức gục xuống, Đắc còn lao tới trở báng súng đánh mạnh vào đầu anh. Lúc đó, khoảng 4 giờ chiều nên có rất đông người dân bên đường Trần Hưng Đạo chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc.
Phát hiện thấy hành vi manh động, liều lĩnh của Đắc, nhiều người hô hào và chạy ra can ngăn. Lúc này, Đắc mới chịu buông tha anh Đức và bỏ đi vào trong trụ sở trung tâm.
Ngay sau đó, chị Hoan cùng một số người lao động đã gọi điện báo cho cơ quan công an.
Sau khi nhận được tin báo, Công an phường Đội Cung đã cho mời anh Đức cùng một số người lao động có mặt lúc xảy ra sự việc đến viết bản tường trình.
Cho đến sáng 9/7, anh Đức vẫn còn thấy đầu óc choáng váng, bụng bị thâm tím do bị đánh. Món nợ từ việc vay lãi nóng cho vợ đi XKLĐ đang thúc từng ngày sau lưng đôi vợ chồng nghèo.
Con trai giám đốc tuỳ tiện dùng súng hơi cay
Được biết, TTĐT&XKLĐ là thành viên của Công ty Cung ứng xuất khẩu lao động và chuyên gia Nghệ An, trụ sở tại số 8 Duy Tuấn, Khối Yên Vĩnh, TP Vinh.
Ông Phạm Ngọc Dĩnh – Giám đốc Công ty cho hay: “Sự thực thì Trung tâm này chỉ có 3 lao động được ký hợp đồng lao động với công ty. Số nhân viên còn lại chẳng thấy ông Thắng báo cáo lên. Với lại, theo nguyên tắc thì ông Thắng không có quyền tuyển hay ký hợp đồng nhân sự. Ngay cả cái tên Trần Thư Đắc, người nổ súng cũng không phải là người của công ty”.
Giấy phép sử dụng súng hoi cay của trung tâm. |
Cũng theo ông Dĩnh, trước đó ông Thắng đã làm đơn xin thôi việc. Tuy nhiên, phía Công ty chưa đồng ý vì nhiều lý do.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thư Thắng thừa nhận: “Trần Thư Đắc là con ruột của tôi, tôi mới nhận vào làm việc cách đây một thời gian ngắn. Công việc của Đắc là lái xe và phát triển kinh doanh. Vì là bố con nên tôi chưa ký hợp đồng với Đắc mà chỉ là hợp đồng… bằng miệng”.
Về khẩu súng hơi cay mà Đắc sử dụng, theo cơ quan điều tra, việc Đắc sử dụng súng là hoàn toàn không đúng với mục đích đã được quy định. Cơ quan điều tra đang tiếp trục củng cố hồ sơ để điều tra rõ về tình tiết này.
Điều đáng nói là khẩu súng hơi cay mà Đắc sử dụng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng với tên là Trung tâm ĐT&XHLĐ. Như vậy, chỉ có người của cơ sở này mới được phép sử dụng. Trong khi đó, Trần Thư Đắc không phải là nhân viên của trung tâm.
Cần nói thêm rằng, lúc Đắc rút súng trong xe ô tô để bắn vào người anh Đức, ông Thắng không có mặt tại đó. Việc ông Thắng để cho con trai mình tự tiện dùng súng, không quản lý chặt vũ khí đã được cấp giấy phép là hoàn toàn trái với pháp luật.
Trao đổi với VietNamNet, Thượng tá Trần Sỹ Phàng – Phó trưởng Công an Thành phố Vinh cho biết: “Việc để cho người khác sử dụng công cụ hỗ trợ là trái với pháp luật. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ xử lý Trần Thư Đắc về hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ không đúng mục đích. Về phía ông Thắng, trước mắt cơ quan điều tra sẽ xử lý về hành vi không quản lý tốt công cụ hỗ trợ được giao. Chúng tôi đang tiếp tục củng cố hồ sơ để đề ra hình thức xử lý phù hợp”.
Về việc hoàn trả lại tiền cho người đi XKLĐ, ông Thắng hứa hẹn: “Tôi đã cam kết với lao động là trong vòng 6 tháng, kể từ ngày nhận tiền đặt cọc, nếu người lao động vẫn chưa được đi xuất khẩu thì chúng tôi sẽ hoàn trả lại số tiền đặt cọc. Tôi không phải là người mồi chài, lừa đảo”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thủ tục pháp luật