Tin Tức

Cơ quan nhà nước dựng hàng rào bịt cửa nhà dân

Rate this post

Sau hơn 10 năm “tranh chấp khoảng đất lưu không” giáp ranh giữa 2 quận mà chưa có hồi kết, ngày 17/1 vừa qua, Công ty TNHH một thành viên Du lịch Công đoàn Việt Nam (1B Yết Kiêu, Hoàn Kiếm) đã dựng “hàng rào bảo vệ công trình sắp xây dựng” bằng cách bịt cửa sau các hộ dân phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng).

Dựng hàng rào bịt cửa, bất chấp “lệnh giới nghiêm”

Để chuẩn bị khởi công công trình 11 tầng (9 tầng và 2 tầng hầm) tại số 1B Yết Kiêu (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm), hơn 1 tháng nay, Công ty TNHH một thành viên Du lịch Công đoàn Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty Du lịch) đã xây dựng hàng rào bảo vệ.

Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đó đơn thuần chỉ là hàng rào bảo vệ công trình sắp khởi công chứ không phải là một hàng rào khá kiên cố bằng khung sắt, lưới sắt, vách tôn y hệt hàng rào kẽm của thời “dồn dân, lập ấp chiến lược” được lập nên, áp sát vào tường nhà 84, 86, 88 đường Nguyễn Du khiến các hộ này không thể đóng, mở cửa suốt 4 ngày qua.

Bức tường bịt cửa các hộ dân 86 – 88 Nguyễn Du – nhìn từ sau. (Ảnh: C.Hiếu)

Hiện tại, những mảng lớn tường rào sắt do Công ty Du lịch dựng lên đã xen kẽ vào chính giữa 2 cánh cửa của nhà 86, 88, khiến cánh cửa trong của các hộ này không mở ra được. Còn các cửa cuốn bên ngoài thì mắc kẹt, không thể hạ xuống.

Không những thế, theo đơn kêu cứu của các hộ này, trong quá trình dựng hàng rào, lực lượng của Công ty Du lịch đã thuê người đập bỏ một số công trình phụ như bếp của hộ ông Phan Huyên, 86 Nguyễn Du, gây ra vết nứt với những công trình liền kề.

Điều khiến các hộ dân đường Nguyễn Du bức xúc nữa là, sự kiện xây tường bịt cửa (hay là “bảo vệ công trình sắp khởi công”) của Công ty Du lịch xảy ra hết sức bất ngờ, các hộ dân này không hề được thông báo trước.

Trong khi, biên bản làm việc giữa 4 bên (các hộ dân 86, 88 Nguyễn Du, Công ty Du lịch, UBND phường Nguyễn Du và UBND phường Hai Bà Trưng ngày 19/12/2006) để giải quyết mâu thuẫn nảy sinh từ năm 1997 này nói rõ: “Yêu cầu Công ty Du lịch và các hộ dân giữ nguyên hiện trạng. Khi Công ty Du lịch muốn xây dựng những công trình có liên quan, ảnh hưởng đến các hộ dân, phải trao đổi với các hộ dân”.

Cửa cuốn nhà 86 Nguyễn Du không thể đóng được nữa! (Ảnh: C.Hiếu)

Vì hàng rào sắt của Công ty Du lịch đã xen vào giữa (Ảnh: C.Hiếu)

Vậy nhưng, sau hơn một năm “đóng băng”, sự vụ trên chưa có dấu hiệu êm đẹp thì Công ty Du lịch bất chấp “lệnh giới nghiêm” của “vòng đàm phán 4 bên” năm 2006, “tập kích” cửa sau nhà 86, 88 Nguyễn Du bằng một hàng rào kiên cố để xác định ranh giới và tiến tới khởi công công trình.

“Ông nói gà, bà nói vịt”!

Bức xúc vì không mở được cửa nhà, một số hạng mục bị đập phá lại không được báo trước, các hộ dân đã kiến nghị lên UBND phường Nguyễn Du.

Theo lý giải của ông Vũ Minh Cường, cán bộ trật tự xây dựng phường Nguyễn Du, việc làm của Công ty Du lịch là “vội vàng”! Vì không chỉ bất chấp biên bản giữa các phường đã thỏa thuận mà còn không hề thông  báo cho các hộ dân biết. Theo luật, khi muốn xây dựng, anh phải công khai thông báo với các hộ liền kề, phải khảo sát xem có công trình ngầm nổi, công trình liên quan để có giá đền bù hoặc hỗ trợ. Đằng này, khi mọi việc chưa rõ ràng, anh đã đi xây tường bịt cửa như thế!

Xem Thêm  Dự kiến tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô

Cột chống để hàng rào càng kiên cố hơn! (Ảnh: C.Hiếu)

Tuy nhiên, do đây là nơi giáp ranh của hai phường (phường Nguyễn Du và phường Trần Hưng Đạo), cũng là giáp ranh của quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng nên phường đã gửi công văn cho quận Hoàn Kiếm, phường Trần Hưng Đạo để phối hợp giải quyết.

Về phía phường Trần Hưng Đạo, Phó Chủ tịch phường, Vũ Tuấn Trung lại không coi hành động là hành vi xây dựng mà chỉ mang tính chất “làm hàng rào”, phục vụ việc xây công trình đã được cấp phép! Hơn nữa, trên mảnh đất ấy không có tranh chấp về quyền sử dụng đất. Phạm vi công trình, hàng rào hoàn toàn nằm trên đất của phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, nên không có gì sai phạm!

Ông Chu Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch khẳng định: “Việc xây dựng hàng rào là để thực hiện chức năng quản lí đất đai được TP giao tại Quyết định 4118 ngày 14/6/2005 nên không việc gì phải thông báo cho các hộ. Trừ khi việc xây dựng có làm gì ảnh hưởng đến mới phải xin phép hộ liền kề”!!!

Ông Thành cũng cho biết, nếu không xây tường bảo vệ thì sẽ bị các hộ này lấn chiếm. Chứ không có lí do gì một cơ quan nhà nước lại đi tranh giành với dân vài mét đất!

Chính quyền không làm hết trách nhiệm?

Theo Công ty Du lịch, thực tế, từ năm 1997, Công ty đã phản ánh việc các hộ dân này đục tường, mở lối đi sang phần đất lưu không của Công ty Du lịch và quận Hai Bà Trưng từng có thông báo cưỡng chế dỡ bỏ các phần mà những hộ 86, 88 Nguyễn Du vi phạm song đến nay vẫn chưa thực hiện.

Ông Chu Ngọc Thành, Phó TGĐ Công ty Du lịch Công đoàn. (Ảnh: C.Hiếu)

Cũng vì thế, ông Thành cho rằng, chính quyền các bên đã không kiên quyết làm tròn trách nhiệm nên dẫn đến cơ sự như hôm nay.

Từ khi có “hội nghị 4 bên” năm 2006 đến nay, các bên cũng không hề ngồi lại với nhau để thỏa thuận.

Theo ông Cường, cán bộ trật tự xây dựng phường Nguyễn Du, tình hình từ sau hội nghị 12/2006 đến trước ngày 17/1/2008 không có gì căng thẳng nên phường cũng coi là tạm ổn!

Còn Phó Chủ tịch phường Trần Hưng Đạo cũng thừa nhận dù hội nghị đó có nói 2 phường sẽ phối hợp với nhau để giải quyết, tránh vụ việc thêm phức tạp nhưng kể từ đó, 2 phường cũng chưa ngồi lại với nhau 1 lần nào khác về việc này!

Dù cả Công ty Du lịch và phường Trần Hưng Đạo không gọi vụ việc này là “tranh chấp” nhưng thực sự, nếu không được các cấp chính quyền liên quan đứng ra giải quyết thì hậu quả của nó rất khó lường! (Theo đơn cầu cứu của các hộ dân, ngày 17/1 Công ty Du lịch có thuê lực lượng bảo kê để “cưỡng chế” các hộ dân và họ cho biết, sẵn sàng “đáp trả” nếu không được chính quyền phân xử công bằng?!)

Theo ông Thành, việc xây hàng rào này không ảnh hưởng gì đến các hộ dân 86, 88 Nguyễn Du nên Công ty ông không việc gì phải thông báo. (Ảnh: C.Hiếu)

Một điều đáng nói nữa, dù là vùng giáp ranh, song chính quyền 2 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đã phân định địa giới rõ ràng. Những hộ dân tại đây là các cán bộ hưu trí của ngành công an, ngoại giao đã sinh sống hàng chục năm qua…

Đó là những yếu tố quan trọng để chính quyền các cấp xác định lý và tình, từ đó phân xử công minh!

 

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn