Tin Tức

“Cò” bao vây Bệnh viện K

Rate this post

Số lượng người bệnh đến khám tại Bệnh viện K đông, tâm lý chung ai cũng muốn nhanh nên đã bị “cò” lợi dụng. Dù bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng đến nay vấn nạn “cò” không những không chấm dứt mà nay còn bùng phát mạnh hơn.

Đứng tràn lan vỉa hè ngay ngoài phòng đón tiếp bệnh nhân khu khám bệnh B, Bệnh viện K (58 Hai Bà Trưng, Hà Nội) – Phòng khám phát hiện sớm ung bướu, đội ngũ hùng hậu gần hai chục phụ nữ tự xưng chuyên đưa dẫn bệnh nhân, hướng dẫn người bệnh hoàn tất các thủ tục khám bệnh, đã tập kết từ sáng sớm và ngang nhiên “gọi mời” người bệnh. Ở đây tôi đã gặp nhiều người đến khám bệnh vì theo “cò” mà mất thời gian, mất tiền oan.

Qua tay “cò”, vẫn chờ cả ngày mới được khám!

“Cò” bệnh viện đã gây mất ANTT nhiều năm nhưng đến nay vấn nạn này vẫn không có cách nào dẹp bỏ được. Dịp cuối năm dân ngoại tỉnh tranh thủ đi khám bệnh nhiều, không người quen, và “lơ mơ” về thủ tục hành chính. Vì vậy, lực lượng “cò” càng thêm cơ hội hoạt động. Thấy người ngang qua là đeo bám, mời chào mua sổ khám bệnh rồi dùng lời ngon ngọt dụ dỗ người bệnh.

7h15″ ngày 11/12, chúng tôi có mặt trước khu khám bệnh B của Bệnh viện K. Chưa kịp gửi xe, một “cò” có dáng người thấp nhỏ, đã túm ngay lấy đầu xe, tay chìa quyển sổ ra mời: “30 nghìn thôi, chị dẫn vào, chờ làm gì cho mệt”.

“Cò” trà trộn vào dòng người đi khám chữa bệnh ở Bệnh viện K.

“Cò” bệnh viện vào dịp cuối năm đông khách nên họ đến sớm hơn để “săn đuổi” con mồi. Khoảng 8h, khu đón tiếp người đến khám bệnh đã tấp nập. Bên trong phòng tiếp đón là 4 nhân viên y tế của viện, có sự giám sát của một nhân viên bảo vệ. Ngay ngoài phòng đón tiếp bệnh nhân, đội quân “cò” có gần hai chục người phụ nữ tuổi từ 20 – 60, tay cầm sổ khám bệnh màu vàng, xanh, đỏ, bút đã tập kết sẵn ở đó. Có người tay cầm túi xách giống như bệnh nhân khiến nhiều người đến khám bị nhầm.

Theo dõi cuộc trao đổi giữa “cò” với bệnh nhân chúng tôi nghe một “cò” nói: “50.000 đồng em giúp bác làm tất cả các thủ tục từ khám bệnh đến xét nghiệm, rất nhanh không phải chờ đợi… làm xong em mới lấy công”. Đa phần người đến khám lần đầu còn đang ngơ ngác chưa biết đi tìm nơi khám ở đâu thì “cò” tiến lại mời mọc, với lời hứa: “Làm xong mới lấy tiền công”.

Ngồi đến gần 11h, tôi gặp chị Trịnh Thị Mai (Nghệ An), ra khám u vú, chị nói: “Ra đến viện tôi được một chị mời mua sổ rồi giới thiệu là người chuyên đưa dẫn bệnh nhân, làm nhanh các thủ tục khám và hướng dẫn người bệnh. Gọi là “làm nhanh” nhưng tôi vẫn phải xếp hàng như mọi người khác, chờ mãi mới thấy đọc đến tên nộp tiền, lấy được số thứ tự”.

Chị Mai kể tiếp: “Lấy tiền xong, chị ta nộp sổ khám bệnh bảo tôi chờ ở đây nộp tiền, sắp đến lượt rồi! Thế mà tôi phải chờ cả buổi sáng gần hết giờ làm việc tôi mới được khám”. Cứ như vậy, đưa bệnh nhân này vào, rồi ra tiếp cận những người mới đến, một buổi sáng “cò” này đã tiếp xúc được với hàng chục bệnh nhân, cũng thu được gần 500.000.

Xem Thêm  Đã có lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chi tiết

Cần mạnh tay xử lý các đối tượng cố tình vi phạm

Bệnh viện K, toàn viện có 2 khu khám bệnh, khu khám bệnh A nằm ở nhà E (43 Quán Sứ) và khu khám bệnh B nằm ở nhà A (58 Hai Bà Trưng), trung bình mỗi ngày khám cho gần nghìn người bệnh. Một số phòng khám chuyên khoa có những hôm phải khám cho 100 – 120 người bệnh. Vào những ngày thứ 2, 3 gần như tại các phòng khám đều quá tải. Số lượng người bệnh đến khám đông, tâm lý chung ai cũng muốn nhanh nên đã bị “cò” lợi dụng. Dù bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng đến nay vấn nạn “cò” không những không chấm dứt mà nay còn bùng phát mạnh hơn.

Chỉ có thể xử lý “cò” nếu họ tràn vào trong viện, còn bên ngoài đường Hai Bà Trưng, Quán Sứ thì  không có chức năng giải quyết, mà do địa phương quản lý.

Anh Lê Văn Tiến, vệ sĩ Bệnh viện K, cho biết: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ ngăn chặn không để những người dẫn mối chuyên nghiệp bước chân được vào trong viện. Thời gian qua, “cò” không thể lọt vào trong viện được nữa. Còn sự nhũng nhiễu của đội ngũ “cò” khu vực ngoài cổng viện, chúng tôi không thể can thiệp được”.

Theo quan sát, các “cò” bệnh viện ở đây đều hoạt động công khai, đi lại ung dung ngay trước phòng đăng ký khám. Chỉ tính riêng tại khu khám bệnh B của Bệnh viện K đã có gần 20 “cò” dẫn mối. Tại cổng chính bệnh viện có loa và bảng thông báo, nhưng vấn đề là người lần đầu tiên đến thì chưa nghe kịp, chưa đọc kịp, mới lại gửi xe đã “dính” phải vòng vây “cò”.

Bức xúc vì “cò” bệnh viện, chị Hoàng Thị Hà đang điều trị ung thư vú ở viện gần 2 năm nói: “Lần đầu tiên tôi đến khám cũng bị mấy người đó dẫn dụ. Chờ cả ngày không được khám thế là mất oan năm chục. Biết đến bao giờ người khám bệnh thoát được vòng vây quấy nhiễu của những tay “cò” bệnh viện?”. Bệnh viện cũng đã có những biện pháp phối kết hợp với chính quyền địa phương nhưng chỉ hạn chế được phần nào chứ không thể trị được tận gốc nạn “cò” mồi.

Hiện nay, vấn nạn “cò” hoạt động bên trong bệnh viện đã hạn chế đáng kể. Nhưng làm sao để dẹp được nạn “cò” đứng tràn lan ngoài mới là điều đáng bàn. Để bảo vệ người bệnh yên tâm mỗi khi đến bệnh viện, địa phương, cơ quan chức năng cần phải mạnh tay xử lý các đối tượng cố tình vi phạm, lợi dụng tâm lý người bệnh, dở thủ đoạn lừa bịp

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn