Chuyện người vừa thoát án tử hình
Sau những phút giây nghẹt thở chờ đợi, cuối cùng Hội đồng Xét xử (HĐXX) cũng tuyên án. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa án sơ thẩm, tuyên bị cáo phạm tội “Giết người” và chịu hình phạt tù chung thân
Thoát án tử hình trong gang tấc, Nguyễn Khánh Hùng (SN 1985) đứng ngây người hồi lâu, cho đến khi chiếc còng số 8 bập vào tay lạnh buốt, hắn mới bừng tỉnh bước theo người công an dẫn giải. Tôi thoáng thấy một chút mừng vui lóe lên trong đôi mắt Hùng.
Vâng, là con người, mấy ai không run sợ trước cái chết? Mừng cho Hùng. Nhưng lại thấy tiếc và đau một điều, dù sợ chết, không ít người (như Hùng) tự cho mình cái quyền tước đi sinh mạng của người khác một cách vô lối, tàn ác để rồi phải trả giá.
Thiếu nợ tiền nhà nhiều tháng, đến hẹn vẫn chưa có 1.200.000 đồng để trả, Hùng nảy sinh ý định giết chị T.T.M.D để cướp tài sản. Khoảng 21 giờ ngày 10-8 -2006, Hùng đến phòng trọ chị D. chơi, nói chuyện một lúc, Hùng bất ngờ bóp cổ, đập đầu chị D. vào tường. Khi chị D bất tỉnh, Hùng lấy điện thoại di động, 1 nhẫn vàng rồi dùng áo mưa quấn chị D. lại để lên xe Wave chở ra cầu Bình Triệu ném xuống sông Sài Gòn.
Sau đó, Hùng về phòng trọ ngủ. Sáng hôm sau, Hùng đem bán điện thoại di động, nhẫn vàng, còn chiếc xe cướp được vì không có giấy tờ, không ai mua, Hùng đem về giấu ở nhà trọ. Một ngày sau, Hùng bị bắt.
Bản cáo trạng làm người nghe không khỏi rùng mình ghê sợ. Chẳng thể nào hiểu được vì sao chỉ cần có 1.200.000 đồng trả nợ mà Hùng lại có thể nhẫn tâm, lạnh lùng cướp đi mạng sống của một người vô tội như thế? Trước vành móng ngựa, trông Hùng thật đơn độc, lẻ loi và cam chịu trước cái nhìn căm phẫn của gia đình nạn nhân. Không quanh co chối tội, Hùng chậm rãi, khẽ khàng kể lại tội ác của mình và xin HĐXX, gia đình bị hại lượng thứ.
Luật sư bào chữa cho Hùng nói, nợ nần thúc bách, bị doạ đuổi ra khỏi phòng trọ đã khiến cho Hùng quẫn trí làm bậy. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn vẫn là thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của gia đình.
Hùng có cha mẹ và họ đã ly hôn từ khi Hùng còn rất nhỏ. Mỗi người có một gia đình riêng. Năm ba bữa Hùng đến ở nhà cha và mẹ kế; vài ba ngày Hùng tá túc nhà mẹ và cha dượng. Cứ như thế, Hùng lay lắt sống trong cảnh thiếu tình thương yêu đầm ấm của một gia đình đúng nghĩa.
Cho đến một ngày, không chịu đựng được sự ghẻ lạnh của gia đình, Hùng tự tìm cách giải thoát. 10 tuổi, Hùng bỏ nhà ra đi, bắt đầu một hành trình mưu sinh đầy nhọc nhằn, nguy hiểm. Lăn lộn với đủ thứ nghề trên đường phố, cuối cùng Hùng cũng dành dụm ít vốn liếng đi học may. Ra nghề, Hùng quyết định chọn TPHCM làm nơi lập nghiệp.
Thế nhưng, một người được trang bị đầy đủ kỹ năng sống, nghề nghiệp, trình độ mà đôi khi vào đời vẫn bước đi chệnh choạng, vấp ngã, huống chi Hùng? Trình độ học vấn lớp 4, thiếu vắng tình thương gia đình, thiếu bản lĩnh, khi đối diện với những khó khăn, ngặt nghèo của cuộc sống, phạm tội có lẽ là điều khó tránh khỏi.
Đáng buồn là, từ khi bị bắt cho đến khi đối diện với bản án tử hình và ra Tòa Phúc thẩm hôm nay, không có một người thân nào bên Hùng, dù họ sống không xa thành phố này là bao. Hùng đã hoàn toàn bị bỏ rơi.
Kết thúc phiên tòa, luật sư bào chữa đã thay mặt Hùng đến xin lỗi gia đình bị hại. Không giấu vẻ bất bình, mẹ chị D. nói: “Con người đâu phải là con ve, cái kiến mà muốn giết thì giết? Tại sao người với người mà chẳng thương yêu nhau? Mấy chục năm nuôi con, bây giờ nó chết oan uổng như vậy, tiền nào bồi thường cho đủ? Tôi hận nhất là, con tôi chết rồi nhưng cha mẹ Hùng không một lần đến thắp nén nhang hay sẻ chia, thăm hỏi gia đình tôi.
Phải tử hình nó thì mới xứng với tội ác mà nó đã gây ra…”. Tôi hiểu nỗi đau của người mẹ mất con là không gì có thể bù đắp nổi. Tôi cũng hiểu tha thứ cho tội ác cũng là tội ác. Lý là vậy. Nhưng vẫn cần một chút tình. Bởi “không có thanh củi nào mà không có khói, không có người nào không mắc phải sai lầm”, nhất là khi người ta còn quá trẻ.
Đó cũng là một trong những lý do mà HĐXX đã tuyên sửa án sơ thẩm để cho Hùng một cơ hội sống và sửa chữa lỗi lầm. Dù rằng bản án được tuyên, đối với gia đình nạn nhân là một thiệt thòi. Nhưng với Hùng, tù chung thân cũng là một đòn đau nhớ đời.
Thủ tục pháp luật