Chuồng nhốt hổ vồ chết người chưa có quy chuẩn an toàn
Đến khi xảy ra sự cố hổ vồ chết người ở Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), cơ quan chức năng “tiết lộ”: “Chưa có quy chuẩn xây dựng chuồng trại nuôi nhốt thú”.
>> Hổ cắn chết người ở vườn thú Khu du lịch Đại Nam
“Chưa có quy chuẩn!”
Đó là khẳng định của ông Thái Truyền, Phó Giám đốc Cơ quan kiểm lâm vùng III tại buổi làm việc sáng 11/9 tại Khu du lịch Lịch sử Vạn cảnh Đại Nam Văn hiến (gọi tắt là Đại Nam). Cũng theo ông Truyền, đây chính là nguyên nhân gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của ngành kiểm lâm trong thời gian qua.
“Trong tháng 10 tới đây, sẽ có cuộc thẩm định lại phương án xây dựng nuôi các loài động vật hoang dã, trong đó có hổ nuôi tại khu du lịch Đại Nam… Chúng tôi sẽ tập trung vào các điều kiện an toàn cho cả người nuôi lẫn du khách tham quan, nhất là sau khi sự cố này xảy ra” – ông Truyền nói.
Tường rào nơi con hổ nhảy ra và vồ chết anh Danh. Ảnh: Tử Trực |
Theo ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, hiện tại 3 đơn vị được phép nuôi hổ thí điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương gồm có: Công ty Thái Bình Dương- Pacific (Dĩ An) có 31 con hổ, Khu du lịch Thanh Cảnh (Thuận An) 9 con và Khu du lịch Đại Nam (thị xã Thủ Dầu Một) 18 con. Đối với những trường hợp này, ông Nguyên nói đều do chủ đầu tư tự xây dựng phương án sau đó trình cơ quan chức năng đánh giá, phê duyệt.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietNamNet, vào 6/2009, Hội đồng đánh giá gồm đại diện các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã đến kiểm tra và có ý kiến kết luận đánh giá phương án xây dựng các chuồng trại nuôi hổ ở Đại Nam là chưa tập trung nhiều vào các điền kiện và yếu tố an toàn.
Lời kể của người thoát khỏi móng vuốt hổ dữ
Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Giàu (21 tuổi), cán bộ thú y của vườn thú và các nhân chứng cùng làm việc trong buổi chiều xảy ra sự việc: khi con hổ Đông Dương trưởng thành (trọng lượng khoảng 200kg) bất ngờ nhảy bổ sang khu vực nhóm nhân viên đang làm việc.
Anh Giàu cứ ngỡ là hổ nghe lời như mọi khi. Thế nhưng, bất ngờ con hổ đã nhảy bổ vào người anh và dùng hai chân trước cấu mạnh vào đầu anh liên tục. Hai nhân viên khác dùng gậy xông vào đánh hổ nhưng hổ vẫn không chịu thả nạn nhân ra và càng tấn công hung bạo hơn.
Trước đó, nạn nhân Nguyễn Công Danh (47 tuổi, người bị hổ vồ chết) từng nhảy xuống nước để ẩn nấp nhưng thấy các đồng nghiệp phía trên đang chống trả lại hổ quyết liệt, anh cũng lao lên tiếp ứng. Con hổ liền chuyển hướng tấn công anh Danh. Anh Danh vội tháo chạy nhưng hổ đã nhảy vồ trúng người anh và dùng nanh vuốt cấu xé khiến anh tử vong tại chỗ.
Ông Dương Thành Phi, Giám đốc vườn thú, Khu du lịch Đại Nam nói: “Sẽ cho nhốt con hổ cắn chết người vĩnh viễn”. Ảnh: Tử Trực |
Chiều 11/9, tại khu hậu phẫu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, anh Giàu (người may mắn sống sót) vẫn chưa hết vẻ hốt hoảng. Nằm bất động với những vết thương nặng ở vùng đầu và ngực, anh Giàu thều thào: “Tôi không nghĩ là mình còn sống đến giờ này”.
Câu đầu tiên khi tỉnh dậy là anh hỏi thăm tình hình sức khỏe của những anh em đồng nghiệp, nạn nhân của hổ dữ vào buổi chiều kinh hoàng 10/9. Đôi mắt anh rưng rưng khi nghe kể về người đồng nghiệp đã bị hổ vồ chết.
Bác sĩ Hoàng Văn Diệu, Trưởng khoa Phẫu thuật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, hiện anh Giàu đã qua cơn nguy kịch và sức khoẻ đang hồi phục tốt. Bác sĩ Diệu nói, anh Diệu thoát chết là một may mắn lớn vì vết cắn của hổ làm bệnh nhân bị thủng hộp sọ, gây tổn thương não. Anh Giàu đã phải trải qua hai ca phẫu thuật não và phẫu thuật tai, mũi, họng để chữa trị những vết thương do hổ gây ra.
Thủ tục pháp luật