Tin Tức

Chợ “thần dược” cày nát Thiên Cấm Sơn

Rate this post

Được ví như Đà Lạt thứ hai, vùng núi Cấm – hay Thiên Cấm Sơn (huyện Tịnh Biên, An Giang) – còn được nhiều người biết đến như là chợ dược liệu khổng lồ với những loại thảo dược được đồn thổi là “thần dược” độc nhất vô nhị.  

Hạ tuần tháng 7, chúng tôi đến Thiên Cấm Sơn và  ngay lập tức lạc vào mê hồn trận.

Thập toàn đại bổ giá chỉ 20.000 đồng

Trên đường vào núi Cấm, chỉ leo qua vài bậc đá là khách đường xa đã lọt vào trùng trùng lớp lớp biển quảng cáo “Thuốc gia truyền, trị bá bệnh” được treo dày đặc, lủng lẳng hai bên đường của đủ thứ loại thầy bà: Thuốc trị thần kinh tọa, thuốc chữa viêm xoang, suy thận, suy gan, ho ra máu, trị nám, tàn nhang, ho huyễn, khò khè, thúi tai, thuốc phục vụ nhu cầu sinh lý của các ông, thuốc tráng dương cường âm…

Ma hồn trận các loại cây thuốc

Theo như quảng cáo của các chủ quầy thì tất tần tật bách bệnh trên đời này, họ đều có thuốc trị, mà thuốc thần đều có giá rẻ bèo, từ  dăm ba ngàn, cao lắm là 20.000 đồng cho một thang thuốc thập toàn đại bổ.

Tại quầy “thần dược” của một phụ nữ luống tuổi tên Hai, nghe tôi rụt rè hỏi: “Có thuốc nào uống vào biến yếu thành mạnh không?”, chị Hai cười khì khì rồi nổ một tràng: “Tội nghiệp em chị chưa, may mà gặp chị đó nghen, em lấy cái này nè, tập trung đủ thứ quỷ khóc thần sầu, chỉ cầu ngâm rượu uống vào đúng 2 tháng là đảm bảo vợ… lạy em luôn”.

Tiếp tục dấn bước, chúng tôi gặp cảnh đội ngũ bán nước mời mọc giải khát bằng một ly sâm với lời quảng cáo: “Chỉ có ngàn đồng một ly / Uống xong đã thấy mạnh khì như trâu”.

Nhìn mấy ông bà khách thi nhau uống nước sâm núi giá bèo, người đàn ông ở quán nước ven đường bảo nhỏ: “Uống vào coi chừng banh ruột đó nghen. Làm gì có chuỵên nước sâm chỉ ngàn đồng một ly bao giờ, toàn đường hóa học không đó…

Cây thuốc đã sơ chế (trái) và các bọc cao đơn đã được bào chế

Uống nước suối tốt hơn, nước này được lấy từ thượng nguồn suối Thanh Long, nơi có nhiều loại thần dược sinh sống nên tốt lắm đó, chỉ có 2000 đồng một chai hà!”.

Tại nhiều quầy “thần dược” khác, cũng với màn hỏi han “có thuốc sung không?”, chúng tôi được các chủ quầy sởi lởi mời làm một ly “cường dương” miễn phí.

Ấn tượng nhất là chuyện không ít bà thầy quảng cáo “Thuốc trừ tà, đảm bảo xịn trăm phần trăm”. Tôi hỏi một bà thầy tên Tư: “Bệnh tà là gì?” thì được trả lời: “Là đang bình thường chú bỗng nổi cơn nói xàm, lúc cười khi khóc cả ngày đó!?”.

Xem Thêm  Đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an

Hôm đó, có rất nhiều khách hành hương đã hoan hỉ rinh cho mình đủ thứ “thần dược” về làm quà mà chẳng bận tâm đến chuyện trên nhãn của từng thang “thần dược” chẳng tìm thấy đâu xuất xứ, ngày tháng bào chế, liều lượng, thời gian sử dụng, tên tuổi danh y…

Thuốc xoàng xĩnh còn khó kiếm

Thần y Ba Lưới (Nguyễn Văn Lưới) là một trong những cư dân có mặt sớm nhất trên ngọn núi này hành nghề khai thác thuốc Nam và trị bệnh cho bà con trong vùng, được cư dân địa phương suy tôn là “thần y”. Ông cũng là , là một trong ba vị “thần y” ở Núi Cấm có giấy phép hành nghề bốc thuốc khám chữa bệnh.

Ông Ba Lưới cho biết, Thiên Cấm Sơn trước kia là vùng rừng rậm hoang vu có nhiều loại độc thú như rắn hổ mây, cọp… và đặc biệt là các loài thuốc quí hiếm.

Cách nhà thầy Ba khoảng 500 bước chân, Khang, dân tầm thuốc chuyên nghiệp, tự hào cho biết mình chính là đầu mối cung cứng hàng cho chợ thảo dược ở dưới chân núi Cấm.

“Thần y” Ba Lưới

“Trước tui toàn kiếm loại hàng độc như sâm, ngải nhưng bây giờ thuốc cạn, đành sống bằng nghề kiếm các loại thuốc thông thường như hương nhu, vòi voi, sài đất, mã đề, kinh giới… Nhưng mấy loại thuốc xoàng xĩnh đó giờ muốn hái được cũng phải vất vả lắm. Phải đi ngày càng sâu vô rừng với nhiều hiểm nguy rình rập, lắm khi lầm đường lạc lối, đói ăn, đói uống” – Khang thú thật.

Đồng nghiệp với Khang là Hải, góp lời: “Khi hái các loại như nhãn lồng, hoắc hương chỉ việc bứt lá nhưng có những loại như muồng trâu, dâu tằm ăn, đỗ trọng phải dùng dao chặt lấy thân. Lại có thứ phải đào lấy củ, rễ như các loại sâm, ngải.

Hái xong rồi lại phải sơ chế cắt sao mới có thể đem bỏ mối cho chợ thuốc hoặc bán trực tiếp cho khách hành hương”.

“Thần y” Ba Lưới sau khi liệt kê một số loài thảo dược quý hiện gần như vắng bóng ở Thất Sơn như các loại sâm, ngải, dây điển núi… đã bất bình: “Phần đông những người lấy thuốc đều không phải là thầy thuốc, không hiểu được cặn kẽ dược tính của từng loại, ý thức lại kém nên dây thuốc lớn họ chẳng từ, nhỏ cũng chẳng tha, chính vì vậy mà cây thuốc núi ngày càng vắng bóng”.

Hiện nay, đội quân tầm thảo dược chưa vào mùa hái lượm nhưng mỗi ngày cũng có hàng trăm người sục sạo, hết lên vồ lại xuống ảng khắp các núi Bà Đội, Ông Két, núi Tô, núi Dài, núi Cấm… trong dãy Thất Sơn ruồng thuốc.

“Vài tháng nữa trời mưa, khí trời mát mẻ, cây thuốc phát triển mạnh. Lúc đó mấy chú lên đây sẽ thấy người ta hè nhau đi hái thuốc đông như hội. Dữ dội lắm!”
– “thần y” Ba Lưới giọng buồn rười rượi. 

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn