Tin Tức

Chính quyền bối rối khi xử lý

Rate this post

Nhiều năm qua, ở khu vực phố Tây (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) hoạt động chăn dắt trẻ em, người già xin ăn lẫn chuyện bồng bế buôn bán nhếch nhác vẫn tiếp diễn. Báo Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn bà Đỗ Phương Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão về thực trạng này.

Kiểm tra, xử lý nhưng…

. Thưa bà, gần đây chuyện chăn dắt trẻ em, người già đang được nhiều người quan tâm, phản ứng kịch liệt. Vậy UBND phường Phạm Ngũ Lão có biết trên địa bàn của mình cũng xuất hiện những tình trạng như thế không?

+ Chuyện trẻ em, người già lang thang ăn xin trên địa bàn xuất hiện từ nhiều năm nay, UBND phường và tôi đều biết, chúng tôi đã nhiều lần xử lý. Riêng các trường hợp chăn dắt trẻ em, người già để thu lợi bất chính, chúng tôi từng bắt tận tay nhưng việc xử lý lại gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như có lần công an khu vực bắt về phường bốn người có liên quan đến chăn dắt trẻ em xin ăn. Trong số bốn người đó thì ba người chỉ bị yêu cầu viết tường trình. Sau khi được nhắc nhở, họ hứa không đưa các em đi xin ăn nữa nên được cho về.

Với người chăn dắt hai em nhỏ, UBND phường đề xuất xử phạt hành chính vì trường hợp này đã tái phạm nhiều lần. Tuy nhiên, khi hỏi hai em nhỏ, cả hai đều khai là cháu vợ người chăn dắt. Cả ba người lại không có giấy tờ tùy thân nên cuối cùng do không thể phạt, chúng tôi phải thả ra.

Đích đến của đứa bé chưa đầy ba tuổi này là những thực khách ở tầng hai. Sau lưng bé, những người lớn đang chực chờ để thu tiền.

. Vậy địa phương đã xử lý như thế nào, thưa bà?

+ Chúng tôi đã phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành và các đoàn thể của phường thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát các đối tượng này. Bên cạnh đó, phường còn tổ chức nhiều đợt thu gom, lập hồ sơ để chuyển lên các cấp cao hơn. Từ đầu năm 2009 tới nay, phường đã lập hồ sơ xử lý trên 250 đối tượng, trong đó có 64 trường hợp nghiện ma túy, còn lại là phụ nữ, trẻ em, người già lang thang xin ăn.

Thẩm quyền của phường có hạn

. Đã xử lý nhiều nhưng theo bà, vì sao vẫn không triệt để?

+ Thẩm quyền của phường có hạn nên không làm được hơn. Có trường hợp tối nay thu gom thì tối mai lại xuất hiện. Hay những trường hợp có giấy tờ hợp lệ, có người thân bảo lãnh thì chính quyền đành chịu thua. Thậm chí có tổ chức còn thành lập nhóm Thảo Đàn, cho người trà trộn vào các nhóm xin ăn để giúp các em trở về quê hay dạy chữ giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội song cũng chưa có tác động nhiều.

Xem Thêm  Báo cáo tình hình chuẩn bị Tết Nguyên đán Canh Dần 2010

. Vậy khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”?

+ Đúng vậy. Đa phần những người ăn xin trong khu vực này đều không có giấy tờ tùy thân. Có những trường hợp thu gom về đã ra quyết định nộp phạt nhưng họ không đến đóng. Phường thường không giữ được giấy tờ gì của họ. Thỉnh thoảng giữ lại được CMND nhưng họ cũng bỏ luôn. Bắt họ được một ngày rồi cũng phải thả ra. Có nhiều trường hợp các em được gửi vào trung tâm để học hành nhưng sau vài ngày lại trốn ra. Quan trọng nhất là ý thức của các em và gia đình.

. Không lẽ chính quyền chịu thua, thưa bà?

+ Trách nhiệm tới đâu, chúng tôi sẽ xử lý tới đó. Chỉ có điều lực lượng quá mỏng, quyền hạn của phường lại hạn chế nên chúng tôi không thể xử lý triệt để. Bên cạnh đó, những đối tượng trên đều quen mặt anh em làm trong phường, trong tổ dân phố. Chỉ cần nhác thấy bóng anh em xuất hiện là họ lảng đi ngay. Những lớp học từ thiện thường xuyên được nhóm Thảo Đàn tổ chức tại công viên. Phường cũng tạo điều kiện để các em được vào học trong nhà văn hóa của khu phố 2. Một tuần tổ chức dạy được vài buổi nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.

. Xin cảm ơn bà.

Sẽ điều tra vụ con đưa mẹ 80 tuổi đi xin ăn



Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh về việc một thanh niên đưa bà cụ gần 80 tuổi đi xin ăn đang tạm trú trên địa bàn, 23 giờ ngày 13-11, Trung tá Lê Thanh Hòa (ảnh), Trưởng Công an phường 2, quận 4, đã tổ chức lực lượng phục kích ở chợ Cầu Dừa để kiểm tra đột xuất ngay sau khi chiếc xe chở hai “mẹ con” về. Tại cơ quan công an, người thanh niên khai tên Nguyễn Văn Tòng (sinh năm 1976), đưa mẹ mình là cụ Lê Thị Thợm (sinh năm 1932), từ quê ở Thanh Hóa vào TP.HCM xin ăn từ năm 2003. Tuy nhiên, lời khai của hai “mẹ con” có nhiều mâu thuẫn.

Trung tá Lê Thanh Hòa nhận định: “Đây là một trường hợp khá phức tạp vì cả hai đều thiếu giấy tờ để chứng minh mối quan hệ của nhau. Trước mắt, chúng tôi sẽ xác minh xem họ có phải là mẹ con, sau đó mới xác minh xem giữa họ có tình trạng chăn dắt ăn xin không rồi mới chuyển lên các cấp có thẩm quyền để xử lý. Dẫu sao việc đưa một người gần 80 tuổi đi xin ăn suốt đêm cũng là vi phạm đạo đức, bóc lột sức lao động của người già. Huống gì đưa mẹ của mình đi xin ăn”.

Việc xác minh, xử lý các vụ việc liên quan đến chăn dắt trẻ em, người già hiện gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do các em không dám khai vì sợ kẻ chăn dắt trả thù, một phần do các em chưa ý thức được sự việc nên chỉ cần người thân hay ai đó rủ đi xin ăn là đi theo. Bên cạnh đó, việc xử lý các trường hợp chăn dắt ở nhiều địa phương vẫn còn lúng túng. Bắt được tận tay nhưng xử lý như thế nào cho thỏa đáng thì mỗi nơi làm một kiểu.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn