Cấp mới giấy phép karaoke, vũ trường
Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) vừa trình Chính phủ dự thảo quy chế về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, kèm dự thảo nghị định. Theo đó, Bộ kiến nghị cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.
Vì bị động nên trước đây mới ngừng cấp phép
Chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Anh Tuyến – Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ VH-TT-DL) – một trong những người soạn dự thảo.
– Chỉ thị 17 (ngày 25.5.2005) của Chính phủ về việc tạm ngừng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường để rà soát, chấn chỉnh vẫn còn hiệu lực. Vậy, đề xuất cấp mới giấy phép karaoke, vũ trường của Bộ VH-TT-DL căn cứ trên cơ sở nào?
![]() |
Dự thảo mới bỏ quy định cấm khiêu vũ trong phòng karaoke – (Ảnh: Đ.N.Thạch) |
– Cho đến nay, karaoke, vũ trường vẫn là lĩnh vực hạn chế kinh doanh, và không được khuyến khích bởi nó luôn tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực. Tuy nhiên, thực tế, karaoke, vũ trường vẫn đáp ứng một phần nhu cầu xã hội. Chỉ thị 17 ban hành từ năm 2005, đến nay đã hơn 4 năm. Những chủ thể kinh doanh không phù hợp cũng đã không được phép hoạt động, trong khi đó, một số địa phương thực sự có nhu cầu thì không được cấp phép. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của 11 sở VH-TT-DL tại TP.HCM, và tất cả đại biểu tham dự đều đồng thuận đề xuất kiến nghị cấp mới giấy phép cho karaoke.
Hơn nữa, cũng căn cứ vào tình hình thực tế là thời gian gần đây, với quyết tâm của các ngành, các cấp, số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến karaoke, vũ trường đã bị đẩy lùi.
– Nhưng tiêu cực bị đẩy lùi không có nghĩa là môi trường karaoke, vũ trường ở tất cả các cơ sở đã thực sự lành mạnh. Vậy, cơ quan quản lý có biện pháp gì để giám sát, quản lý khi mở cửa trở lại các hoạt động này?
– Tất nhiên, tệ nạn xã hội, số vụ việc vi phạm trong hoạt động karaoke, vũ trường có giảm, nhưng không có nghĩa là vi phạm đã hết. Mà tính trên tổng thể chung của toàn xã hội thì karaoke cũng không phải chỉ là lĩnh vực duy nhất phát sinh tệ nạn, tiêu cực. Tất nhiên, không thể lạc quan quá sớm vì nếu không có thái độ kiên quyết thì tiêu cực sẽ rất dễ bùng phát trở lại. Trong “cuộc chiến” này, đôi lúc chúng ta bị động, và vì bị động nên mới ngừng cấp phép để quản lý cho tốt. Trước mắt, khi cấp mới giấy phép hoạt động karaoke, vũ trường, địa phương nào, cơ sở kinh doanh nào vi phạm sẽ bị xử phạt.
-Những cơ sở karaoke, vũ trường được cấp mới giấy phép kinh doanh phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì, thưa ông?
– Cấp mới giấy phép kinh doanh phải căn cứ vào việc cơ sở đó có đáp ứng đầy đủ những điều kiện do Chính phủ quy định hay không và phải phù hợp với quy hoạch cụ thể của địa phương (hiện đã có 50 địa phương trên cả nước phê duyệt quy hoạch karaoke, vũ trường – PV).
– Vì sao dự thảo chỉ cho phép khách sạn 4 – 5 sao được hoạt động karaoke, vũ trường sau 12 giờ đêm và đóng cửa vào lúc 2 giờ sáng hôm sau?
– Sở dĩ chỉ có khách sạn 4 – 5 sao được hoạt động karaoke, vũ trường sau 12 giờ đêm là vì quy mô, trình độ quản lý của những khách sạn này cao hơn khách sạn 3, 2 và 1 sao. Mặt khác, lực lượng quản lý và năng lực quản lý của chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu quản lý đối với 130 khách sạn 4 – 5 sao trên cả nước. Nếu chỉ “cho” 4 – 5 sao thì sắp tới, khi số khách sạn 4 – 5 sao tăng lên, chúng tôi vẫn có thể quản lý được.
![]() |
Ông Lê Anh Tuyến |
Không cấm khiêu vũ khi hát karaoke
– Sau khi dư luận phản đối, Cục đã thay đổi quy định cấm khiêu vũ trong phòng karaoke trong dự thảo lần trước…
– Xung quanh quy định cấm khiêu vũ trong phòng karaoke trong dự thảo lần trước, có một số người suy diễn hơi cực đoan, trong khi ý của chúng tôi là muốn nhấn mạnh karaoke và khiêu vũ là hai hoạt động khác nhau, đòi hỏi những yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn, muốn mua hàng thì bạn phải vào chợ chứ không phải mua hàng rong trên hè phố, vì hè phố là nơi dành cho giao thông. Tuy nhiên, chúng tôi luôn lắng nghe mọi ý kiến đóng góp và thấy rằng nên quy định lại cho rõ và cụ thể hơn. Vì vậy, điều khoản cấm khiêu vũ trong phòng karaoke trong dự thảo trước đã được thay bằng quy định “chỉ được kinh doanh khiêu vũ tại những địa điểm có đủ điều kiện” trong dự thảo mới.
– Dự thảo quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng đã phải sửa đi sửa lại nhiều lần, phải chăng tính dự báo trong các văn bản của chúng ta quá yếu?
– Sở dĩ chúng tôi phải sửa đi sửa lại là vì cố gắng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cái cụ thể, riêng và cái chung, cái khái quát, vì một văn bản mà quá khái quát thì không thể thực hiện được, mà quá cụ thể thì lại dễ gây tranh cãi. Văn bản pháp luật phải có tính răn đe bằng các chế tài cụ thể, nhưng rất khó có tính dự báo. Tính dự báo của văn bản pháp luật không giống như khoa học bởi văn bản pháp luật điều chỉnh, khái quát những hành vi nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Như vậy, nếu luật pháp phù hợp thì sẽ thúc đẩy xã hội phát triển, và ngược lại, xã hội phát triển sẽ khiến văn bản pháp luật trở nên lạc hậu, đòi hỏi phải sửa lại. Thực tế, các nước phát triển cũng đã không ít lần phải sửa luật.
Thủ tục pháp luật