Cảnh quay nữ sinh hành hung tập thể ngày càng công phu
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng khoa Quản lý giáo dục, ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, dư luận xã hội lên tiếng lo ngại trước sự đa dạng và mức độ nguy hiểm của bạo lực học đường.
Nữ sinh “lột trần” nhau rồi mới thôi
Clip đánh nhau đầu tiên gây xôn xao cư dân mạng, đó là đoạn phim đánh hội đồng của một nhóm nữ sinh THPT tại Hà Nội được tung lên mạng… vào tháng 4/2007.
Nguyên nhân của vụ đánh nhau này là do nhóm nữ sinh nghe phong thanh đâu đó người chửi nhóm mình. Vì thế, đợi nạn nhân xuất hiện tại khu vực gần trường lúc tan học, nhóm học sinh khoảng 5-6 người đã chặn xe và đòi nói chuyện thẳng thắn.
Một vụ nữ sinh đánh nhau ở Lạng Sơn. (Ảnh: NLĐ.) |
Đoạn phim được quay khá chuyên nghiệp. Từ nét mặt lạnh lùng của nhóm nữ sinh đến khuôn mặt ngơ ngác của nạn nhân, thái độ bàng quan của người qua đường hay sự hứng thú của những học sinh trực tiếp chứng kiến.
Đến 22/5/2008, nhóm nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Nông nghiệp Hà Nội (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) lại gây sốc với đoạn clip dài gần 7 phút quay cảnh một nữ sinh tên Huyền bị bạn gái túm tóc, đánh đập… trong khi hàng chục học sinh đứng ngoài hò hét cổ vũ, lấy điện thoại di động ra ghi lại hình ảnh này. Sự việc chỉ dừng lại khi có một số nữ sinh khác chạy ra che chắn cho bạn.
Trưa ngày 18/8/2008, cư dân mạng Việt Nam giật mình vì 1 video clip của các nữ sinh ở Lào Cai đánh hội đồng 1 nữ sinh khác. Vụ việc gây chấn động bởi nạn nhân không chỉ bị đấm, đạp, giật tóc, tát mà còn bị lột trần rồi quay video tung lên mạng.
Theo đoạn clip này thì nạn nhân bị đánh vì đã nói xấu bạn bè trước mặt “mấy anh” có vẻ như là bạn trai của cả đám. Ở bên ngoài các nam sinh đứng ngoài cổ vũ, hò hét và tỏ ra hứng thú khi quay lại được cảnh nạn nhân bị lột trần giữa đường.
Đến ngày 24/3/2009, em Nguyễn Thị Thu Huệ, học sinh lớp 8/2 (Trường THCS Thuỷ Phương, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên – Huế) đã lôi em Lê Thị Ni Ni học sinh lớp 8/5 cùng trường vào phòng vệ sinh dùng guốc đánh bầm mặt vì Ni đã chửi em trai của Huệ. Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 28/3, lợi dụng giáo viên chưa đến lớp, một nhóm học sinh gồm 4 nữ và 2 nam xông vào lớp em Ni dùng dép, guốc đánh em Ni ngất xỉu.
Gần đây nhất, sáng ngày 17/9/2009, em Dương Thị Thu, học sinh lớp 11K12, trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Kỳ Anh đã bị 12 bạn học cùng trường xông vào chửi, tát vào mặt và bắt Thu quỳ xuống đất xin lỗi chỉ vì nghi ngờ Thu nói xấu 1 người trong nhóm.
Cuộc tra tấn kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ và chỉ dừng lại khi một người dân phát hiện sự việc và đứng ra can ngăn. Nhóm “nữ quái” bỏ đi, Thu đã được chuyển đến điều trị tại Trạm xá xã Kỳ Bắc với nhiều vết bầm tím ở mặt.
Đánh nhau mới khẳng định được cái tôi
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng khoa Quản lý giáo dục, ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, dư luận xã hội lên tiếng lo ngại trước sự đa dạng và mức độ nguy hiểm của bạo lực học đường.
Từ bạo lực của giáo viên đối với học sinh và bạo lực ngược (học sinh đánh, chửi thầy, cô giáo), đến bạo lực giữa học sinh với nhau. Tình trạng bạo lực học đường hiện nay đã trở thành vấn đề không chỉ của riêng ngành giáo dục mà là của toàn xã hội, khi mức độ ảnh hưởng của nó ngày càng lan rộng và hậu quả khá nghiêm trọng.
Tình trạng bạo lực học đường diễn ra không chỉ ở những thành phố lớn, mà phổ biến trên khắp các tỉnh thành cả nước. Đặc biệt, gần đây, hình ảnh nữ sinh đánh nhau cũng liên tục được phát tán trên internet.
Nguyên nhân mà TS Bảo đưa ra là sự thiếu quan tâm của cha mẹ và bạo hành trong gia đình. Các bậc phụ huynh vì những lý do khác nhau nên ít quan tâm đến đời sống tâm lý của con cái ở độ tuổi THPT – tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý khiến các em có thể thấy cô đơn, ngay trong ngôi nhà vốn được coi là tổ ấm gia đình.
Để xảy ra tình trạng bạo lực học đường gia tăng như trong thời gia qua, theo TS Bảo lỗi một phần là do các nhà quản lý giáo dục buông lỏng quản lý học sinh. Lãnh đạo nhiều trường thậm chí còn không biết học sinh trường mình đánh nhau hoặc biết thì cũng không có biện pháp nào can thiệp vì cho rằng xảy ra ngoài phạm vi trường học.
Còn theo TS Vũ Thị Sơn, Viện nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư Phạm Hà Nội thì, là lứa tuổi của các em thường thích khẳng định mình, khẳng định cái “tôi” cá nhân và quan tâm nhiều đến các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là mối quan hệ bạn bè.
Vì thế, khi cảm thấy bị bạn bè “xúc phạm” như: nói xấu, chửi tục, chửi tên bố mẹ, cùng thích một bạn trai, thậm chí là lườm đểu hoặc bạn có quần áo đẹp hơn, nhà giàu hơn… cũng rất dễ khiến các em có những kích thích mạnh về mặt tâm lý.
Tuy nhiên, việc các em không kiềm chế được bản thân và ứng xử bằng cách đánh nhau một phần lớn là do ảnh hưởng của môi trường sống khi mà mọi người cư xử với nhau bằng bạo lực ngày càng nhiều.
Mặt khác, việc các em xem phim bạo lực cũng như một số bộ phim được trình chiếu trên truyền hình hiện nay cũng ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm lý. Trên phim những cảnh dàn trận đánh nhau được diễn ra hết sức bình thường, thậm chí nhiều nữ diễn viên chính của phim vào vai những kẻ giang hồ.
Thủ tục pháp luật