Tin Tức

‘Cần tính kỹ việc hạn chế nhập cư vào Hà Nội’

Rate this post

“Chẳng lẽ người Hà Nội chỉ kết hôn với người Hà Nội, hoặc chỉ bán nhà cho nhau. Chúng ta đang đặt ra ảo tưởng biến Hà Nội là ốc đảo”, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội phát biểu về Đồ án quy hoạch thủ đô năm 2030.

Sáng 11/5 Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã báo cáo Thường vụ Quốc hội đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ba vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là: định hướng xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới ở Ba Vì sau năm 2030, vốn đầu tư quá lớn, hạn chế dân nhập cư vào thành phố…

Theo đồ án quy hoạch, dân số thủ đô hiện nay là 6,4 triệu. Trong giai đoạn 2010-2020, Hà Nội sẽ khống chế nhập cư vào thành phố, dân số chủ yếu tăng tự nhiên. Đến năm 2020 dân số thủ đô khoảng 7,1-7,4 triệu, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 64%.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, người dân nhập cư vào Hà Nội là do nhu cầu dân sinh. Ví dụ một chàng trai Hà Nội lấy vợ ở tỉnh khác thì người vợ sẽ về thủ đô sinh sống.

“Hạn chế nhập cư vào Hà Nội trong tương lai, vấn đề này đã được tính toán kỹ lưỡng chưa bởi ảnh hưởng tới nhiều người dân, họ nhập cư do nhu cầu dân sinh. Chẳng lẽ người Hà Nội chỉ kết hôn với người Hà Nội, hoặc chỉ bán nhà cho người Hà Nội”, ông Thuận nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 thì chỉ có dưới 10 triệu dân làm nông nghiệp, còn lại là thị dân, lấy công nghiệp là mũi nhọn. Do vậy, chỉ nên hạn chế dân nhập cư vào vùng lõi đô thị Hà Nội còn các thành phố vệ tinh thì vẫn thu hút dân cư đến sinh sống.

Người dân xem quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030. Ảnh: Hoàng Hà.

Đề cập về nguồn vốn đầu tư 90 tỷ USD để xây dựng hạ tầng theo quy hoạch chung, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, theo đồ án nguồn lực chủ yếu dựa vào đất đai và tài chính công, sau đó mới huy động vốn doanh nghiệp và dân cư. Nhưng hiện nay mỗi năm Hà Nội thu ngân sách 72.000 tỷ đồng thì không đủ để đầu tư cho thành phố tương lai.

“Nếu không có chính sách đặc thù thì sẽ không đủ vốn để đầu tư xây dựng theo quy hoạch”, ông Hiển nói.

Xem Thêm  Bài toán trái phiếu

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050 khoảng 90 tỷ USD. Khung hạ tầng chiếm 40-50% tổng vốn, như vậy đến năm 2030 cần có 20-30 tỷ USD đầu tư vào khung hạ tầng. Tuy nhiên, chi phí thực tế sẽ gia tăng rất lớn so với dự toán, do vậy cần làm rõ tính khả thi khi xây dựng tổng vốn cho hạ tầng khung của Hà Nội.

Xung quanh việc đưa các cơ quan hành chính lên Ba Vì, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các cơ quan của Chính phủ cũng là cơ quan hành chính phục vụ cho hệ thống chính trị nên nếu di chuyển sẽ ảnh hưởng đến công tác của hệ thống chính trị.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh bày tỏ, hệ thống chính trị gồm Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc nên gắn bó với nhau, không nên tách rời Trung tâm chính trị và Trung tâm hành chính quốc gia.

Ông Bình cho rằng, việc quản lý của nhiều cấp chính quyền không hiệu quả, như có nhiều lãnh đạo xã vẫn cấp đất cho dân ở ven đường giao thông. Do vậy, cần tổ chức thực hiện đúng quy hoạch đã được duyệt, phải có văn bản pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn thay đổi quy hoạch. “Nhìn vào báo cáo, sa bàn thì rất đẹp, song khi làm thường không đẹp”, ông Bình nhận xét.

Giải trình trước các ủy viên thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, đơn vị tư vấn sẽ nghiêm túc tiếp thu và làm rõ các vấn đề mà các đại biểu đã đặt ra. Trong đồ án đã đưa ra lộ trình, thời gian, nguồn lực sơ bộ để xác định tính khả thi. Tuy nhiên, việc thực hiện phụ thuộc vào các cấp ngành chứ không phải là tính toán của các nhà tư vấn.

Đề cập vấn đề hạn chế dân nhập cư, Bộ trưởng Quân cho rằng, tăng dân số cơ học trên 3% thì hạ tầng đô thị sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Do vậy, việc khống chế mật độ dân cư là yêu cầu và mục tiêu khi xây dựng và quản lý đô thị. Đồ án đã tính toán vùng lõi của Hà Nội có 7,4 triệu dân là phù hợp. Còn giải pháp để hạn chế dân nhập cư thì sẽ do các cơ quan chức năng đưa ra, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường.

Kết thúc buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá, đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đủ điều kiện để báo cáo để lấy ý kiến Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 này.

Ông Kiên cũng lưu ý rằng vấn đề quản lý sau quy hoạch phải chặt chẽ, để người dân không xây dựng, lấn chiếm, khiến nhà nước phải đền bù giải tỏa khi tiến hành xây dựng. Ngoài ra, phải làm rõ hơn mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn trong đồ án quy hoạch chung.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn