Cần tạo được chuyển biến thực sự
Từ cuối năm 2003, sau khi Ban Bí thư T.Ư Đảng ra Chỉ thị số 32 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động (NLĐ) được Tổng LĐLĐVN tích cực triển khai thực hiện.
Cán bộ, CNVC-LĐ tỉnh Hải Dương hưởng ứng phong trào phòng chống ma tuý (ảnh minh hoạ). |
Đặc biệt, đến tháng 2.2009, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong các loại hình DN từ năm 2009 đến 2012 (gọi tắt là Đề án 31), công tác này cần tiếp tục được tổ chức công đoàn (CĐ) quan tâm hơn, nhằm tạo sự chuyển biến quan trọng của hoạt động tuyên giáo CĐ trong tình hình mới.
Đề án 31 và nhiệm vụ của CĐ
Đề án 31 được xây dựng với mục tiêu chung là: Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với NLĐ và NSDLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các DN, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Mục tiêu cụ thể của đề án được xác định: Đến hết năm 2012, phấn đấu đạt 95% số NSDLĐ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của DN và 70% số NLĐ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân và NLĐ.
Đề án 31 có 5 tiểu đề án, trong đó, Tổng LĐLĐVN được giao chủ trì tiểu đề án 3 với nội dung “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật có liên quan cho CNLĐ tại các DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài”.
Ngay khi đề án được phê duyệt, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã chủ động triển khai thực hiện, quyết định thành lập ban chỉ đạo gồm 18 thành viên thuộc các ban chuyên đề của Tổng LĐLĐVN và 7 LĐLĐ tỉnh, TP có đông CNLĐ trong các DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với 5 nội dung cụ thể.
Để nghiên cứu thực hiện mục tiêu đề án, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức khảo sát tại 7 địa phương là: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Kết quả cho thấy, tổng số DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn 7 tỉnh là 207.758 với 3.585.829 CNLĐ, trong đó, số DN đã thành lập được CĐCS là 12.988 với 1.474.800 đoàn viên CĐ. Tổng số cán bộ CĐCS là 64.779, trong đó có 50.036 cán bộ mới, ít có kinh nghiệm, cần được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Tổng LĐLĐVN đã tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học với hàng chục đại biểu tham dự, tập hợp ý kiến rộng rãi của cán bộ CĐ, các nhà nghiên cứu pháp luật tham luận để xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ CĐCS và CNLĐ.
Cùng với các hoạt động trên, Tổng LĐLĐVN đã nhanh chóng xây dựng bộ tài liệu để phục vụ cho công tác tuyên truyền. Xác định rõ đối tượng sử dụng tài liệu là cán bộ CĐCS và CNLĐ trực tiếp sản xuất, Tổng LĐLĐVN thống nhất đưa vào tài liệu những nội dung định chế quan trọng nhất, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích CNLĐ.
Ban soạn thảo xây dựng bộ tài liệu gồm 4 cuốn sổ tay pháp luật khổ nhỏ bỏ túi và 12 mẫu tờ gấp về Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Các nội dung tuyên truyền pháp luật được lấy ý kiến thẩm định và đóng góp ý kiến của các cấp CĐ, các vụ chức năng của Bộ Tư pháp, Bộ LĐTBXH, BHXHVN.
Trước mắt, bộ tài liệu này đã phát hành được 15.000 cuốn sổ tay các loại và 15.000 tờ gấp, chủ yếu cung cấp cho 13 tỉnh trọng điểm có đông CNLĐ khu vực dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài.
Tập trung cho NLĐ ở cơ sở
Là năm đầu tiên triển khai đề án, Tổng LĐLĐVN đã tập trung tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ tại cơ sở. Trong các tháng 8 – 9.2009, 8 cuộc tuyên truyền tại các DN cho khoảng 4.500 CNLĐ đã được Tổng LĐLĐVN chỉ đạo tổ chức tại 8 tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Thanh Hoá, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh.
Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú đã được triển khai, như tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông báo, đài, tuyên truyền lồng ghép với văn nghệ, sân khấu hoá…
Điển hình là LĐLĐ tỉnh Hải Dương, với chương trình giao lưu: “Công nhân hát cho công nhân nghe và công nhân nói cho công nhân nghe”, đã lồng ghép được những nội dung pháp luật để CN tìm hiểu, sau đó họ tự lên trình bày lại những hiểu biết của mình về luật.
Nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố đã hỗ trợ xây dựng tủ sách pháp luật cho CĐ khu công nghiệp, khu chế xuất. Đặc biệt, việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng hơn, qua hệ thống báo chí thuộc tổ chức CĐ. Với 1 tờ báo, 2 tạp chí, 1 trang web trực thuộc Tổng LĐLĐVN; 10 trang web, 3 tờ báo, 4 tạp chí và gần 60 bản tin của các LĐLĐ địa phương, CĐ ngành T.Ư, CĐ các TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN, lực lượng truyền thông này thường xuyên đăng tải tin, bài, ảnh về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho CNLĐ, mở được các chuyên mục hỏi – đáp pháp luật.
Ngoài ra, nhiều LĐLĐ tỉnh, TP phối hợp với đài phát thanh, truyền hình tỉnh, báo tỉnh mở ra các chuyên trang CĐ, trong đó có chuyên mục tuyên truyền pháp luật, được CNLĐ quan tâm. Chú trọng nghiên cứu nhân rộng mô hình tổ tự quản trong CNLĐ, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong CNLĐ tại địa bàn nơi cư trú.
Hoạt động của tổ chức CĐ đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, từng bước làm chuyển biến nhận thức ở các cấp CĐ, NLĐ và NSDLĐ về vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật lao động cho NLĐ và NSDLĐ.
Trong năm 2010, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 31, Tổng LĐLĐVN đang tích cực tổ chức nghiên cứu bổ sung và biên soạn mới bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật tới cán bộ CĐCS và CNLĐ. Bộ tài liệu này gồm những nội dung cơ bản của Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp và Luật Bảo hiểm y tế, trên cơ sở những văn bản luật đã ban hành và cập nhật những vấn đề mới sửa đổi, bổ sung.
Đồng thời tiến hành khảo sát, đánh giá về thực trạng tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở và hiệu quả của bộ tài liệu tuyên truyền trong thực tế.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đổi mới hình thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng các lớp tập huấn cho cán bộ CĐCS phù hợp với từng loại hình DN.
TS Hoàng Ngọc Thanh – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN
Thủ tục pháp luật