Cạn nghĩa…?
“Xin anh cho em một cơ hội để hoàn thiện mình. Mẹ con em cần có anh và luôn chờ anh về”- bị đơn với gương mặt nhòe nước mắt tha thiết van xin. Nhưng, không nhìn vợ lấy một giây, người đàn ông cương quyết lắc đầu: “Muộn mất rồi!”
Quen nhau từ thời sinh viên, ra trường họ cưới nhau và chung sống đến hôm nay
đã gần 30 năm chia ngọt sẻ bùi. Cũng đã tính đến chuyện vài năm nữa nghỉ hưu, họ sẽ về quê hưởng thú điền viên. Dưới đôi mắt của bè bạn và xóm giềng, đó là một gia đình hạnh phúc hoàn hảo khi cả hai có địa vị xã hội nhất định; người chồng mẫu mực, thương vợ con; người vợ biết vun vén, chăm sóc gia đình và 3 con trai ngoan ngoãn, học giỏi. Nhưng rồi gần đây bà phát hiện ở chồng có những biểu hiện lạ.
Ông thường đi sớm về khuya, không có cả thời gian hỏi han chuyện học hành của đứa con đang chuẩn bị thi đại học. Nhiều lần nói xa nói gần về mối quan hệ giữa ông với một người phụ nữ mà bà nghe đồn đại đang có quan hệ với ông, bà chỉ nhận từ chồng cái cau mày khó chịu hoặc lớn tiếng phủ nhận. “Vôi nào là vôi chẳng nồng”, nhất là khi thời xuân sắc của người phụ nữ không còn và gia đình đối với họ là lẽ sống, bà đã không giữ được sự bình tĩnh cần có, thường xuyên hạch sách, nghi ngờ chồng. Ghen tuông, mất niềm tin làm cho mâu thuẫn vợ chồng mỗi lúc một thêm trầm trọng. Họ cãi nhau bất chấp sự có mặt của con cái.
Bầu không khí gia đình càng nặng nề hơn khi bà hăm dọa sẽ tố cáo ông với lãnh đạo và có những lời lẽ xúc phạm, nhục mạ chồng. Cuối cùng điều bà không mong đợi đã xảy ra, ông dọn đi nơi khác ở và một thời gian ngắn sau, ông đơn phương xin ly hôn. Bất chấp sự hòa giải năm lần bảy lượt của tòa án, sự phản đối quyết liệt của vợ, ông nhất quyết giữ nguyên yêu cầu được ly hôn. Thấy không thể hàn gắn, cấp sơ thẩm giải quyết cho họ ly hôn. “Còn nước, còn tát”, bà làm đơn kháng cáo với hy vọng chồng nghĩ lại tình cảm của bà và các con…
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông trình bày: “Trong thời gian sống ly thân một năm, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tình nghĩa vợ chồng gần 30 năm đâu phải nói bỏ là bỏ được! Nhưng tiếc là trong thời gian này, bà ấy vẫn không nhận ra việc làm quá đà của mình, có những lời nói và hành động làm mất mặt tôi. Thử hỏi, tôi làm sao có thể tiếp tục sống với người không đồng cảm, chia sẻ cùng tôi, ngược lại còn làm rối tung mọi việc? Ở đây không có chuyện tha thứ hay không tha thứ mà là tình cảm của tôi đã nguội lạnh, không thể tiếp tục chung sống được”.
Trước thái độ cương quyết đòi ly hôn của chồng, bỏ cả lòng tự trọng, danh dự và địa vị xã hội, bà bật khóc nức nở, cuống quýt xin chồng nghĩ lại, xin tòa hàn gắn để gia đình đoàn tụ. “Tôi vẫn còn thương yêu chồng. Tôi sẽ thuận theo mọi ước muốn của anh ấy miễn sao gia đình được hòa thuận, con cái được sống trong tình yêu thương đầy đủ của cha mẹ và phát triển bình thường. Xin cho tôi một cơ hội…”.
Vị chủ tọa nhíu mày, thở dài. Tôi hy vọng – dù biết là rất mong manh – ông nghĩ lại khi chứng kiến sự hối hận đến tuyệt vọng của vợ. Nhưng ông vẫn lạnh lùng: “Chỉ những người trong cuộc mới hiểu được tình cảm và nỗi ray rứt khi phải quyết định ly hôn. Thời gian sống ly thân một năm là đã quá đủ. Tôi không thể chung sống thêm dù chỉ một ngày chứ đừng nói là một tháng hay một năm nữa”.
Điều gì làm cho ông tuyệt tình đến thế? Những người ngồi quanh tôi thầm thì: “Nếu đã có người thứ ba, dù mâu thuẫn chỉ mới bắt đầu cũng khó hàn gắn được”. Thực hư chuyện này ra sao, chỉ có ông là người biết rõ nhất, không ai có quyền đưa ra một kết luận nào khi chưa có bằng chứng cụ thể. Dẫu vậy, vẫn thấy xót, thấy đau. Giới trẻ yêu vội, cưới vội và chia tay cũng vội, là hệ quả tất yếu.
Nhưng cuộc hôn nhân với gần 30 năm yêu thương, đồng cam cộng khổ, chỉ một chút nghi ngờ, một chút cư xử thiếu sáng suốt, khéo léo mà tan vỡ khiến cho người trong cuộc và cả những người tình cờ ngồi dự phiên tòa phải trăn trở, suy nghĩ nhiều. “Đốn cây ai nỡ dứt chồi”, một khi tình đã hết, nghĩa đã cạn, biết lấy gì để neo giữ con thuyền hạnh phúc? Điều làm nhẹ lòng người dự khán là hình ảnh họ cùng ngồi lại thỏa thuận việc phân chia tài sản, thời gian thăm nom con cái…, trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.
Thủ tục pháp luật