Tin Tức

Cấm bán thận, dân vẫn có cách phá luật

Rate this post

Trước thông tin nhiều người công khai rao mua bán thận, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, những hành vi này đều phạm pháp. Song ông cũng thừa nhận việc phá luật là có thể xảy ra.

Việc cho thận có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người cho và người nhận. Ảnh: Kiều Mi.

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người được Quốc Hội thông qua từ năm 2006, được các bác sĩ chuyên khoa – những người hằng ngày chứng kiến cảnh bệnh nhân mỏi mòn chờ ghép thận – xem như một giải pháp cứu cánh.

Luật khuyến khích việc hiến tạng, nhưng nghiêm cấm các hành vi như: mua, bán bộ phận cơ thể người, quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại… Thế nhưng đến nay, lượng người chết đồng ý hiến thận vẫn đếm trên đầu ngón tay. Bằng chứng là tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, kể từ ngày có luật cho phép hiến tạng, chỉ có hai trường hợp người chết não hiến bốn quả thận để ghép cho bốn người suy thận mãn, còn Bệnh viện nhân dân 115 thì chưa có trường hợp nào.

Rõ ràng, với nhiều bệnh nhân khác, cơ hội chờ đến lượt được hiến thận là quá mong manh, và bước đường cùng của họ là mua thận, tức là phát sinh cung cầu mua bán.

Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Tạ Phương Dung – Trưởng khoa nội thận miễn dịch Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM) thừa nhận, có nhiều người trực tiếp đến bệnh viện xin bán thận, tuy nhiên tất cả đều bị từ chối.

“Dù đã được giải thích việc bán thận là trái với quy định của pháp luật song người xin bán thận thường than thở đủ điều về hoàn cảnh khó khăn để được bán. Vấn đề nan giải ở chỗ, người bán có thể thỏa thuận mua bán ngầm với người cần thận rồi đến bệnh viện bảo rằng họ cam kết hiến tặng. Việc làm này ngoài tầm kiểm soát của bệnh viện”, bác sĩ Tạ Phương Dung nói.

Tại Bệnh viện nhân dân 115, để đối phó với nạn cho thận “trá hình”, theo bác sĩ Dung, những trường hợp người cho và người nhận không cùng huyết thống, bệnh viện luôn cần sự xác nhận hiến thận từ chính quyền địa phương, gia đình phía cho thận phải viết cam kết đồng ý. “Quy định này như một hành lang pháp lý bảo về bác sĩ nếu chẳng may có tai biến xảy ra đối với người hiến”, bà Dung nói.

Tiến sĩ Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho rằng, nếu không có thỏa thuận mua bán ngầm thì khó có chuyện những người không cùng huyết thống lại đồng ý cho thận theo kiểu “từ thiện”. “Đây là kẽ hở và là vấn đề nan giải. Cẩn thận trước những trường hợp này, chúng tôi chỉ đồng ý phẫu thuật sau khi đã xác minh kỹ, người hiến tự nguyện hoàn toàn”, ông Sinh nói.

Tại TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có khoảng 500 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, Bệnh viện nhân dân 115 cũng có gần 400 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Với hầu hết bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối, ghép thận là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên chi phí ghép và tìm được quả thận để ghép luôn là vấn đề nan giải.
Xem Thêm  Thừa Thiên-Huế: “Quan xã” chia đất dự án cho vợ con

Tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa thận Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tuần nào tại khoa cũng có mấy sinh viên đến gạ rao bán thận, nhưng vấn đề là bán cho ai. Thận không phải là mớ rau cứ nói bán là bán được luôn”.

Vì thế, theo ông có người mua, người bán nhưng bệnh viện không cấy ghép thì hành vi mua bán bất hợp pháp này cũng không thực hiện được.

“Hơn nữa, xét nghiệm hàng chục người may mới có được một người phù hợp để ghép. Trong khi đó, tổng số tiền để làm tất cả các xét nghiệm cũng ngót nghét đến chục triệu đồng”, tiến sĩ Luận nói.

Các bệnh nhân suy thận mãn đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: T.C

Trước nghi vấn mua bán thận, đại diện Bộ Y tế khẳng định trong số hơn 300 ca ghép thận được thực hiện tại Việt Nam từ trước đến nay, Bộ chưa phát hiện một ca ghép thận nào mà không phải họ hàng.

“Thận là một hàng hóa đặc biệt, đâu thể nói bán là bán được luôn đâu. Cần phải có một cơ sở y tế là trung gian lấy thận từ người này rồi ghép sang người kia”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng khẳng định, cả nước hiện có 11 cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép thực hiện ghép bộ phận người và đều là của nhà nước. Những cơ sở này đều nhận thức được việc mua bán thận là sai nên họ không dại gì đánh đổi uy tín của mình để làm việc đã bị cấm, rủi ro lớn.

“Bộ Y tế chưa phát hiện một cơ sở y tế nào ghép thận mà không phải họ hàng. Ghép thận ngoài huyết thống rủi ro lớn hơn rất nhiều, ghép vào sau đó người cho hay người nhận có vấn đề gì thì ai là người chịu trách nhiệm!”, ông Quang nói.

Bộ Y tế đã hoàn thiện đề án thành lập trung tâm điều phối quốc gia về cấy, ghép bộ phận cơ thể người, đặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trung tâm này sẽ tiếp nhận và quản lý việc cấp thẻ cho những người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sống và người sau khi chết. Đồng thời cũng sẽ lập danh sách quản lý những người được chỉ định ghép mô, bộ phận cơ thể và điều phối việc lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người. Hiện nay, một số ngân hàng mô (giác mạc, xương..) đã được thành lập tại Bệnh viện Mắt Trung ương, Đại học Y Hà Nội…

Cũng theo ông Quang, mỗi ca ghép thận đều có hồ sơ lưu tại bệnh viện và báo cáo lên Bộ Y tế. Trước mỗi ca ghép bệnh viện đều có một hồi đồng chuyên môn để thẩm định tính pháp lý. Nếu thấy nghi ngờ, không phải họ hàng mà cho thận thì sẽ mời các nhà quản lý, chuyên gia pháp lý xem xét, gặp lần lượt từng đối tượng, hỏi về mối quan hệ họ hàng.

Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận Luật chỉ cấm mua, bán còn việc cho, hiến thận vì mục đích nhân đạo, cứu người thì được phép. Vì thế, việc phá luật là chuyện có thể xảy ra.

Còn về mức xử phạt, ông cho biết “chưa có quy định về mức xử phạt trong luật, tuy nhiên nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự. Còn việc quản lý các thông tin trên mạng, quảng cáo… là thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và truyền thông”.

Nam Phương – Thiên Chương

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn