“Bở hơi tai” thuê nhà cho tổ ấm
“Vợ chồng lấy nhau gần chục năm, có hai mặt con mà vẫn chưa mua được nhà đã chán lắm rồi, thêm cảnh cứ thỉnh thoảng lại phải sấp ngửa tìm nhà thì không gì mệt bằng”, chị Hoài than thở.
Cũng chung cảnh như chị Hoài, anh Trung (Hà Đông, Hà Nội) sau mấy tháng tìm nhà cho gia đình nhỏ của mình cũng kêu trời: “Thuê nhà thời buổi đất đai đắt đỏ, người nhiều, đất ít như bây giờ thật khổ quá”.
Anh Trung cho biết, gia đình anh có 4 người, hai vợ chồng với cậu con trai 3 tuổi và bà nội ở quê xuống trông cháu giúp. Trước đây, anh được một người bà con cho thuê lại vì đi vắng. Gần đây, họ về ở nên anh phải tìm nhà khác.
Vì cả hai vợ chồng có thu nhập thấp, anh Trung tìm tới những nơi xa trung tâm như trong làng Đại Mỗ hay Ngọc Trục (Từ Liêm, Hà Nội) hoặc mạn La Khê (Hà Đông)… vì nghĩ sẽ dễ tìm nhà, lại được giá rẻ. Thế nhưng, ở những nơi này, các ngôi nhà rộng rãi, độc lập, đủ cho cả gia đình anh ở thì hoặc là giá quá cao, hoặc là đã có người thuê hoặc đặt trước từ lâu. Còn lại, cũng có khá nhiều phòng cho thuê nhưng rất chật chội, 10-20m2, chỉ phù hợp cho sinh viên hay người độc thân.
Mới đây, khi anh tìm được một ngôi nhà cấp 4 khá đẹp, giá thành cũng vừa phải, chỉ có điều ở trong làng, hơi xa trung tâm thì chị vợ lại nhất định không đồng ý. Chị cho rằng mình bỏ quê ra thành phố lập nghiệp là để được ở nơi văn minh, giờ lại rúc vào chỗ lạc hậu như thế thì về quê cho xong.
“Giờ nhà cũ thì trả rồi, nhà mới chưa có, con thì gửi về quê cho ông bà nội. Chồng ngủ luôn tại chỗ làm. Vợ về ngủ nhờ nhà người quen, chả còn giống gia đình nữa. Chán lắm. Đã thế, vợ chồng lại còn hục hặc nhau về tìm nơi ở”, anh Trung ngao ngán.
Bà Xuyến, một chủ cho thuê nhà trọ ở Hà Trì, Hà Đông, cho biết, làng bà mấy năm trước vốn vắng vẻ, đất rộng mênh mông, nhà cho thuê cũng rẻ, chỉ vài trăm là có được phòng khép kín, rộng rãi. Mấy năm gần đây, giá đất lên cao, giá nhà cho thuê cũng tăng theo mà vẫn không có mà cho thuê.
“Người cho thuê nhà thì ít mà người cần tìm nhà lại nhiều. Nhà vừa mới xây đã có người đến hỏi rồi đóng tiền đặt cọc. Còn nhà nào có người rục rịch định chuyển thì đã có vài người hỏi thế chỗ từ trước”, bà Xuyến nói. Tình trạng này có ở nhiều nơi.
Cũng bởi thế mà anh Thạch, làm việc tại Cầu Giấy, Hà Nội, khi chuẩn bị cưới, dù đã nhờ bạn bè hỏi được một căn nhà tập thể ở khu vực này, chỉ chờ người cũ dọn đi là chuyển tới, thế mà cũng trắng tay. Anh kể, người bạn nói chắc như đinh đóng cột rằng họ đã hỏi chủ nhà để thuê lại căn hộ tập thể khi biết gia đình ở đó còn hơn một tháng nữa sẽ chuyển đi. Thế nhưng, khi anh Thạch hỏi lại thì chủ nhà cho biết họ đã ký hợp đồng cho người khác thuê rồi và giải thích: “Có cả chục người hỏi trước, sao tôi nhớ được ai với ai”.
Anh Thạch cho biết, thật ra, muốn thuê nhà để ở sau khi cưới không khó. Sau quá trình tìm kiếm, anh biết có rất nhiều nhà kiểu chung cư mi ni cho thuê, chủ yếu ở khu Cầu Giấy, Ngã Tư Sở… có giá khoảng 1,2-1,7 triệu đồng một phòng. Đây là những phòng khép kín trong các ngôi nhà 4-5 tầng, được xây để cho thuê hết, có chỗ để xe riêng.
“Nhà này hai vợ chồng ở thì ổn, ấm cúng, thuận tiện nhưng nếu sinh con, nhất là lại thêm người trông con nữa thì không thể ở được. Vì thế mình mới tính thuê luôn căn nhà nào rộng rãi để ở, chấp nhận giá cao để sau này đỡ phải chuyển đi chuyển lại. Thế nhưng, cũng khó quá”, anh Thạch chia sẻ.
Anh cho biết, bởi đã sát ngày cưới, anh đành thuê tạm một căn phòng nhỏ để hai vợ chồng ở, sau đó thì tìm nhà rộng sau.
“Muốn xây ‘tổ ấm’ thì phải có nhà, mà thời buổi này, mua được cái nhà quá khó, mà tìm được nhà thuê cũng bở hơi tai”, anh tâm sự.
Thủ tục pháp luật