“Bỏ chồng được chứ không thể bỏ cờ bạc!”
Ngựa quen đường cũ, bà G. “chắt chiu” tiền mà ông X. chu cấp cho gia đình để… chơi đề cho đỡ nghiền! Bà lấy giấy tờ nhà thế chấp bên ngoài vay 500 triệu và nướng sạch. Bị siết nợ, ông X. không còn đủ can đảm đâm đơn ra tòa ly dị. Đến lúc này bà G. mới thừa nhận “bỏ chồng được chứ không thể bỏ đề!”…
Những năm gần đây, kinh tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng cao, bên cạnh thành quả đó thì mặt trái của thời buổi kinh tế thị trường cũng để lại nhiều hậu quả cho xã hội.
Các quý bà đánh bạc bị bắt ở quận Bình Tân. |
Trong đó, bình quân mỗi năm TP Hồ Chí Minh có khoảng 50.000 trẻ sống xa cha hoặc mẹ do gia đình tan vỡ là một thực trạng đáng buồn, nhiều vụ ly hôn mà các cấp tòa án ở TP Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết đã giải mã những cuộc chia tay.
Khi quý bà “thất nghiệp”
Ông X. ở quận 12 là chủ một doanh nghiệp tư nhân. Vì kinh tế khá giả nên ông cho vợ nghỉ việc để trông nom 2 đứa con còn nhỏ.
Công việc của bà G. – vợ ông cũng như bao bà mẹ khác là mỗi sáng đưa đứa con lớn đi học rồi về nhà chăm đứa nhỏ. Tuy công việc giữ con không cực nhọc nhưng bận rộn suốt ngày nên bà cũng tạm hài lòng với cuộc sống thực tại. Thế rồi đứa con nhỏ đến tuổi học mẫu giáo, vì vậy mỗi sáng bà chở hai con đi học là rảnh luôn cả ngày.
Giam mình mãi trong nhà, buồn chán, bà tìm đến với những người hàng xóm có cùng hoàn cảnh để khuây khỏa. Trong số này, có bà là một “ma” đề nên dần dà bà G. cũng tập tành chơi theo.
Lúc đầu chỉ đánh mỗi con số năm mười ngàn cho vui, sau vài lần trúng số, bà G. đâm ra nghiện, đánh đậm hơn và thường xuyên bao lô mỗi ngày hàng trăm ngàn đồng. Thua số, cạn tiền, bà G. dùng uy tín của chồng để vay mượn nhiều người với số tiền 300 triệu đồng thì vỡ nợ.
Ông X. hay tin rất giận dữ nhưng thấy vợ năn nỉ, hứa sẽ đoạn tuyệt với đề nên ông trả nợ, bỏ qua. Thế nhưng, ma đề nào có buông tha. Hết tiền chơi đề, bà G. “chắt chiu” tiền mà ông X. chu cấp cho gia đình để… chơi cho đỡ nghiền!
Khổ nỗi, do đánh lớn quen nên bà G. lấy giấy tờ nhà thế chấp bên ngoài vay 500 triệu và nướng sạch chỉ trong vài tháng. Bị siết nợ, ông X. không còn đủ can đảm đâm đơn ra tòa ly dị. Đến lúc này bà G. mới thừa nhận “bỏ chồng được chứ không thể bỏ đề!”…
Trước Tết Nguyên đán, Công an TP Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra căn hộ 86/97/8 đường Trường Chinh (phường 12, quận Tân Bình), phát hiện quả tang nơi đây là ổ cờ bạc ăn tiền, tạm giữ 12 đối tượng, trong đó có 10 con bạc nữ.
Các quý bà là chủ sòng bạc, con bạc như Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Hà, Trương Thị Hùng, Phan Thị Hoàn, Lâm Thị Y… đều có hoàn cảnh y như bà G.. Đánh bạc nhằm giết thời gian và “kiếm thêm thu nhập” để ăn xài, chưng diện. Đáng nói hơn là một số quý bà lợi dụng chồng đi công tác xa đã cặp kè với các ông lớn tuổi để kiếm tiền đánh bạc.
Ổ bạc này bị triệt phá không được bao lâu, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục xóa một ổ cờ bạc khác cũng của quý bà (20 con bạc nữ tham gia) ở phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân. Ngay trong ngày các quý bà bị tạm giữ, nhiều ông chồng đã làm đơn xin ly dị vì đây không phải là lần đầu tiên các bà đi đánh bạc.
Ông ăn chả, bà ăn nem
Ở TP Hồ Chí Minh có người giàu sụ, thu nhập mỗi tháng hàng trăm triệu đồng nhưng không phải làm gì. Đơn giản vì họ có nhà, mặt bằng đem cho thuê đến tháng thu một hai chục ngàn đô. Như ông B., có nhà ở đường Sư Vạn Hạnh nối dài (quận 10) cho thuê 9.000 USD để mở nhà hàng, còn vợ ông thì bán sỉ vải ở chợ Soái Kình Lâm.
Mỗi sáng ông cùng các chiến hữu cũng giàu có mà rảnh rang như mình vác vợt đi đánh banh cá độ, khi thì một chầu bia ôm, khi thì buổi ăn trưa ở một nhà hàng sang trọng. Điểm chung nhất của các ông là ai cũng có bồ nhí trẻ đẹp, dễ thương và chu cấp tiền bạc đủ đầy.
Trong giới đại gia ở khu vực nội ô thành phố nhiều người rất “nể” ông Ph. ở quận 5. Tính đến nay, ông đã xây 6 căn nhà cho gia đình các cô vợ bé ở miền Tây và đang toan tính nâng thêm kỷ lục xây “nhà tình yêu” nếu gặp cô nào vừa ý. Những cuộc tình trăng gió ấy, nhiều ông đã bị phát hiện dẫn đến những vụ ly hôn, tan nát gia đình.
Hai vợ chồng ông Q. ở quận 3 hành nghề bán cơm tấm. Tuy cuộc sống cũng đầy đủ nhưng rất khó làm giàu, ông bèn tính đến một hướng đi mới. Nói là làm, ông bán căn nhà được 20 tỷ đồng rồi chuyển về huyện ngoại thành Hóc Môn mua đất rộng cất biệt thự, sắm xe hơi hết 5 tỷ đồng, còn lại mua thêm đất đai và gửi tiết kiệm ngân hàng.
Có nhiều tiền nhưng không có việc làm lại quen ở thị thành nên ông Q. thường đánh xe xuống trung tâm thành phố ăn chơi, bao gái, có khi ở lại qua đêm.
Vợ ông cũng chẳng vừa, từ ngày có tiền bà lo làm đẹp, thấy chồng bỏ bê, bà cũng trả đũa bằng cách cặp kè với đám thanh niên chuyên đi “săn” các bà luống tuổi để kiếm tiền.
Vì “ông ăn chả, bà ăn nem” nên cuộc sống của vợ chồng họ chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, chẳng ai quan tâm đến ai. Việc gì đến phải đến, họ ly hôn, các con vì quen ăn chơi sa đọa nên tranh giành tài sản, đánh đập nhau phải nhờ đến cơ quan Công an can thiệp…
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay toàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 600.000 nhân khẩu diện KT2, tức không ở đúng nơi đăng ký thường trú mà thường là từ nội thành ra ngoại thành sinh sống.
Trong đó có người ra ngoại thành do nhà bị giải tỏa hoặc cho thuê nhà ở nội thành nhưng phần lớn vẫn là bán nhà ở nội thành để ra ngoại thành vừa cất nhà rộng, vừa có dư một khoản tiền lớn như trường hợp của ông Q. Mà đây cũng là nhóm có nguy cơ cao dẫn đến những cuộc chia tay.
Nếu như trước đây, lý do của những vụ ly hôn là do bất đồng quan điểm, do nạn bạo hành trong gia đình, do chuyện gối chăn hay những nguyên nhân lặt vặt thì những năm đầu thế kỷ XXI đã diễn biến theo một chiều hướng khác như chúng tôi đã đề cập ở trên.
Tuy ở bài viết này chỉ nêu một vài trường hợp, song đây là nguyên nhân điển hình mà tòa án các cấp thụ lý giải quyết
Thủ tục pháp luật