Tin Tức

Bão dập lũ dồn

Rate this post

Cầu tre xã Duy Thành (Duy Xuyên) bị sập, hàng ngàn người dân vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình (Quảng Nam) và ghe thuyền bị tắc đường khi đi tránh lũ – Ảnh: Doãn Hoàng

Cụ bà Trần Thị Đồng, 74 tuổi, thẫn thờ bên ngôi nhà bị sập ở khối phố 3, thị trấn Núi Thành (Quảng Nam) – Ảnh: D.Hoàng

Từ 13g ngày 29-9, nước lũ bất ngờ đổ về và dâng cao khiến hàng ngàn hộ dân ở Hòa Vang, TP Đà Nẵng chìm trong lũ (ảnh chụp hồi 17g ngày 29-9) – Ảnh: Quốc Nam

>> Bão số 9 đang tràn vào tàn phá miền Trung

Tường trình từ vùng bão

TT – Chiều 29-9, cơn bão số 9 đã đổ bộ vào Đà Nẵng. Sau gần hai giờ hoành hành, bão đã gây thiệt hại lớn từ Huế vào đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và ngược lên các tỉnh Kontum, Gia Lai ở Tây nguyên.

Tại khúc cua đèo đầm An Khê, tuyến quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), bão số 9 gây mưa gió mạnh làm lật một ôtô khiến người trong xe bị thương nặng -Ảnh: Minh Thu

Người dân tộc Ba Na (Kontum) sơ tán tránh bão – Ảnh: K.S

* Kontum: Đến 15g ngày 29-9, Kontum đã có 13 người chết và mất tích do bão lũ. Tại làng Mô Bành, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông có năm người dân tộc Sê Đăng trong một gia đình do mưa to gây lở núi, sập nhà, bị vùi sâu trong đất. Tại xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei, bốn người chết do bị lũ cuốn trôi, trong đó có ba người trong một gia đình tại thôn Đông Thượng và một người tại thôn Đăk Đoát. Núi sạt lở đã vùi chết bốn công nhân đang làm đường tại thôn Ba Khen, xã Văn Xuôi chiều 29-9.

Gần 18g ngày 29-9, nước sông Đăk Bla bất ngờ dâng cao rất nhanh, hàng ngàn người dân của trên 350 hộ dân làng Kon H’ra Chót và tổ 2, P.Thống Nhất (TP Kontum) phải chạy vào nhà rông văn hóa để tránh lũ.

* Gia Lai: Đến chiều 29-9, người dân ở xã Hà Ra, huyện Mang Yang vẫn chưa tìm được thi thể anh Đinh Lưng, 22 tuổi, bị lũ cuốn trôi trên suối Xi Núc khi từ rẫy về làng tối 28-9. Hiện mực nước sông Ayun, sông Ba đều vượt mức báo động 3. Tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, lũ cuốn trôi một cây cầu. Cầu Đê Gơ ngập sâu trong nước làm năm xã phía nam huyện Mang Yang bị chia cắt.

* Bình Định: Đã có sáu người chết, hai người mất tích trong bão lũ. Tại huyện Hoài Nhơn, bà Huỳnh Thị Lâm (ở thôn Phú Xuân, xã Hoài Mỹ) đã chết trong lúc sửa mái nhà bị gió giật rơi xuống đất. Ông Dương Văn Bình, 41 tuổi ở phường Lê Hồng Phong bị lật ghe mất tích trên sông Hà Thanh, hiện chưa tìm thấy thi thể. Khoảng 16g ngày 29-9, anh Võ Chung, 36 tuổi, ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn bị điện giật chết do trụ điện ngã… Trong ngày 29-9, Bình Định đã cắt điện, nước trên diện rộng, mọi sinh hoạt bị đình trệ.

* Quảng Ngãi: Tính đến cuối ngày, Quảng Ngãi có bảy người chết, ba người mất tích và 18 người bị thương. Đến trưa 29-9, bức tranh Quảng Ngãi đập vào mắt cánh phóng viên chúng tôi là cây xanh bật gốc ngã đổ la liệt và hàng loạt ngôi nhà bị hư hại, tốc mái. Nhiều gia đình bỗng chốc rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Ngày 29-9, cả xã Bình Tân, huyện Bình Sơn bàng hoàng khi nghe tin anh Đỗ Tấn, cán bộ xã được phân công sơ tán các hộ dân ven biển ảnh hưởng của triều cường đi trú bão số 9, đã bị nước lũ cuốn trôi mất tích.

Trên khắp các nẻo đường từ TP Quảng Ngãi về các vùng quê, tôn từ các mái nhà bị gió mạnh xé toác bay xuống đường. TP Quảng Ngãi cắt điện từ đêm 28-9, nhiều tuyến đường chính trên địa bàn TP Quảng Ngãi ngập sâu trong nước 0,5-1m cộng với nhiều cây xanh ngã đổ chắn ngang đường khiến giao thông đình trệ hoàn toàn. Riêng hai huyện miền núi Tây Trà và Trà Bồng bị mất thông tin liên lạc từ hai ngày qua. Dọc tuyến đường từ TP Quảng Ngãi xuống Khu kinh tế Dung Quất, nhiều cây xanh ngã đổ, gió mạnh đến cấp 9, giật trên cấp 10. Tỉnh đã ban hành lệnh cấm người dân và các phương tiện xuống Khu kinh tế Dung Quất để tránh nguy hiểm. Tính đến 19g ngày 29-9, theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, ước tính thiệt hại do bão số 9 gây ra khoảng 200 tỉ đồng.

* Quảng Nam: Đúng 16g, cơn bão số 9 tàn phá dữ dội khu vực huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Dải quét của bão kéo dài khoảng 15km từ huyện Núi Thành lên đến huyện trung du Tiên Phước. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm ngôi nhà dân bị tốc mái, nghiêng đổ. Toàn bộ đoạn quốc lộ từ huyện Tam Kỳ đến Núi Thành bị ngập sâu trong nước.

Toàn tỉnh đã mất điện ngay từ 10g ngày 28-9. Do đó việc phòng chống, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Tới chiều qua, Ban phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn tỉnh vẫn chưa tiếp cận được với các huyện như Tiên Phước Bắc, Tiên Phước Nam, Trà My, Hiệp Đức và vùng tây huyện Núi Thành. Ông Nguyễn Tiến, chủ tịch huyện Núi Thành, cho biết đến chiều qua vẫn còn 18 hộ dân tại xã Tam Hải bị cô lập, chưa có cách nào tiếp cận được. Trong khi đó ở Cù Lao Chàm, sóng đánh làm 70% nhà dân ở đây bị tốc mái hoặc nghiêng đổ. Nhiều ngôi nhà khu vực thôn Bãi Làng có nguy cơ bị sạt lở vì kè bảo vệ khu vực này đã bị đánh sập. Toàn tỉnh có năm người chết, 5.200 nhà dân bị sập hoàn toàn, 150.000 ngôi nhà bị tốc mái, hơn 50.000 nhà bị ngập sâu, 1.000ha lúa đang vào kỳ thu hoạch bị thiệt hại đến 80%, 3.000ha hoa màu bị thiệt hại nặng…

Xem Thêm  Đề thi sát hạch lý thuyết lái xe ô tô

* Đà Nẵng: Sáng 29-9, bão hoành hành càng lúc càng mạnh trên mọi tuyến đường lẫn các vùng phụ cận. Bốn xe thiết giáp và lội nước cùng hàng trăm xe quân đội, công an tỏa đi các tuyến đường kiểm tra trong khi mưa to gió mạnh dữ dội. Lãnh đạo thành phố và bộ đội biên phòng cương quyết đưa 200 người dân đang ở trên thuyền tại bến Thọ Quang, quận Sơn Trà lên khỏi thuyền đi trú bão.

Đến 19g toàn thành phố vẫn bị cúp điện, một số tuyến giao thông không đi lại được do cây ngã đổ. Tính đến cuối ngày Đà Nẵng có ba người chết, một người mất tích.

Tin qua điện thoại, ông Huỳnh Minh Nhơn – chủ tịch UBND huyện Hòa Vang – cho biết có ba xã miền núi là Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú với trên 1.500 hộ dân đã bị cô lập từ trưa 29-9 đến 19g cùng ngày vẫn chưa có phương tiện nào tiếp cận được. Tại đó có nhiều hộ đang thiếu lương thực và nước uống, điện và điện thoại không liên lạc được.

Hai khu vực Khuê Đông và Mân Quang của quận Ngũ Hành Sơn bị chia cắt từ 2g ngày 29-9 vẫn chưa có phương tiện nào tiếp cận được.

Thừa Thiên – Huế: Mặc dù không trực tiếp hứng bão, hoàn lưu của trận bão Ketsana đã nhấn chìm thị trấn Lăng Cô ngập sâu 1m nước. Tổng thiệt hại ước khoảng 213 tỉ đồng. Đặc biệt, có ba người bị thương khá nặng trên địa bàn huyện, trong đó có đại tá Trần Hữu Tuất (tham mưu phó Bộ tư lệnh Quân khu 4) và anh Trần Tình (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế), cả hai bị thương tại nam chân đèo Phú Gia khi đi kiểm tra tình hình bão lũ.

Đến 20g10 tối 29-9, tất cả các con sông của tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn giữ mức nước rất cao, trên mức báo động 3. Riêng sông Hương khu vực trung tâm TP Huế đạt đỉnh với 4,5m (trên báo động 3 là 1,5m) và có xu hướng tăng lên. Thời điểm này, ngay khu vực trung tâm TP Huế cũng có đến hơn 2/3 diện tích bị ngập nước với hàng vạn hộ dân bị ngập sâu, có nơi 1,5m. Nhiều tuyến đường tại các phường như Phú Hậu, Phú Cát, Phú Hội, An Hòa, Hương Sơ, Vỹ Dạ, Kim Long, Tây Lộc, Thuận Lộc… bị tê liệt hoàn toàn.

3 ngày nữa, dân đảo mới vào đất liền

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại lúc 18g30 chiều 29-9, ông Nguyễn Văn Lê – phó trưởng Ban phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) – cho biết cơn bão số 9 hoành hành tại huyện đảo Lý Sơn với gió giật từ chiều 28-9 cấp 9, 10 và đến rạng sáng 29-9 gió lớn dần lên giật cấp 12, 13. Bão số 9 hoành hành đỉnh điểm tại huyện đảo Lý Sơn kéo dài từ rạng sáng 29-9, đến 14g cùng ngày hoàn lưu bão suy yếu dần. Cơn bão số 9 đi qua đã để lại hậu quả nặng nề cho huyện đảo Lý Sơn. Ông Mai Quới (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) bị mái tôn nhà sập đè chết lúc 12g trưa 29-9. Hai người bị thương ở vùng đầu và gãy tay. 39 nhà dân bị sập hoàn toàn, hơn 2.400 nhà dân bị tốc mái, hư hại. Hầu hết các trụ sở UBND xã, các cơ quan, đơn vị bị tốc mái, bể kính… Cây cối, trụ điện dọc hai bên đường từ thôn Tây, xã An Vĩnh đến thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn ngã đổ gây cản trở giao thông. Mặc dù tàu thuyền đã đưa vào nơi neo đậu an toàn nhưng do sóng to, gió lớn đã nhấn chìm 27 chiếc tàu của ngư dân huyện Lý Sơn. Ít nhất ba ngày nữa người dân Lý Sơn mới vào đất liền được.

* Hơn 2.000 hộ dân ở xã đảo Nhơn Châu (Cù Lao Xanh) bị chia cắt hoàn toàn với đất liền. “Khó khăn lớn nhất không chỉ là lương thực mà là chuyện đau ốm. Bởi những ca đẻ khó, đau ruột thừa, bệnh hiểm nghèo mà không thể vào bờ được thì dễ chết. Nếu thời tiết tốt, khoảng ba ngày nữa mới có thể vào đất liền”- chủ tịch xã Nhơn Châu Ngô Văn Quý nói.

Hôm nay lũ đặc biệt lớn ở miền Trung

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đêm 29-9, bão số 9 còn “càn quét” trên đất liền tỉnh Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 9-10.

Rạng sáng nay, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Sau đó, áp thấp nhiệt đới đi qua khu vực nam Lào. Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7-9. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Kontum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6-7.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lũ các sông từ nam Quảng Bình đến Phú Yên, Gia Lai và Kontum tiếp tục lên nhanh. Hôm nay, lũ các sông từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi có khả năng lên trên mức báo động (BĐ) 3 từ 1-3m (tương đương với đỉnh lũ tháng 11-2007), các sông ở Gia Lai và Kontum lên trên mức BĐ 3 từ 3-6m thuộc lũ đặc biệt lớn, có nơi vượt lũ lịch sử từ 1-2,5m. Mực nước tại sông Vệ: 5,8m (trên BĐ3: 1,7m), tại Kontum lên mức 525,5m (trên BĐ3: 5,5m), tại Đắk Mốt lên mức 590,5m (trên BĐ3: 6,5m); các sông ở nam Quảng Bình, Quảng Trị và hạ lưu sông Ba lên mức BĐ2 – BĐ3.

* Tính đến 20g tối 29-9, bão số 9 đã làm 31 người chết, 3 người mất tích tại các tỉnh miền Trung và Kontum. Từ Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9 tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho biết ngoài số người chết và mất tích, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định còn có hơn 100.000 nhà bị sập, tốc mái, hư hại. Có ít nhất 90 tàu thuyền bị chìm…

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các địa phương tiếp tục cảnh giác với lũ sau bão. Ngay trong đêm 29-9 tiếp tục triển khai lực lượng ưu tiên cứu hộ cứu nạn người dân, bố trí lực lượng cảnh giới những nơi nguy hiểm để hạn chế thiệt hại. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo quân khu 4 và 5 tăng cường lực lượng hỗ trợ cứu nạn cho người dân. Ưu tiên ứng cứu những vùng bị ngập sâu chia cắt như Kontum, Bình Sơn (Quảng Ngãi). Trong hôm nay (30-9) yêu cầu trực thăng vào ứng cứu người dân bị chia cắt ở Kontum.

Q.Khải – Tuấn Phùng

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn