Tin Tức

“Ăn” đất, các “quan tham” bị tố cáo

Rate this post

Một thương binh tố cáo 30 cán bộ tham nhũng ở thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) trong nhiều năm qua. Người tố cáo từng bị răn đe, mới đây còn bị kẻ lạ tấn công làm gãy chân. Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang chỉ vào cuộc khi có chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng…

Ông Hoàng Văn Hưng – người dũng cảm tố cáo tiêu cực của các quan chức ở thị xã Hà Tiên – bị hành hung gãy chân, đang điều trị tại Bệnh viện Hà Tiên- Ảnh: HOÀNG TRÍ DŨNG

Từ giữa năm 2004, thương binh 4/4 Hoàng Văn Hưng (ngụ ấp Rạch Vược, xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên) làm đơn tố cáo ông Trần Văn Lâm – thị ủy viên, bí thư phường Tô Châu (thị xã Hà Tiên) – tham nhũng 29 lô đất. Qua quá trình tự điều tra, ông Hưng phát hiện thêm 29 cán bộ khác của địa phương này cũng “ăn đất”. Trong đó có gia đình cán bộ thâu tóm hàng chục lô đất, nhiều lô đã sang bán, cho thuê. Các cán bộ này lấy đất công phân lô, chia chác hoặc cắt bán với “cam kết” sẽ hợp thức hóa; ra các quyết định thu hồi đất của dân chưa làm hợp thức hóa đem bán cho người khác…

Kiên trì tố cáo tiêu cực

Các đơn tố cáo của ông Hưng gửi đến các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng không được điều tra làm rõ. Thậm chí sau khi gửi đơn, ông Hưng đã bị công an mời lên làm việc nhiều lần, trong đó có lần vào ngày 11-9-2006 Công an thị xã Hà Tiên mời ông Hưng lên phường Tô Châu (nơi có nhiều cán bộ bị tố cáo tham nhũng đất) để “thẩm vấn” đến… 22 giờ đồng hồ.  

Báo cáo kết quả xử lý trước tháng 1-2008

Ngày 28-11-2007, Bộ trưởng – chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký công văn số 6908 gửi UBND tỉnh Kiên Giang, nêu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Theo đó, Phó thủ tướng đánh giá cao ông Hoàng Văn Hưng về việc mạnh dạn tố cáo, phản ảnh một số sai phạm của cán bộ chính quyền địa phương.

Công văn cũng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang khẩn trương xử lý nghiêm các sai phạm đã được làm rõ theo đúng qui định của pháp luật; thông báo công khai những sai phạm và các hình thức xử lý để nhân dân biết. Nội dung nào có dấu hiệu tội phạm thì giao công an tỉnh khởi tố điều tra, xử lý theo pháp luật. Vụ việc phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1-2008.

Thấy tình hình có vẻ “không sáng sủa”, ông Hưng mang đơn tố cáo ra Hà Nội gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Cuối năm 2006, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng nêu rõ: “Yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang thanh tra làm rõ nội dung ông Hưng tố cáo… Vụ việc phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trong quí 1-2007”.

Thế nhưng mãi đến ngày 9-11-2007, UBND tỉnh Kiên Giang mới có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh thừa nhận 24/30 đối tượng bị tố cáo có sai phạm; thu hồi hơn 800.000m2 đất và trên 1,7 tỉ đồng. Tuy nhiên ông Hưng cho rằng kết luận của UBND tỉnh Kiên Giang vẫn quá “ưu ái” số cán bộ tham nhũng, nhiều nội dung tố cáo của ông chưa được làm rõ.

Xem Thêm  Tiếng Anh, tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3 năm học 2022-2023

Sự việc không dừng lại, ông Hưng kể: “Đêm 9-12-2007 tôi tiếp tục đem đơn tố cáo trình bày với ông Trần Lam (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – nay là chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang), trên đường đi xe máy về đến xã Kiên Bình (Kiên Lương) thì bất ngờ bị hai người lạ chạy xe máy đạp ngang hông, làm tôi ngã gãy chân trái, hiện đang phải điều trị”. Ông Hưng bức xúc cho rằng đây là một vụ “đòn thù” có chủ ý.

Ai chiếm đất nhiều nhất?

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Kiên Giang, hầu hết cán bộ bị tố cáo đều “dính” vào tiêu cực đất đai, trong đó ông Phạm Văn Hoáng – trưởng Ban tuyên giáo thị xã Hà Tiên – là người “chiếm” nhiều đất nhất. Gia đình ông Hoáng có bảy lô đất, diện tích trên 20.540m2. Năm 2003, ông Hoáng được cấp 9.140,5m2 đất tại khu phố 3, phường Tô Châu.

Điều đáng nói là khu vực ông Hoáng được cấp là khu đất bãi bồi ven biển, tuyệt đối không được cấp cho cá nhân, nghiêm cấm sang nhượng. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, ông Hoáng đã tự vẽ qui hoạch, phân 35 lô chuyển nhượng thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng; trong đó có 29 hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng, sáu hợp đồng còn lại ghi giá chuyển nhượng tổng cộng trên 89 triệu đồng.

Không chỉ ông Hoáng mà vợ ông, bà Nguyễn Thị Chưởng, cũng ngang nhiên lấy đất phân lô bán nền. Cơ quan chức năng xác định diện tích đất bà Chưởng chiếm giữ là 4.260,25m2 tại khu phố 3, phường Tô Châu cũng là khu đất nhà nước quản lý. Bà Chưởng sau khi “phù phép” có giấy tờ đã tùy tiện phân lô chuyển nhượng cho năm người, biếu xén cho tám người khác. Một số hộ sau khi được bà Chưởng “ban phát” đất cũng đã sang bán hưởng lợi hàng trăm triệu đồng. Thanh tra kiến nghị thu hồi 12.929,8m2 đất cấp bất hợp pháp cho gia đình ông Hoáng, thu hồi 627.250.000 đồng tiền “phân lô bán nền” và tiền các hộ được ông Hoáng “biếu” đất sau đó đem bán.

Đối với ông Lâm Văn Đường – phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thị ủy Hà Tiên, thanh tra tỉnh đề nghị thu hồi 143.343,8m2 đất và trên 22 triệu đồng do thu lợi bất chính từ đất. Còn ông Nguyễn Thành Phụng – chánh thanh tra Thị ủy Hà Tiên – bị đề nghị thu hồi 43.203,2m2 đất và buộc gia đình ông này phải nộp lại cho Nhà nước 73.853.050 đồng tiền bán đất và tiền lấy bồi thường đất trái qui định. Ông Trần Văn Lâm – bí thư phường Tô Châu – bị đề nghị thu hồi hai lô đất rộng trên 50.000m2 và trên 300 triệu đồng, đồng thời đề nghị thu hồi 283 triệu đồng tiền bán đất của bốn hộ được ông Lâm lấy đất nhà nước biếu xén…

Chiều 19-12, ông Trương Quốc Tuấn – bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang – cho biết tỉnh đã giao thanh tra và Thị ủy Hà Tiên làm rõ vụ việc, mức độ sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, kể cả xử lý hình sự, dứt khoát không bao che. Riêng về việc có dư luận ông Hưng – người tố cáo tiêu cực – bị trả thù, ông Tuấn nói: “Tôi đã nghe thông tin này và yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ, không thể để một thương binh tố cáo tiêu cực lại bị trả thù”.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn