Tin Tức

Ai nên “nịnh” ai?

Rate this post

Chuyện xảy ra hiện nay tại Ngân hàng Nhà nước hay tại các cơ quan ở các thành phố lớn chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm… Biết bao người ra đi lặng lẽ vì “im lặng là vàng”, mà số đông là vàng thật. Với tài năng thật sự, họ sẽ tiến nhanh và xa hơn, kèm theo thu nhập cao hơn nhưng lòng thanh thản.

 Với họ, đồng tiền kiếm được bằng sức lao động mới là chính đáng, nhận những phong bì thấm đẫm mồ hôi của dân nghèo mới đáng lên án.

Người ta thường phải nịnh người yêu để hy vọng sẽ được cầm tay, nịnh con để chúng đến trường ngoan ngoãn, nịnh vợ để nàng không la mắng nếu mình trót dại đi karaoke về muộn và muốn tiến thân phải nịnh sếp.  

Không cần có năng lực nhưng được sự nâng đỡ của sếp, bạn cũng sẽ lên nhanh. Bạn lên cao rồi cũng bắt người khác nịnh mình như bản thân đã từng chịu “nhục” vì… nịnh. Chuyện đó xảy ra ở Trung Quốc, ở Mỹ hay châu Phi. Nó xảy ra từ thời nô lệ hay phong kiến đến thời đại internet ngày nay. Đáng tiếc, vấn nạn đó hiện đang hoành hành quá dữ dội ở nước ta. Vì có chuyện nịnh nọt cấp trên nên mới sinh ra hối lộ, chạy chức quyền. 

Và cũng vì không “tiêu hóa” nổi văn hóa “nịnh sếp” nên nhiều người đã bỏ cơ quan ra đi, mới có chuyện chất xám đang chảy. Đây cũng là câu chuyện đối nhân xử thế, cung cách quản lý, đổi mới tư duy trong thời đại mới của người lãnh đạo. Tiền lương thấp chỉ là một trong muôn vàn lý do khiến người ta ra đi. 

Tại ngân hàng. Ảnh: vneconom

Chuyện ra khỏi biên chế nhà nước

Năm 1993, khi tôi viết đơn xin ra khỏi một viện khoa học, nơi tôi đã gắn bó 17 năm, rất nhiều đồng nghiệp đã ngạc nhiên tại sao tôi có thể “dại” đến thế. Bố mẹ tôi nhắn về quê để họp gia đình và mong tôi thay đổi quyết định. Với ngần ấy năm công tác, có bằng phó tiến sỹ và cũng có đôi chút địa vị mà bỏ đi tất cả để bắt đầu cuộc đời từ số không cũng đáng tiếc. Ra khỏi biên chế nhà nước cách đây 15 năm quả là một chuyện khó tưởng tượng với nhiều người.  

Tôi nhớ lý do là vì lương bổng kém, không thể so với một tổ chức quốc tế họ hứa trả tôi gấp 10 lần dù hợp đồng chỉ ba năm, nhưng phía sau quyết định đó là sự suy nghĩ của tôi về ông thủ trưởng.  

Ông được bổ nhiệm thông qua một cuộc thăm dò tín nhiệm, có kiểm phiếu hẳn hoi, xem ra rất dân chủ. Ông được rất ít số phiếu so với một đồng nghiệp khác, nhưng người có quyền quyết định bổ nhiệm lại thân thiết với ông hơn nên giải thích với cả cơ quan: “Tôi chọn anh K vì… trẻ hơn”. Không hiểu người ta bày đặt ra việc thăm dò làm gì cho phí thời gian. Ai cũng hiểu đằng sau lý do “trẻ hơn” chính là những gì rồi. 

Chúng tôi kiếm hợp đồng hàng trăm triệu về cho nhóm nghiên cứu. Lợi nhuận được chia đều cho anh em và… cả ông thủ trưởng. Ông không làm gì nhưng vì là lãnh đạo nên ông đòi lương “chủ trì đề tài”. Khi tôi đưa giấy cho ông ký nhận tiền “chỉ tay năm ngón” hàng tháng thì ông ấy nói: “Tớ là viện trưởng mà phải ký sao?” Rất lạ, chúng tôi nhận một xu cũng phải ký, còn ông nhận cả triệu (những năm 1990) thì không phải ký. Ông ăn chặn ngang nhiên và cấp dưới phải chịu trách nhiệm.  

Trong cơ quan có nhiều nhóm phải cống nạp cho thủ trưởng theo cách như thế. Vài người thân tín hay nịnh bợ ông thì được nâng đỡ lên rất nhanh. Thậm chí, có người còn đề nghị vợ của ông lên làm trưởng phòng dù bà chỉ có trình độ trung cấp, không có chút nghiệp vụ quản lý nào. Người có đề đạt đó sau này lên thay khi ông hưu, còn ông đã 65 tuổi vẫn lang thang ở cơ quan làm “chuyên gia”. 

Nói về thu nhập ngoài lương, bạn thử tìm hiểu vài ông cỡ vụ trưởng của vài bộ sẽ rõ. Vợ một ôtô riêng, con gái và con trai đều có ôtô riêng. Đó là thứ nhìn thấy được. Chiếc ghế bốn chân của ông tạo ra những chiếc xe bốn bánh trên. Thử hỏi nhân viên dưới quyền những người như thế sẽ làm gì. Hoặc sẽ “noi gương” ông hoặc có tấm lòng với dân với nước sẽ xin thôi việc. 

Bạn có yêu nghề và gắn bó với cơ quan bao nhiêu cũng không thể làm việc dưới quyền những người như trên. Cơ chế tuyển chọn hay bổ nhiệm lãnh đạo không minh bạch đã tạo ra những quan tham thời nay, nhưng lại luôn nhân danh “vì nước vì dân” khi đứng trên bục phát biểu. Những người tài được đặt vào tay những thủ trưởng ngồi “nhầm chỗ” như vậy, rút cục họ sẽ không thể làm việc nổi và sẽ phải tìm cách đi nơi khác. 

Xem Thêm  Công chức dùng mìn đòi nợ

Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến “chất xám” trọng danh dự bỏ đi. Chuyện xảy ra hiện nay tại Ngân hàng Nhà nước hay tại các sở ở các thành phố lớn chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Biết bao người ra đi lặng lẽ vì “im lặng là vàng”, mà số đông là vàng thật. Với tài năng thật sự, họ sẽ tiến nhanh và xa hơn, kèm theo thu nhập cao hơn nhưng lòng thanh thản. Với họ, đồng tiền kiếm được bằng chính sức lao động mới là chính đáng. Nhận những phong bì thấm đẫm mồ hôi của dân nghèo mới đáng lên án.

Tôi gặp một anh bạn trên chuyến bay từ Vientiane về Hà Nội. Anh làm tư vấn cho một công ty khoáng sản quốc tế, lương 550$/ngày và không đủ thời gian làm hết các hợp đồng. Các công ty nước ngoài thi nhau “nịnh” dù anh không có chút quyền lãnh đạo nào. Vốn liếng của anh là tiếng Anh thông thạo và tri thức sâu sắc về các tầng địa chất mac ma. Nơi anh công tác tại cơ quan Việt Nam, không ai cần đến kiến thức ấy. Thế mà Tây ở tận Canada lại biết và mời anh lên Bắc cực tìm mỏ dầu. 

Nhiều người bỏ cơ quan nhà nước vì không muốn ăn tiền của dân nghèo. Thật ra, nếu ăn hối lộ hay nhũng nhiễu, khi pháp luật sờ đến thì họ trở thành vật tế thần đầu tiên. Số đông đang làm việc có đạo đức thì dù cố gắng vì đất nước nhưng đôi khi cũng phải lắc đầu ngao ngán “kệ cho đời trôi” hoặc “bó tay.com”.   

“Thăm” sếp. Ảnh: X-cafe

Cơ chế ngày nay, ai phải “nịnh” ai? 

Người ta nói đến những việc “đương nhiên” trong cơ quan công quyền. Nếu anh trong đường dây thì “đương nhiên” anh phải theo hệ thống đã sắp đặt, phải nịnh sếp và phải tìm cách ăn hối lộ của dân để có tiền chu cấp cho quan trên. Nếu không, anh sẽ bật ra khỏi guồng máy hoặc ngồi chơi xơi nước.  

Tôi đã làm việc nhiều năm ở một số tổ chức quốc tế. Rất lạ, sếp Tây chỉ mong đến nhà nhân viên chơi để “nịnh” quân. Họ còn biết ngày sinh nhật hay dịp 8/3 để tặng hoa các cô thư ký. Ngày Tết sếp có phong bì 50$ cho anh bảo vệ cơ quan.  

Cơ chế quản lý con người của họ thật đáng để ta suy nghĩ. Sếp muốn tồn tại được là do quân quyết định. Thỉnh thoảng tôi nhận một email của bên phát triển nguồn nhân lực hỏi về anh Andrew, người quản lý trực tiếp của tôi. Hằng năm người ta tổ chức thăm dò ý kiến một cách bí mật về lãnh đạo. Nếu trên 50% cán bộ dưới quyền không thích thì sếp liệu mà xách va li về nước. 

Trong khi tại các cơ quan nhà nước của ta, các bạn thử tìm ra ai trong dịp Tết này không đến nhà thủ trưởng. Hay là chỉ thấy dòng chảy phong bì về nhà thủ trưởng. Muốn xem người ta xu nịnh thế nào, hãy đến những đám ma cha mẹ hay đám cưới con cái của những người đương chức đương quyền.

Vì thế, xin những người làm chính sách hãy tạo ra cơ chế để “sếp nịnh nhân viên” thì chất xám không chảy đi cho dù lương có thấp một chút so với công ty tư nhân. Cơ quan nhà nước vốn ổn định nên nhiều người vẫn thích ở lại trong khi bên tư nhân sa thải bất kỳ lúc nào nếu họ không còn lợi nhuận.  

Đổi mới tư duy trong lãnh đạo

Nếu cơ quan nào đó có đông người bỏ biên chế, xin đừng kêu gọi suông: “Các anh chị hãy ở lại”, mà hãy xem xét ban lãnh đạo của cơ quan đó có xứng đáng hay không. Họ quản lý kém, vô đạo đức hay ngồi nhầm chỗ thì nên thay đổi chính họ trước tiên, sau đó mới kêu gọi mọi người đừng đi.  

Người dân mong có công ăn việc làm để “có đồng ra đồng vào”. Người có hiểu biết thì họ đặt tiêu chí môi trường làm việc, điều kiện để cống hiến tốt nhất, khả năng tiến thân và cuối cùng là lương bổng để đi tìm việc. Kêu gọi yêu đất nước, yêu cơ quan nhà nước mà môi trường làm việc không minh bạch thì số cán bộ có năng lực bỏ đi còn tăng nhiều.  

Chuyện 15 năm trước của tôi hay 15 năm sau cũng vẫn thế thôi. Người lãnh đạo không thay đổi để theo kịp thời đại thì khó giữ được nhân viên giỏi cho mình. Chất xám sẽ còn chảy nếu cơ chế quản lý hay bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không thay đổi, trong đầu người lãnh đạo thích được “nịnh” thay vì chính ông ta nên đi “nịnh” những người tài năng dưới quyền.  

Tướng Napoleon, một người lùn, với mãi không lấy được cuốn sách trên giá. Người hầu cận lấy hộ và đùa: “Tôi thế mà cao hơn bệ hạ đấy”. Napoleon đùa lại: “Nhưng tôi lại có thể chỉ huy những người cao hơn mình một cái đầu”. Phải chăng bài học về bí quyết dùng người tài hơn mình của Napoleon cách đây mấy trăm năm vẫn còn giá trị.

 

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn