7 năm chờ lời hứa
Lời hứa đào tạo nghề, tạo việc làm sau 7 năm vẫn chưa được thực hiện. Hàng trăm hộ dân tái định cư trong “siêu dự án” của tỉnh Bình Dương đang phải tự bươn chải khi cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.
>> Thất nghiệp, đói nghèo vì “nhường đất” làm sân golf
Nông dân mất đất nhìn…bò gặm cỏ hoang
Khu liên hợp công nghiệp–dịch vụ và đô thị Bình Dương là một “siêu dự án” có diện tích lên tới 4.196ha được chấp thuận về chủ trương vào năm 2003. Tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2002, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa bồi thường phục vụ “siêu dự án” này.
Sau gần 7 năm khởi động, những gì nhìn thấy tại dự án này là hàng nghìn hecta đất đang trong tình trạng bỏ hoang, lãng phí. Đó là hình ảnh những con đường rộng thênh thang, những lô đất đã được phân nền nhưng chưa có người đến định cư…
![]() |
Trong căn nhà khang trang của người dân tái định cư là tình cảnh thất nghiệp, đói nghề… |
Chạy dọc theo con đường Tạo Lực xuyên “siêu dự án”, PV VietNamNet ghi nhận một vài nhà máy của Khu công nghiệp Đại Đăng mọc lên. Phía xa cuối con đường là những ngôi nhà của các hộ thuộc diện tái định cư và cạnh đó là một số nhà máy của KCN Sóng Thần III đang hình thành. Điều đáng chú ý nhất là cả nghìn hecta chỉ để dành cho mấy con bò gặm cỏ!
Đối nghịch với sự thừa thãi hoang hoá trên, là cuộc sống của hàng trăm hộ dân nhường đất cho “siêu dự án” đang phải sống chung với nỗi lo cơm áo hằng ngày, đối phó với thất nghiệp… khi mà số tiền đền bù đã dùng hết vào việc mua đất, xây nhà tại khu tái định cư.
Được quy hoạch nằm trong “siêu dự án”, những người dân có đất tái định cư tại khu C trong Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ và đô thị Bình Dương được phía chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và phát triển KCN (BECAMEX IDC) “hứa” tạo công ăn việc làm. Nhưng đến nay, người dân ở đây vẫn trong tình trạng “sống chết mặc bay”…
Ông Phan Tấn Thành, một người dân trong dự án bức xúc: “Lời hứa tạo công ăn việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đã gần 7 năm chưa thấy “mặt mũi” ra sao. Hứa thì cứ hứa chứ có ai kiểm chứng đâu mà lo. Thiệt nhất vẫn là người dân nhường đất”.
“Không chỉ vậy, số tiền đền bù thì ít ỏi nhưng mỗi người dân muốn có một nền đất khoảng 300m2 tại khu tái định cư cũng phải đóng thêm mỗi hộ từ 40–45 triệu đồng tiền mua nền đất. Điều này thật vô lý” – chị Năm Dạ (xã Phú Chánh, thị xã Thủ Dầu Một) nói.
![]() |
Công việc hiếm hoi ở khu tái định cư này là quét đường và chăm sóc cây cảnh. |
Nhìn vào cảnh nhà chị Năm Dạ mà chúng tôi không khỏi xót xa. Một ngôi nhà tạm bợ lợp bằng lá dừa nước, 8 hướng đều là cửa. Nhìn từ ngoài đường chắc sẽ không ai biết đây là nơi sinh sống của 3 mẹ con chị mà cứ ngỡ là một quán nước. Bởi với số tiền đền bù ít ỏi (74 triệu đồng), chị vừa đủ mua miếng đất, cất nhà và chữa bệnh cho đứa con út (bị viêm não Nhật Bản).
Không chỉ riêng chị Năm Dạ, đa số những hộ dân tại khu tái định cư C đều phải bỏ tiền ra mua suất tái định cư để sớm an cư lạc nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, cuộc sống có phần nào an cư còn “nghiệp” thì vẫn cứ “lạc” đâu đó…
Vợ chồng ly tán vì thất nghiệp
Có một thực tế, có những hộ đã làm nhà ở tại khu tái định cư, nhưng chỉ biết ăn xong rồi…đi ra, đi vào chứ không có việc gì khác để làm, bởi tại nơi đây chưa có gì để họ có thể bám vào kiếm sống.
![]() |
Một góc khu liên hợp rộng hàng nghìn hecta, nhiều diện tích đất vẫn còn trống trơn như thế này… |
Câu chuyện thất nghiệp hậu nhường đất cho các “siêu dự án” đã không còn là một vấn đề mới. Bởi theo những người dân sống tại đây, họ đã quen với “sống chung cùng thất nghiệp”, chịu cảnh đời sống bấp bênh vì đa số họ là những người nông dân đã quen với công việc đồng áng. Đau hơn, hậu tái định cư, có gia đình ly tán chỉ vì thất nghiệp.
Điển hình như anh Nguyễn Văn Gốm, 25 tuổi, (ngụ xã Phú Chánh, thị xã Thủ Dầu Một), tiền đền bù nhận được khoảng 500 triệu đồng, anh chia cho anh chị em mỗi người một ít, số còn lại chỉ đủ mua một cái nền tái định cư và xây một căn nhà cho mẹ và vợ con ở.
Theo anh chị em trong gia đình, anh Gốm là một người nông dân chân chất, hiền lành… nhưng chỉ vì ít học nên không kiếm được việc làm sau khi nhường đất cho “siêu dự án” mà người vợ đã ôm con bỏ anh đi. Không chỉ vậy, người vợ còn “dọa” đưa ra tòa để chia tài sản còn lại là miếng đất tái định cư 300m2 và một ngôi nhà trống rỗng.
![]() |
Khu tái định cư cũng đìu hiu không kém! Nhiều người dân đã bán đất tìm nơi khác sinh sống. |
Thương mẹ già, bỏ qua chuyện vợ con, anh xin đi vác củi thuê để nuôi mẹ. Mỗi ngày công anh cũng kiếm được 80.000 đồng. Còn mẹ anh thì trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh, bất cứ ai vào nhà bà cũng nói luyên thuyên về chuyện “mất” đất.
Anh Nguyễn Thành Tâm, mất nghề làm ruộng, anh xin vào làm cho một công ty của Đài Loan trong Khu công nghiệp Việt
“Giờ xin vào công ty nào cũng đòi hỏi bằng cấp, khổ vậy đó, mấy đứa như tụi em, gia đình nghèo lấy đâu tiền mà đi học…” – Tâm phân bua.
Nhiều người dân khác cho biết, từ khi ra khu tái định cư, họ phải bươn chải đủ thứ nghề như bốc cây, làm thuê làm mướn… khi không có ai thuê thì lại ngồi chơi. Cứ nghĩ tới thời gian trước đây khi chưa có “siêu dự án” ai cũng cảm thấy hối tiếc.
Và như vậy, cái vòng luẩn quẩn đói nghèo – ít học và thất nghiệp, rồi lại đói nghèo cứ dai dẳng, đeo đuổi người dân nơi đây, không biết bao giờ mới thực sự chấm dứt.
Thủ tục pháp luật