13 tháng đi lao động chỉ ăn chơi và… trốn cảnh sát
Từ chiều 27/8, thêm 39 lao động từ Thái Nguyên đã “ăn vạ” trước trụ sở Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) với mong muốn được cơ quan này làm trọng tài phân xử để họ được thanh lý hợp đồng với Cty TNHH một thành viên sản xuất Thương mại và XKLĐ (Vihacoop).
Những ngày tháng chui lủi hãi hùng
Theo hợp đồng đi, người lao động đã ký với ông Trần Duy Long, Phó Giám đốc Cty TNHH ELIT-TRIED (có sự chứng nhận của bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng Giám đốc Vihacoop). Hợp đồng người lao động ký với ELIT-TREID tại TP Ivanteevka có thời hạn 3 năm, trong đó ghi rõ mức thu nhập bình quân từ 48-50 triệu đồng/người/năm (đã trừ chi phí sinh hoạt).
Sau khi tới Nga, những lao động này được đưa đến một xưởng may làm việc dưới sự quản lý của chủ xưởng tên là Nguyễn Xuân Thuỷ.
![]() |
Đại diện Cty Vihacoop đang thương thuyết với 39 LĐ tại sân trụ sở Cục Quản lý lao động ngoài nước. |
Theo phản ánh của 39 lao động này thì họ được xuất cảnh từ tháng 5/2008. Sang đến Nga, tháng đầu họ không có lương do phải “thử việc”, tháng thứ hai và ba bị trừ lương và được giải thích là tiền đó được trả cho công ty môi giới VN. Tháng thứ tư trở đi, công ty bên Nga thông báo không có việc.
Kết quả, sau gần 1 năm ở Nga, 39 lao động trên chỉ ăn uống rồi đi ra đi vào. Trong khi đó, công ty bên Nga cứ hàng tháng lại mang sổ ra bắt công nhân phải ký nợ các khoản sinh hoạt, ăn uống… Không có việc làm, nhiều lần đề nghị với công ty tìm việc làm không xong, lao động đành gọi điện về Vihacoop và gia đình để được về nước.
Trong 13 tháng sống tại Nga (tháng 4/2008 đến hết tháng 5/2009), nhiều lao động đã phải sống chui lủi, bị cảnh sát đuổi bắt nhiều lần.
Lao động Ngô Thị Khai ở Võ Nhai- Thái Nguyên kể lại: “Suốt ngày chúng tôi nơm nớp lo chạy công an, đến bữa ăn no cũng không được. Lần thì chạy lên nóc nhà cao tầng, lần phải chạy ra sau vườn để trốn sự truy đuổi của cảnh sát Nga. Nhiều người đã bị nhốt ở đồn cảnh sát mấy giờ liền”.
Chị Nguyễn Thị Thuỳ thì nhớ lại: “Ngày 11/11/2008, tôi và chị Thuyết bị chủ đuổi ra khỏi xưởng, sau đó có 4 người nước ngoài đến đánh chị em tôi. Số chị em khác bị nhốt trong phòng nên không thể bảo vệ chúng tôi. Chiều hôm đó, 5 cảnh sát Nga đã ập đến dồn toàn bộ khoảng 60 công nhân trong xưởng vào phòng khoảng 16m2. Đàn ông phải nằm úp, ốp 2 tay vào gáy và bị đánh. Chứng kiến cảnh này, 3 chị Đoàn Thị Hiền, Bàng Thị Thiệp, Hoàng Thị Giang đã ngất ngay tại chỗ…”.
Nguyên nhân của những ngày tháng hãi hùng trên là do 39 lao động được Vinahacoop đưa sang Nga làm việc với thời hạn visa 3 tháng. Sau 10/7/2008, visa hết hạn, họ đã không được làm thủ tục gia hạn visa để được cư trú và làm việc hợp pháp tại Nga nên phải sống chui lủi.
Doanh nghiệp thi gan với lao động
Đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày lao động về nước, 39 lao động vẫn phải “dài cổ” chờ được thanh lý hợp đồng. Lao động Hoàng Thị Thảo, ở Đồng Hỷ- Thái Nguyên bức xúc: “Nhiều lần liên lạc với công ty, thậm chí kéo lên trụ sở tại Hà Nội nhưng lãnh đạo công ty luôn tránh mặt. Bất đắc dĩ, chúng tôi mới phải đến “ăn vạ” Cục Quản lý lao động nhờ can thiệp”.
Được biết, trước đó, tháng 12/2008, Sở LĐTBXH Thái Nguyên đã có buổi làm việc với Vihacoop và yêu cầu: Nếu tiếp tục làm việc theo hợp đồng cũ thì phải có đơn đăng ký với đại diện công ty tại Liên bang Nga. Nếu lao động về nước, DN phải cam kết trả tiền phí xuất cảnh cho công ty và người lao động, sau đó giải quyết hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Tháng 4/2009, Thường trực Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh Thái Nguyên, Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban chỉ đạo XKLĐ các huyện đã đề nghị các bên giải quyết theo hướng thương lượng. Tuy nhiên, bỏ mặc những yêu cầu trên, từ đó đến nay, Vihacoop vẫn làm ngơ.
Quá quẫn bách, 39 lao động và người nhà đã kéo về Cục Quản lý lao động “nằm vạ” để cơ quan này đốc thúc doanh nghiệp sớm giải quyết dứt điểm. Trước tình hình trên, Vihacoop đã cam kết sẽ giải quyết trước 23/8, nhưng đến nay đã qua 4 ngày, người lao động vẫn tiếp tục phải chờ đợi.
Ngày 27/8, đại diện Vihacoop đã trực tiếp đến Cục Quản lý lao động ngoài nước để thương lượng với người lao động và đưa ra mức hỗ trợ, đền bù là 500USD. Tuy nhiên, 39 lao động đều cho rằng, số tiền đó quá ít, Vihacoop cần có mức đền bù thỏa đáng vì đã vi phạm hợp đồng.
Thủ tục pháp luật